“Bom hạt giống”
Thứ gọi là “bom” thực chất là một viên đất tròn to bằng quả quất (hoặc hơn), bên trong chứa hạt giống các loại. Những người thích trồng cây sẽ mang theo bom này trên các chặng đường di chuyển của mình. Thường họ sẽ ném nó vào rừng hoặc đồi trọc, hoặc những mảnh đất hoang. Chỉ cần có mưa, hạt giống sẽ nẩy mầm. Đây được xem là cách trồng cây nhanh và tiện lợi nhất hiện nay, phù hợp với nhiều người, kể cả trẻ em.
Một trong những người khởi xướng phong trào lì xì bằng bom hạt giống chính là Lương Ngọc Đức - đồng sáng lập của dự án Gieo - Nghệ thuật Trao hạt May mắn. Bốn năm nay anh Đức theo đuổi dự án “Lì xì hạt giống” và thu hút hàng ngàn bạn trẻ chọn cách này thay cho lì xì truyền thống bằng tiền. Theo đó, người tặng quà sẽ tự gom hạt hoa quả, làm bao đựng lì xì hoặc có thể thuê bên Gieo làm hộ. Cách tặng quà này cũng đã được nhiều doanh nghiệp lớn hưởng ứng và được mở rộng ở 20 tỉnh thành.
Nguyễn Ngọc Tân (một sáng lập viên của phong trào sống xanh tại Yên Bái) chia sẻ: “Hiện nay những mảnh rừng trống ở Yên Bái khá lớn, chúng tôi muốn bằng một cách nào đó phủ xanh những khoảng trống này. Sử dụng hạt giống bom là một cách khá hiệu quả dù chậm. Trung bình để một cây con trưởng thành phải mất ba bốn mươi năm, thế nhưng, vạn dặm đường bắt đầu từ một bước chân, nếu không có một cây sẽ không có mười cây, sẽ không có rừng. Hai năm nay, cây giống mà chúng tôi gieo đã bắt đầu mọc. Tất nhiên, khi muốn phủ rừng, sẽ phải tính đến cả chất lượng hạt giống, không phải cứ có gì là đem gieo đó. Phải có cả cây cổ thụ, cây bụi, cây ưa sáng, cây chịu bóng... Đó là cả câu chuyện dài”.
Hà Nguyễn (Hà Nội) đã có thâm niên ba năm lì xì bằng hạt giống kể rằng: ban đầu khi những đứa cháu nhận được một túi lì xì nặng trịch, chúng không hiểu là cái gì. Sau biết rằng trong đó không có tiền, mà chỉ là mấy cục đất, nhiều đứa tức còn vứt đi. Một số đứa kiên nhẫn hơn thì đem hạt ra gieo. Ban đầu Hà chỉ làm bom hạt hoa, về sau có cả bom cà chua, bom dưa leo, bom đậu đũa... Bọn trẻ thấy hạt giống có thể biến thành cây thì rất thích, coi đó như một trò chơi.
Trần Tuấn Anh (chủ một cơ sở lưu trú ở Ninh Bình) hai năm nay đều nhận làm bom hạt giống “chuyên dành cho rừng”. Theo anh Tuấn Anh, nhiều bạn trẻ thích thú phong trào trồng cây bằng bom hạt giống nên tận dụng hạt hoa quả trong nhà tự làm hạt rồi đem rải rừng. Nhưng cách làm này không hiệu quả, bởi không phải cây ăn quả nào cũng sinh trưởng tốt ở rừng, hơn nữa để làm “vỏ bom” cũng phải có kỹ thuật nhất định, nếu không khi ném sẽ bị vỡ, “vỏ” không đủ dinh dưỡng cho cây con phát triển v.v...
Anh Tuấn Anh tiết lộ, trong đợt Tết vừa rồi, cơ sở của anh đưa ra thị trường gần sáu tạ bom hạt. “Chưa phải là nhiều, bởi một cân bom hạt chỉ được khoảng hơn 20 viên. Nếu mỗi phượt thủ khi đi trekking (đi bộ dài ngày) đều mang theo một cân bom hạt, thì chỉ tính riêng cộng đồng xê dịch của Ninh Bình cũng đã phải cần đến vài tạ bom hạt mỗi ngày”, anh nói.
Tặng quà cho người trồng cây
Một chiến dịch “Lì xì xanh” (do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) tổ chức, nằm trong khuôn khổ Dự án “Chung tay vì Không khí sạch” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ) cũng được lan tỏa rầm rộ trong cộng đồng trẻ từ trước Tết. Bài thơ dí dỏm: “𝑇𝑒̂́𝑡 𝑛𝑎̀𝑦 𝑝ℎ𝑎̂𝑛 𝑙𝑜𝑎̣𝑖 𝑟𝑎́𝑐/ 𝑣𝑎̀ 𝑡ℎ𝑎̉ 𝑐𝑎́ 𝑏𝑎̆̀𝑛𝑔 𝑥𝑜̂/ 𝑡𝑟𝑜̂̀𝑛𝑔 𝑐𝑎̂𝑦, 𝑡ℎ𝑒̂𝑚 𝑏𝑜́𝑛𝑔 𝑚𝑎́𝑡/ g𝑖𝑎̉𝑚 𝑛𝑖𝑙𝑜𝑛, 𝑛ℎ𝑒́ 𝑏𝑜̂̀!” được lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều người lớn tuổi cũng thích thú với xu hướng này, không những tình nguyện tham gia mà còn vận động người thân, bạn bè cùng “thả cá bằng xô và trồng cây quanh khu phố”.
