Bị lãng quên
Còn nhớ, khi dự lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa, Du lịch Mường Lò tháng 9/2019 diễn ra chương trình tham quan quần thể 400 cây chè Shan tại xã Suối Giàng (là Cây di sản Việt Nam - PV). Thấy những gốc chè cổ thụ một người ôm mới xuể tôi mê đắm bấm máy liên tục chụp các góc. Thấy tôi chăm chú, lạ lẫm ông Lò Văn Liền, một khách tham quan khẳng định. “Gốc chè Suối Giàng to nhưng so với những cây chè cổ thụ trên Giàng Pằng thì không lớn bằng. Nhà báo có dịp lên đó chụp hình, nhiều cây to hai người ôm đấy, cây một người ôm thì có cả nghìn cây, không đếm hết”…
Những ngày cuối năm, chúng tôi bắt đầu hành trình đến khám phá, tìm hiểu rừng chè Shan tuyết khổng lồ này. Phải mất hơn nửa ngày đường chúng tôi mới vào được đến điểm xã Sùng Đô. Giàng Pằng và Làng Mảnh là hai thôn của xã Sùng Đô, nhưng đường lên Giàng Pằng phải qua xã Nậm Mười cách trụ sở xã chừng hơn 20 km. Còn để lên mục sở thị những cây chè Shan cổ thụ, phải đi bộ đường rừng lên tít đỉnh núi… Rừng chè cổ thụ cạnh Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, đỉnh núi cao nhất 1.700m.
Dẫn chúng tôi lên núi, ở đây làng bản chìm trong sương mù quanh năm, cán bộ kiểm lâm đọc câu thơ giới thiệu độ cao: “Giàng Pằng cao ngất tầng mây/ Bên kia Làng Mảnh bên này Sùng Đô”.
Theo trưởng bản Giàng A Châu, Giàng Pằng có gần 100 gia đình, sống rải rác khắp các triền núi rộng dài nhiều cây số. Hiện, có hơn 70ha chè shan tuyết cổ thụ, tập trung ở thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh. Dọc đường vào thôn chè cổ thụ mọc như rừng. Những cây chè quá lớn nên để thu hoạch người dân phải đốn ngọn, cành xuống. Diện tích chè shan này chính là nguồn thu nhập của hơn 200 hộ đồng bào Mông xã Sùng Đô.
Ở đây, ngắm nhìn hàng nghìn cây chè cổ thụ, sần sì, rêu phong nhưng lá xanh rì, những búp chè ú to, mơn mởn phủ lớp lông tơ như tuyết trắng. Thời tiết khắc nghiệt của vùng cao, giá rét và mưa tuyết càng làm cho sức sống của những rừng chè Shan tuyết cổ thụ thêm mãnh liệt.Phát triển ở độ cao hơn 1.600m, khí hậu mát lành, cây chè Shan tuyết ở đây phát triên xanh tốt, nhiều cây có tán lá xum xuê, gốc hai người ôm không xuể.
Mục sở thị những cây chè Shan tuyết sừng sững, theo vị kiểm lâm dẫn đoàn, nhiều cây chè ở đây khi lấy thước đo chu vi gốc gần 3m, cành chính chu vi hơn 1m, đường kính tán hơn 10m. Dưới tán các cây chè đại thụ cũng có rất nhiều những cây chè con to bằng bắp đùi, tuổi đời cũng hàng chục năm tuổi.
Theo cán bộ kiểm lâm này, khảo sát ban đầu những cây chè cổ thụ từ 1 - 2 người ôm, đường kính gốc từ 0,8 - 1,2m có khoảng 30 - 40 cây, loại to bằng bắp đùi người lớn đường kính 20 - 30cm có vài chục ngàn cây, được phân bố trên diện tích hơn 70ha.
Nhiều cây chè cổ thụ cao hơn 10m, rộng 17 - 20 người trèo lên ngồi không kín tán. Đây là giống chè Shan, do nằm ở độ cao trên 1.600m, nên búp to bằng ngón tay.
