Liệu có chạy điểm thi tốt nghiệp THPT 2014?

Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: ngọc châu
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2013. Ảnh: ngọc châu
TP - Nhiều Sở GD&ĐT cho biết, dẫu phương án cuối cùng thi và xét tốt nghiệp THPT của Bộ được dư luận hồ hởi đón nhận, nhưng khiến cơ quan quản lý giáo dục các địa phương lo lắng do chưa lường hết mọi khó khăn sẽ nảy sinh...

Lo về kỹ thuật tổ chức thi

Theo ông Thái Viết Thảo, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Nghệ An, do có nhiều thay đổi nên việc tìm ra một giải pháp kỹ thuật tốt để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không đơn giản. 

Chẳng hạn phải lường trước được các tình huống nảy sinh khi mà một buổi thi tới hai ca. Rồi thi môn ngoại ngữ, trước chỉ thi trắc nghiệm giờ thêm cả thi tự luận. 

“Nếu chỉ thi trắc nghiệm thôi khi chấm chỉ cần đưa vào máy để quét. Giờ thêm phần tự luận thì chấm bài thế nào? Rồi tổ chức thi theo ca, ông Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục của Bộ nói các trường ĐH vẫn thi như thế. Tuy nhiên một cách thức tổ chức thi có thể phù hợp với môi trường ĐH mà không phù hợp với phổ thông thì sao?”, ông Thảo băn khoăn.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Khảo thí & Quản lý Chất lượng GD, Sở GD&ĐT Hòa Bình lo ngại về những tình huống khó khăn có thể xảy ra trong tương lai mà bây giờ chưa ai lường trước do phương thức tổ chức thi tốt nghiệp đầy mới mẻ. Phương án Bộ đưa ra đã thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu tích cực những ý kiến đóng góp của dư luận. 

Hiện nay, các vấn đề mà các sở GD&ĐT đối mặt chỉ mang tính kỹ thuật, hy vọng với kinh nghiệm làm thi lâu năm chúng tôi sẽ tìm được giải pháp tối ưu. Nhưng cá nhân tôi băn khoăn khi chưa lường hết được những hệ luỵ nảy sinh như: việc thi hai ca, hoặc tổ chức thi cả sáu môn trong khi thí sinh chỉ thi hai môn thôi.v.v…”, ông Vinh nhận xét.

Ông Vinh cũng cho biết, giữa tháng 3 tới Sở GD&ĐT Hòa Bình sẽ tổ chức một hội nghị về thi tốt nghiệp, qua đó lấy ý kiến đóng góp từ các trường để có phương án tốt nhất.

Phải quản lý việc cho điểm

Theo nhiều cán bộ quản lý thi các sở GD&ĐT, việc Bộ GD&ĐT xét công nhận tốt nghiệp không chỉ căn cứ kết quả thi mà còn dựa vào quá trình học (kết quả lớp 12) không phải là điều mới mẻ khi trên thực tế nhiều địa phương đã tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 THPT theo phương thức thi kết hợp với xét.

Tuy nhiên, với những địa phương chỉ dùng phương thức thi khi tuyển sinh vào lớp 10 thì việc quản lý dữ liệu kết quả học tập của học sinh sao cho đảm bảo sự trung thực là một vấn đề phải đối mặt.

Ông Khuất Quang Thịnh, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nam cho biết: “Bao năm nay Hà Nam chỉ tuyển sinh vào lớp 10 dựa vào kết quả ba môn thi. Việc này đơn giản là thói quen, chưa hẳn do chúng tôi thấy chưa tin cậy vào kết quả đánh giá trong quá trình học của các nhà trường.

Bây giờ Bộ quy định thi tốt nghiệp phải xét cả kết quả lớp 12 thì một trong những việc mà Hà Nam cũng như các tỉnh khác phải quan tâm là chỉ đạo các trường đánh giá học sinh đảm bảo chính xác. Chắc chắn chúng tôi sẽ phải tham mưu cho Sở để tăng cường việc quản lý, giám sát việc đánh giá, hạn chế mức thấp nhất tình trạng “chạy điểm” mà dư luận vẫn lo ngại”.

Tuy nhiên, ông Ngô Văn Hợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh lại cho rằng không phải quá lo lắng về các khả năng “chạy điểm” trước kỳ thi tốt nghiệp. Nhiều năm nay Quảng Ninh vẫn áp dụng tuyển sinh lớp 10 bằng hình thức vừa thi vừa xét nên phòng chuyên môn đã quen thuộc các thao tác kỹ thuật trong quá trình nhập dữ liệu. “Không thể nói là hoàn toàn không có khả năng đó.

Nhưng nhìn vào thực tế thấy học sinh đã học kém đến mức phải “chạy điểm” mới đỗ tốt nghiệp thì không một giáo viên nào có thể nâng điểm lên cho em đó đỗ được! Những năm gần đây tỉ lệ đỗ tốt nghiệp khá cao nên chỉ có những cháu không chịu học gì cả mới không đỗ. Với những cháu như thế, tôi tin không có nhà giáo nào thiếu lương tâm đến mức biến không thành có”, ông Hợi nói.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ phải tham mưu cho Sở để tăng cường việc quản lý, giám sát việc đánh giá, hạn chế mức thấp nhất tình trạng “chạy điểm” mà dư luận vẫn lo ngại” - Ông Khuất Quang Thịnh, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nam.

MỚI - NÓNG