Liên kết vùng để cùng nhau cất cánh

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp, các địa phương trên toàn quốc, nâng cao nhận thức về hiệu quả liên kết vùng giúp phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo, phát triển, ngày 3/8 tại khách sạn Hà Nội Daewoo, Tạp chí Kinh Doanh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương”.

Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (PVFCCo), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Liên kết vùng để cùng nhau cất cánh ảnh 1

Toàn cảnh tọa đàm

Đây là sự kiện nhằm thúc đẩy chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh liên kết vùng, hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, giúp họ nắm bắt tình hình cung-cầu thị trường để có định hướng phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay.

Theo báo cáo từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 hợp tác xã; trong đó, có 1.032 hợp tác xã, 133 Liên hiệp hợp tác xã, 120.983 tổ hợp tác và khoảng 77.000 tổ hợp tác nông nghiệp. Việc liên kết vùng mở rộng không gian hoạt động góp phần phát triển hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Dự báo cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 7,0% trong nửa cuối năm nay. Dữ liệu thương mại được cải thiện liên tục hàng tháng từ đầu năm 2023 cho thấy sự phục hồi rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2023.

Để sự phục hồi này đến nhanh hơn đang rất cần vai trò của liên kết vùng nhằm phát huy thế mạnh các địa phương. Và bản thân lĩnh vực kinh tế tập thể với 7 triệu thành viên ở các địa phương trong cả nước cũng đang kỳ vọng rất nhiều vào tác động của liên kết vùng.

Đây sẽ là động lực phát huy thế mạnh các địa phương, triển vọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trước những thách thức trong tương lai; nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng, cụm vùng và tiểu vùng càng trở nên quan trọng để giúp các địa phương và cả nước đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới

Liên kết vùng để cùng nhau cất cánh ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Phó chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Theo TS. Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) nhìn nhận, Việt Nam là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn và canh tác nông nghiệp.

Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ thấy việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, liên kết vùng nguyên liệu, liên kết chuỗi giá trị nông sản cần phải đóng vai trò chủ chốt để sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ổn định về đầu ra, tạo ra sức cạnh tranh và nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản Việt. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là việc liên kết kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cải thiện nhưng còn khá lỏng lẻo, chuỗi giá trị kém hiệu quả và thiếu hành động tập thể. Điều này đòi hỏi cần phải khắc phục những mặt hạn chế và khẳng định hơn nữa vai trò thực chất của liên kết kinh tế trong ngành nông nghiệp; trong đó, vai trò của liên kết chặt chẽ giữa sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là cực kỳ cần thiết.

Điều này giúp nông dân thấy được sự cần thiết và tự nguyện hợp tác với nhau. Bản thân các doanh nghiệp cũng muốn ký hợp đồng với nông dân thông qua các tổ chức hợp tác để giảm thiểu chi phí quản lý. Từ đó hình thành các tổ chức hợp tác mới (tổ hợp tác, hợp tác xã), liên doanh, liên kết góp vốn cổ phần của nông dân trong các doanh nghiệp.

Liên kết vùng để cùng nhau cất cánh ảnh 3

Ông Vũ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương)

Bên cạnh đó, việc liên kết nông dân với người kinh doanh, chế biến, buôn bán dọc theo chuỗi giá trị sẽ mang đến cơ hội kinh tế quan trọng cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, giúp nhiều gia đình nghèo thoát nghèo nhờ duy trì được sản xuất bền vững.

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh hướng đến ổn định sản lượng, hạn chế tổn thất cho người nông dân. Đẩy mạnh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối các tỉnh, thành phố; cần chiếm lĩnh thị trường nội địa; hỗ trợ phân phối hàng hóa qua một số kênh nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Central Group, Aeon, Lotte, MM Mega Market...

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra những khuyến nghị để thúc đẩy liên kết phát triển các địa phương. Qua đó góp phần tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương… các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tăng tốc phát triển kinh tế ở các địa phương, góp phần cùng cả nước đạt được các mục tiêu kinh tế trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG