Lên Tây Nguyên thưởng thức cà đắng

Món cà đắng xào với cá khô.
Món cà đắng xào với cá khô.
TP - Là món ăn dân dã từ ngàn xưa của đồng bào dân tộc thiểu số, ngày nay cà đắng lại trở thành một trong những nguyên liệu tạo ra món ngon đặc sản Tây Nguyên. Tinh túy của khí hậu, thổ nhưỡng đã tạo nên vị đắng rất riêng, đặc trưng của loại cà mọc hoang dại này.

Đi dọc các tuyến đường hoặc trên các triền đồi Tây Nguyên, rất dễ gặp những cây cà đắng cao quá đầu người, cành lá sum suê. Quả cà to bằng đầu ngón chân, có màu xanh, ruột nhiều hạt, phần cuống có nhiều gai nhọn. Đúng như tên gọi, loại cà này có vị đăng đắng đặc trưng, được người dân chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau. Các cộng đồng cư dân bản địa Ê Đê, M’Nông, Gia Rai … xem cà đắng như món ăn thông thường hằng ngày nên cách nấu khá đơn giản. Ngoài món cà luộc ra, đồng bào thường xào hay nấu canh, giã giập cà với các gia vị đi kèm như ớt, tỏi, lá é, cá khô rồi phi hành thơm lên, nấu cho thật nhừ. Món ăn sau khi nấu có đủ vị đắng, cay, bùi, béo, ngọt quyện lại với nhau tạo nên hương vị đặc trưng.

Ngày nay, không chỉ là món ăn dân dã của đồng bào Tây Nguyên, cà đắng đã trở thành đặc sản được nhiều nhà hàng sang trọng, khu du lịch đưa vào thực đơn để phục vụ khách hàng. Anh Y Danh Niê (người Ê đê, ở buôn Yang Làng, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) chuyên phục vụ cơm nước cho khách du lịch tại Trung tâm Giáo dục dịch vụ và môi trường thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn cho biết: Trong số các món ăn quen thuộc của người bản địa thì cà đắng là món được khách du lịch yêu thích và nhắc tới nhiều nhất bởi vị đắng rất đặc trưng chỉ có ở loại cà này. Người lần đầu ăn không quen với vị đắng nhân nhẫn, nhưng sau đó sẽ bị hấp dẫn đến khó quên.

Lên Tây Nguyên thưởng thức cà đắng ảnh 1 Cà đắng được người dân trồng trong vườn.

Du khách hay ví von ăn cà đắng giống như thưởng thức cà phê, lần đầu nhăn mặt khi nếm phải vị đắng, nhưng dần dần thành quen, dễ gây “nghiện”. Để phù hợp với khẩu vị của thực khách, trong quá trình chế biến, người nấu có thể ngâm cà trong nước muối rồi chần qua nước sôi để giảm bớt vị đắng. Ngoài nấu cà đắng với cá khô theo kiểu của người đồng bào thì có thể nấu với cá tươi hoặc um với ếch, lươn, thịt dê, gà, bò… cho đa dạng món ăn. Tuy nhiên, cách nấu và các gia vị đi kèm như ớt xanh, tỏi lá é… vẫn phải giữ nguyên để không làm mất đi hương vị đặc trưng vốn có.

Chị Đinh Thị Ngân, ở thôn Xuân Lạng 1, xã Ea Đắh, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) người chuyên hái cà đắng bán cho thương lái cho hay: Trung bình 1 tuần chị cắt 2-3 lần, mỗi lần 15-30 kg bán giá 15 nghìn đồng/kg  bán cho mối trong huyện và  25 nghìn đồng/kg bán cho mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Để cà không bị giập, đen, thương lái thường gọi đặt trước để chị cắt và nhập trong ngày. Khi cắt phải cắt nguyên chùm, chọn chùm không quá non, cũng không quá già. Thời điểm thu cà đắng nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng10 âm lịch. Các tháng mùa khô cà vẫn có nhưng ít, thương lái đặt mua với 30 nghìn đồng/kg. Ngoài đi hái quanh đường, chị còn trồng cà đắng sau vườn để chủ động cung cấp khi thương lái đặt hàng. Dù cà mọc dại hay cà trồng thì vẫn có vị đắng như nhau bởi chúng đều hấp thụ khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên.

MỚI - NÓNG