Liệu Mỹ có can thiệp vào Venezuela dưới một 'lá cờ giả'?

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gặp gỡ những người ủng hộ tại Caracas ngày 12/2. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro gặp gỡ những người ủng hộ tại Caracas ngày 12/2. Ảnh: AFP/ TTXVN
Ngày 6/2, trong "Học thuyết an ninh năm 2015", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói rằng "chúng ta (Mỹ) phải đứng bên cạnh những công dân mà quyền thực thi dân chủ đầy đủ của họ đang bị đe dọa, như tại Venezuela chẳng hạn". Chỉ chưa đầy một tuần sau, Tổng thống Venezuela Maduro công bố rằng cơ quan tình báo nước này đã phá vỡ âm mưu đảo chính mang tên "Chiến dịch Jericó" do Mỹ đạo diễn - trong đó có cả âm mưu ám sát ông và lật đổ chính phủ bằng bạo lực.

    Theo nhận định của mạng tin "Argenpress", dù có trùng hợp ngẫu nhiên hay không thì hai sự việc liên tiếp này cũng đáng được xâu chuỗi và chú ý hơn, vì chúng làm dấy lên câu hỏi: Liệu Mỹ có dàn dựng một bối cảnh giả để can thiệp vào Venezuela như đã từng làm ở nhiều nước trước đây hay không?

    Trở lại với "Chiến dịch Jericó", những thông tin chi tiết được đăng tải sau tuyên bố của Tổng thống Maduro cho thấy chiến dịch này được soạn thảo kỹ lưỡng và kịch bản của nó gồm 4 giai đoạn: gây rối loạn kinh tế (nhằm làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm và tác động tiêu cực từ việc giá dầu sụt giảm), bôi nhọ hình ảnh Venezuela trên các phương tiện truyền thông quốc tế, tấn công bằng chính trị và cuối cùng là đảo chính quân sự.

    Trong giai đoạn 3 (tấn công chính trị), điểm mấu chốt là một nhóm sĩ quan không quân sẽ thu một đoạn video tuyên bố "khởi nghĩa" để các phương tiện truyền thông đối lập và quốc tế tung ra, nhằm gây chấn động và hoang mang trong dân chúng Venezuela.

    Còn trong giai đoạn cuối, những kẻ âm mưu đảo chính dự định sử dụng một máy bay Tucano - được mang vào từ ngoài lãnh thổ quốc gia Nam Mỹ này nhưng được ngụy trang bằng ký hiệu của Venezuela - để tấn công Phủ Tổng thống. Đồng thời, những phần tử đối lập cực đoan sẽ lập lại kịch bản biểu tình bạo lực và phong tỏa đường phố tại Caracas cũng như một số thành phố chính khác và tận dụng bối cảnh này để phối hợp tấn công chiếm giữ trụ sở Bộ Quốc phòng, Đài truyền hình nhà nước Telesur, cùng một số cơ sở quan trọng khác.

    Bên cạnh các chính trị gia đối lập cực hữu, các sĩ quan không quân tham gia âm mưu này có Tướng về hưu Maximiliano Hernández (biệt danh "Con gấu"), cựu Tư lệnh Không quân-Đại tá Ricardo Antich Zapata và Đại tá Luis Hernando Lugo Calderón. Tất cả đều đã có thị thực nhập cảnh Mỹ và dự tính sẽ xin tị nạn chính trị ngay sau hành động đảo chính.

    Trong âm mưu này, theo chính quyền của Tổng thống Maduro, bên cạnh vai trò nổi trội của Mỹ, một số phái đoàn ngoại giao các nước khác cũng tham gia với những "phần việc" rất cụ thể. Đức sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ công dân các nước thuộc khối NATO, Canada kiểm soát mọi động thái của sân bay quốc tế Maiquetía, Israel thực hiện việc ám sát một số lãnh đạo chủ chốt của phái Chávez trong bối cảnh hỗn loạn, còn Anh đảm đương việc vận động công nhận tính hợp pháp của chính quyền đảo chính.

    Liệu Mỹ có can thiệp vào Venezuela dưới một 'lá cờ giả'? ảnh 1

    Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (thứ 4, phải) và các nhà lãnh đạo Caribbe chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh năng lượng vùng Caribbe lần thứ nhất tại Washington ngày 26/1. Ảnh: AFP-TTXVN

    Những sắp xếp trên phần nào phơi bày khả năng và mức độ thâm nhập của mỗi quốc gia kể trên tại Venezuela, đồng thời cũng cho thấy Mỹ và đồng minh hoàn toàn có thể dàn dựng những sự kiện tiêu cực rồi đổ lỗi cho Chính phủ Venezuela để tạo cớ can thiệp, thậm chí cả bằng quân sự. Chiêu bài can thiệp dưới "những lá cờ giả" này của Washington cũng không còn xa lạ gì với thế giới, từ sự kiện Vịnh Bắc Bộ tại Việt Nam năm 1964 cho tới việc đưa ra bằng chứng về "vũ khí hủy diệt hàng loạt" của Iraq để có thể đưa quân tới Trung Đông dưới "ngọn cờ dân chủ".

    Trong bối cảnh ấy, sự ủng hộ của các nước đang phát triển khác - đặc biệt là các nước Mỹ Latinh - là rất quan trọng với Venezuela, để Caracas không bị cô lập, sụp đổ và một lần nữa rơi vào vòng thao túng của Washington. Chính tại đây, vai trò của các tổ chức khu vực như Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC), và Liên minh các Quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) là rất quan trọng, vì dù đồng cảm với Venezuela, các nước Mỹ Latinh cũng không muốn làm xấu đi mối quan hệ song phương với Mỹ bằng việc lên tiếng trực tiếp, mà luôn muốn thông qua một diễn đàn đa phương.

    Nếu Washington quyết định can thiệp vào Venezuela dưới "một lá cờ giả", thì kết quả của nó sẽ là đáp án cho câu hỏi: Liệu Mỹ Latinh có còn là "sân sau" của Mỹ hay không?

    Theo Theo baotintuc.vn
    MỚI - NÓNG
    Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
    Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
    TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.