Bác Nguyễn Văn Thuận (khu Cù Chính Lan, Hà Nội) cho biết: “Ở chỗ tôi, mọi người rất tích cực trồng cây xanh để làm đẹp phố. Chúng tôi tận dụng lốp ô tô, khoảng đất trống dưới tường bao... để trồng hoa, cây cảnh. Thấy các cháu trên facebook vận động mọi người thả cá bằng xô, tôi thấy hay quá. Thế là vào ngày ông Táo, tôi và mấy cán bộ hưu trí chia nhau đứng ở hồ gần nhà, thấy ai mang túi nilon thả cá thì đều nhắc người ta đừng ném cả túi xuống hồ. Đứng được khoảng hai tiếng, có tới hơn 10 cháu cũng tham gia cùng chúng tôi. Sau đó, mấy anh chị em lao công cứ cảm ơn mãi, năm nay hồ ít túi nilon hơn hẳn”.
Ricky Nguyễn (thành viên tích cực của hội trồng cây) khoe: “Sau khi đã nếm đủ vật vã từ Covid, ít nhiều mỗi người chúng ta đều biết trân trọng hơn từng “ngụm” khí sạch, cho nên chiến dịch trồng cây của bọn mình đợt này được hưởng ứng hơn hẳn. Một người từng rất thờ ơ với mấy việc “của công ty cây xanh đô thị” là bố mình cũng đã rút ví cho mình 2 triệu để mua cây giống. Còn gia đình hàng xóm thì đồng ý cho bọn mình cậy bê tông ở chân tường để trồng hoa”.
Để thu hút thêm người tham gia, chiến dịch tặng quà cho người trồng cây đã vận động được khá nhiều phần thưởng thú vị. Theo đó, chỉ cần người tham gia thực hiện ba hành động xanh, ví dụ như: thả cá không thả túi nilon, giảm đồ nhựa một lần, trồng thêm cây xanh, ủ rác hữu cơ, tái chế, tái sử dụng, bớt mua sắm, tắt bớt các thiết bị điện, chia sẻ một thông tin bổ ích, tham gia thử thách “Tết không rác”... là có cơ hội nhận được voucher mua sắm xanh tại các cơ sở kinh doanh theo phương châm zero waste (không hoặc tạo ra rất ít rác thải).
Cắt gọn cành đào trước khi bỏ ra nơi gom rác
Một hành động được cho là “cực chill” (thư giãn), “cực cute” (đáng yêu) sau Tết chính là những hình ảnh chủ nhà tự tay cắt gọn cành đào, buộc thành bó trước khi bỏ ra nơi thu gom rác. Hành động này được rất nhiều nhà báo, nhà hoạt động xã hội và cả các sao hưởng ứng.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Hải Hà (Hà Nội), câu chuyện bắt đầu từ lời tâm sự của một chị lao công: chị ấy bảo năm nào sau Tết cũng khốn khổ vì đào. Cành cồng kềnh, khó chở, hoa lại rụng khắp nơi, vừa phải lo xếp sắp cành hoa, vừa phải lo quét cánh, việc gom rác vất vả gấp đôi gấp ba ngày thường. Từ đó anh Hà có ý thức cắt gọn cành đào thành bó nhỏ rồi mới bỏ ra nơi gom rác. Bản thân anh Hà ngoài kêu gọi bạn bè, người thân “cắt đào” còn lên facebook và vào các trang sống xanh chia sẻ tích cực cách làm này. “Nói nhiều đến nỗi có người tưởng tôi là đại lý bán kéo cắt cành”, anh kể.
Để xử lý cành đào sau Tết, hội các mẹ yêu bếp có hiến kế: hoặc là dùng kéo cắt gà cắt gọn cành nhỏ bỏ túi nilon, hoặc dùng dao thớt để chặt. Có người còn hóm hỉnh đề xuất đem phơi khô để chờ sang năm đun bánh chưng. Cách xử lý tương tự với những cây quất đã chết. Đối với những cây còn sống, đã có khoảng gần chục nhóm sống xanh đề xuất xin lại cây (ở những điểm gom cố định) để trồng lại. Những câu chuyện “nhỏ nhưng đẹp” này ít nhiều đã khiến nhiều người “tin ở hoa hồng” giữa những ngày cả xã hội đang căng thẳng vì Covid tái xuất.
Theo ý tưởng của Masanobu Fukuoka (tác giả cuốn sách best seller “Cách mạng 1 cọng rơm”) - ông tổ của kỹ thuật làm nông tự nhiên, bom hạt giống là những hạt giống được bao bọc bởi đất sét, phân chuồng và nước. Lớp vỏ này có nhiệm vụ ngăn côn trùng và kiến ăn mất hạt giống cũng như trở thành chất dinh dưỡng cần thiết để cây con hấp thụ và phát triển ban đầu. Không cần bảo vệ hay chăm sóc, những hạt bom này sẽ tự nảy mầm và sinh trưởng tự nhiên khi gặp mưa và ở điều kiện thuận lợi, thậm chí chúng còn mọc được cả vào mùa khô miễn là có mưa. Với kích thước nhỏ gọn, chúng được vận chuyển và thả xuống cánh rừng bằng máy bay biến việc trồng hàng vạn cây xanh chỉ trong một lần trở nên nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt chi phí làm ra bom hạt giống rất rẻ, có thể tận dụng nguyên liệu sẵn có của địa phương. Phương pháp này đã được sử dụng tại rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bình Thuận và Ninh Thuận là hai địa phương hiện đang áp dụng rộng rãi cách trồng cây bằng bom hạt giống.