Charb tên thật Stéphane Charbonier, sinh ngày 21/8/1967 ở thành phố Yvelines ngoại ô Paris. Ngay từ thời trẻ ông đã đã mê tranh biếm họa. Ông là tổng biên tập kiêm giám đốc tuần báo Charlie - Hebdo từ năm 2009.
Charlie Hebdo là một tuần báo châm biếm nổi tiếng của Pháp. Tờ báo sử dụng chủ yếu là tranh biếm họa để nói lên những diễn biến hàng tuần trong nước Pháp và trên thế giới. Các họa sĩ tài ba đã dùng tranh thay lời muốn nói đề cập tất cả các vấn đề được coi như "phạm húy" của tất cả các tư tưởng "lớn" trong xã hội hiện đại như tôn giáo, chính trị. Đặc biệt họ trào lộng nhưng tư tưởng quá khích của một số người luôn lấy vỏ tôn giáo, quy chuẩn xã hội... để hành hạ con người, cản trở bước tiến của xã hội. Ngay trong nước Pháp, đảng cánh tả, cánh hữu, trung lập có gì sai đều không qua được con mắt trào phúng của tuần báo này.
Họ dùng ngôn ngữ của hội họa để bảo vệ quyền lợi của người dân và rộng hơn nữa là quyền con người.
Thời kỳ khủng hoảng kinh tế, tại Pháp, báo chí cũng rơi vào tình trạng giảm số người mua, nhưng nhờ sự dũng cảm của Charb và những người đồng hành - dù họ bị đe dọa tính mạng, tờ báo đã sống lại và tăng doanh thu lên 25% đó là một kỳ tích rất khó đối với một tờ báo giấy. Charlie - Hebdo là một tờ báo hoàn toàn độc lập về kinh tế. Chính vì độc lập về kinh tế nên những người họa sỹ châm biếm được độc lập về tư tưởng, tự do sáng tác, không bị một sức ép nào. Tờ báo kinh doanh dựa trên việc đóng góp cổ phần của vài người trong đó có Charb là cổ đông chính. Người làm văn hóa ở bất kỳ nước nào sống bằng nghề rất khó, người họa sỹ lại càng khó. Việc dám đầu tư vào một tờ báo biếm họa cũng đủ nói lên sự dũng cảm của Charb, chưa kể có lúc ngân sách của tòa soạn không còn một xu, trụ sở bị những nhóm Hồi giáo cực đoan đốt cháy (tháng 11/2011),
Tờ báo ủng hộ tự do ngôn luận báo chí ở châu Âu và trên thế giới, nên trụ sở của họ bị đốt. Tờ báo mạng bị tấn công kỹ thuật, thay vào đó là kinh thánh của đạo Hồi. Những Charb và đồng nghiệp không run sợ. Vì lý tưởng tự do, họ lại một lần nữa cố gắng vực dậy, để tờ báo tiếp tục sống.
Sau khi chuyên san về Charlie - Hebdo và Mohamet ra đời, một quả bom xăng đã ném vào trụ sở tòa soạn báo. Trụ sở Charlie - Hebdo lại phải chuyển tạm sang nhờ bên báo Tự do một thời gian. Điều này chứng tỏ các báo chí khác luôn sẵn sàng ủng hộ lý tưởng để cao tự do của Charlie - Hebdo. Giống như Tú Mỡ, Tú Xương, Hồ Xuân Hương ở Việt Nam dùng ngòi bút để trào lộng, Charb và đồng nghiệp lấy hội họa kết hợp với ngôn ngữ bình dân để trào phúng. Những lời văn mộc mạc nhưng thâm thúy, đôi khi chơi chữ kèm với hình vẽ mang tính hài hước dễ đi vào lòng người đọc. Các bức biếm họa của họ đều ẩn ý chứa đựng nhiều phản ứng ngầm chảy, những bất bình của xã hội khi tự do dân chủ bị tổn thương, sự mị dân của các nhà cầm cân nẩy mực …
Linh cảm thiên tài, ông đã dự báo được bọn khủng bố sẽ đến Pháp vào tháng giêng, và ông là cái bia đầu tiên chúng nã đạn.
Khi tính mạng bị đe dọa, Charb dám thách thức: "tôi không có con, không có vợ, không có xe, không nợ nần, có thể tôi nói hơi kiêu hãnh, tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ". Charb đã dồn tất cả những gì ông có để lại tiếp tục nuôi tờ báo, nuôi ý chí "đề cao tự do ngôn luận, tự do biểu cảm". Một xã hội có tự do, con người mới có nhân cách, mới phát huy tài năng. Sự kìm hãm dễ làm con người quỳ gối, sinh ra nịnh bợ và run sợ mất đi sự sáng tạo vì phải quỵ lụy.
Ông đã hành động như lời ông nói. Khi hai kẻ lạ mặt trùm mũ kín nhân danh Thánh Mohamet, đã sục vào phòng họp báo lúc 11h30 ngày 7/1/2015 hỏi ai là Charb. Ông đã đứng dậy, và bọn khủng bố đã nã đạn. Ông đã chết anh hùng như ông dự đoán.
Charb cho rằng tranh và lời trên tờ báo của ông không cay độc với ai. Cùng các bạn đồng nghiệp ông trào lộng tất cả với khát vọng để xã hội thay đổi bằng tiếng cười. Cặp kính cận cùng với chiếc áo phông kẻ, trông ông lúc nào cũng phong độ và đầy sức sống. Với ông, tiếng cười vang là quyết định. Khi người ta còn cười vang là người ta còn hạnh phúc. Đó chính là lẽ sống của tờ Charlie - Hebdo mà ông là giám đốc.
Tài năng của ông không chỉ cống hiến hoàn toàn cho tuần báo Charlie - Hebdo, mà ông còn tham gia biên tập cho nhiều báo như Téléma, Tiếng Vang trên thảo nguyên, Nhân Đạo…. Ông còn nổi tiếng với hai nhân vật "Mèo Maurice và Chó Patapon. Ông là tác giả của hàng chục tác phẩm, ông chế diễu án tử hình và những người không có lòng bao dung trong tuyển tập "Fatwas". Tranh của ông thâm thúy nhưng đầy tính chất trào lộng. Ông ra đi ở cái tuổi 47 còn rất trẻ, đầy sức sống. Cả nước Pháp rủ cờ ba ngày để tang nhưng người chết vì tự do dân chủ của nước Pháp.