Đại hội đã được các cổ đông thảo luận và thông qua các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu trong năm 2015 như sau: Tổng tài sản 135.000 tỷ đồng; Vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng; Huy động vốn thị trường I 115.000 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng thị trường I 82.000 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 936 tỷ đồng và Tỷ lệ chi trả cổ tức đạt 8%.
Cổ đông sắp hoà vốn đầu tư
Đại hội có sự tham dự của các Quý cổ đông, Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát, Ban điều hành cùng đại diện cán bộ, nhân viên của LienVietPostBank. Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch HĐQT, Ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT đã thay mặt HĐQT báo cáo về kết quả kinh doanh và đánh giá thực trạng công tác quản lý kinh doanh năm 2014 của ngân hàng. Năm 2014, tình hình kinh tế trong nước và trên thế giới có nhiều khó khăn và thách thức.
Trong bối cảnh đó, Hội đồng Quản trị và Ban điều hành của LienVietPostBank đã linh hoạt, chủ động điều hành hoạt động của ngân hàng phù hợp với điều kiện thực tế, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thế CBNV, LienVietPostBank đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu quan trọng và đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả. Sau 7 năm xây dựng và phát triển, hiện LienVietPostBank đang giữ vững vị trí là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam với gần 100 Chi nhánh/Phòng Giao dịch trực thuộc và hơn 10.000 điểm cung cấp dịch vụ trên hệ thống Phòng Giao dịch Bưu điện trên toàn quốc.
Sau 7 năm, LienVietPostBank đã xây dựng thành công thương hiệu ngân hàng của mọi nhà
Bên cạnh đó, điểm khác biệt của LienVietPostBank, trong những năm qua, LienVietPostBank vẫn không những không giảm biên chế mà còn tăng biên chế so với những năm trước (chỉ đổi mới biên chế). Số lượng nhân sự đến cuối năm 2014 là gần 4.000 CBNV, tăng gấp 10 lần so với thời điểm thành lập, và dự kiến tiếp tục gia tăng.
Đặc biệt, LienVietPostBank đã hoàn thành việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu Dự phòng để đảm bảo dữ liệu kinh doanh luôn được sao lưu, cập nhật liên tục. Đây là bước tiến mới về nền tảng công nghệ thông tin mà hiện tại mới chỉ có một số ngân hàng lớn xây dựng được. Sau 7 năm, tổng lợi nhuận trước thuế của LienVietPostBank đạt gần 5.000 tỷ đồng, bình quân hơn 700 tỷ đồng/năm, tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt được duy trì hàng năm và đảm bảo ở mức trung bình 11%/năm.
Việc đổi mới biên chế, chi phí mở rộng mạng lưới và trích lập dự phòng rủi ro, tập trung đầu tư phát triển công nghệ chính là lý do lợi nhuận năm 2014 của LienVietPostBank giảm từ 644 tỷ đồng xuống còn 535 tỷ đồng so với năm 2013. Tuy nhiên, báo cáo của ông Nguyễn Đức Hưởng cũng nêu rằng, đối với LienVietPostBank, “giảm” ở đây là để “tính đường dài”. Và thực tế sau 7 năm, các cổ đông đã thu hồi 76% vốn thông qua nhận cổ tức. Kết quả này là hiếm có đối với bất cứ một ngân hàng nào mới thành lập.
Tham gia tài trợ vốn nhiều dự án quốc gia
Ông Phạm Doãn Sơn – Tổng Giám đốc đã báo cáo về tình hình hoạt động năm 2014 và định hướng kinh doanh năm 2015. Báo cáo đã nêu đầy đủ tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong năm qua. Theo báo cáo, tính đến thời điểm 31/12/2014, tổng tài sản LienVietPostBank tăng từ 7.453 tỷ đồng lên 100.800 tỷ đồng, tăng 14 lần và hiện đang dẫn đầu so với các NHTM cổ phần ra đời cùng thời điểm; huy động vốn đạt 91.759 tỷ đồng, tăng 24 lần, trong đó chủ yếu là từ nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư (85% tổng huy động vốn), thể hiện tính ổn định, bền vững trong tăng trưởng nguồn vốn huy động của LienVietPostBank.
Trong khi đó, dư nợ đạt 50.076 tỷ đồng, tăng 19 lần, góp phần hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế và tỷ lệ nợ xấu/Dư nợ tín dụng ở mức 1,23%, thấp hơn so với các NHTM khác và thấp hơn nhiều so với mức tối đa mà Đại hội đồng cổ đông cho phép (3%).
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam về các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông nghiệp - nông thôn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, LienVietPostBank đã có điều chỉnh chính sách lãi suất nhanh nhạy nhằm hạ lãi suất tín dụng; tham gia tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn, trọng điểm của quốc gia; hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa góp phần đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank phát biểu tại Đại hội cổ đông 2015
Đại hội đã kết thúc tốt đẹp với sự nhất trí cao của các cổ đông tham dự về các tờ trình nêu. Năm 2015, LienVietPostBank tiếp tục phấn đấu triển khai và hoàn chỉnh các chương trình, dự án chiến lược bao gồm các nội dung trọng tâm sau: phát triển sản phẩm, dịch vụ, quản trị rủi ro, tổ chức vận hành, nhân sự, công nghệ thông tin...
LienVietPostBank sẽ tập trung nguồn lực phát triển kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh chủ đạo và đồng thời kiểm soát chất lượng tăng trưởng dư nợ ngay từ 6 tháng đầu năm 2015: triển khai các chiến dịch bán hàng quy mô lớn, chăm sóc khách hàng và bán chéo sản phẩm giữa các kênh bán hàng truyền thống và các kênh thay thế mới, phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.
Về hoạt động kinh doanh ngoại tệ, tính riêng trên thị trường liên ngân hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank năm 2014 tăng gần 40% so với năm 2013. Doanh số giao dịch ngoại tệ của LienVietPostBank với NHNN Việt Nam cũng tăng mạnh, đạt hơn 1,5 tỷ USD. Hoạt động này đưa LienVietPostBank tiếp tục nằm trong Nhóm ngân hàng có giao dịch ngoại tệ nhiều nhất với NHNN Việt Nam.
Doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ của LienVietPostBank đạt hơn 3,5 tỷ USD trong năm 2014 đưa LienVietPostBank nằm trong top 10 ngân hàng có doanh số giao dịch hoán đổi ngoại tệ lớn nhất thị trường. Tuy thời gian hoạt động còn rất khiêm tốn nhưng LienVietPostBank đã và đang khẳng định vị thế là một đối tác năng động, tích cực và hiệu quả trên thị trường liên ngân hàng.