Nói về rừng chè ở xã, ông Cứ A Sùng, chủ tịch xã Sùng Đô khoe: Tháng 3/2019 Giáo sư, tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh, từng là Viện trưởng Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, năm nay 91 tuổi, Chủ tịch Hội đồng cây di sản Việt Nam cùng với các tiến sĩ Vũ Văn Dũng, Lê Huy Cường đều là những chuyên gia về cây lâm nghiệp sau khi nghe tin Giàng Pằng có những cây chè đại cổ thụ đã lên tận nơi để tận mắt chiêm ngưỡng những “cụ” chè này.
Theo ông Sùng, cùng nằm trên dãy núi Hoàng Liên hùng vĩ, vùng chè cổ thụ Suối Giàng do nằm cách thị xã Nghĩa Lộ hơn 20km, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước được người ta phát hiện, nay trở thành thương hiệu nổi tiếng của cây chè vùng cao Yên Bái. Còn vùng chè cổ thụ Sùng Đô mặc dù được mọi người biết đến từ vài chục năm nay, người dân đã thu hái nhưng cũng chỉ để làm chè vàng, hoặc bán cho các cơ sở chế biến chè xanh dưới vùng thấp nhưng không đáng kể.
Hai thôn Giàng Pằng, Làng Mảnh do quá xa xôi, nếu từ trụ sở xã Sùng Đô đi bộ lên được hai thôn đó cũng mất vài tiếng đồng hồ. Vì thế, vùng chè cổ thụ Sùng Đô dường như mấy chục năm qua bị lãng quên trong mây mù và sương giá.
“Mới đây, một Cty đã tiến hành khảo sát, lập dự án xây dựng nhà máy chế biến chè cao cấp xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Đài Loan… Hi vọng thương hiệu chè Sùng Đô sẽ phát triển hơn nữa”, ông Sùng nói.
Ðời thứ 5 thừa kế cây chè
Dẫn chúng tôi về thăm cây chè đại thụ trong vườn nhà, trưởng bản Giàng A Châu cho biết, người già nhất ở bản cũng không biết rừng chè cổ thụ ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết, người đầu tiên tới đây khai phá vùng đất này là cụ Giàng Pằng, tên cụ cũng là tên của thôn.
Bà cô Giàng A Châu tên là Giàng Thị Dinh năm nay đã 75 tuổi nhớ lại: Cây chè mà các mày đến là của cụ Giàng Pằng truyền lại cho các con cháu Giàng A Sử, Giàng A Ký, Giàng A Páo, bây giờ đến Giàng A Châu. Tao không biết cây chè này bao nhiêu tuổi đâu, nghe cụ Ký bảo sinh ra đã thấy cây chè bằng đó rồi…
Vậy A Châu là đời thứ 5 được thừa kế những cây chè này. Chỉ tay về cây chè đại thụ của gia đình, A Châu chia sẻ: “Cây này phải đến vài trăm năm tuổi. Đây là giống chè Shan, một năm cho 4 vụ hái. Cây chè này gia đình anh thu được khoảng hơn 30kg chè búp tươi mỗi năm. Vào vụ tháng 7 búp nhiều gia đình tập trung thu hoạch cả ngày mới hết”.
Người dân Giàng Pằng mỗi năm thu hái khoảng vài chục tấn chè búp tươi, loại một tôm giá 200.000đồng/kg, loại 1 tôm hai lá từ 20.0000-40.000đồng/kg, giá cả tùy từng năm. Gia đình A Châu mỗi năm bán chừng 3 tấn chè búp tươi. Nhiều năm giá chè rẻ không ai hái.
Ngày 23/9, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ đón bằng công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể chè Shan tuyết cổ thụ Giàng Pằng, xã Sùng Đô do T.Ư Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao. Qua khảo sát nghiên cứu của các nhà khoa học, trong diện tích 70ha với 100 cây đầu dòng có hơn 100 năm tuổi. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá, T.Ư Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ thôn Giàng Pằng và Làng Mảnh là cây di sản Việt Nam.