Cà đắng da trâu, đặc sản Chu Ru

Bát sành của người dân tộc Chu Ru. Ảnh: Ngô Bình
Bát sành của người dân tộc Chu Ru. Ảnh: Ngô Bình
TP - Dân tộc Chu Ru chủ yếu sống ở khu vực Đơn Dương, Lâm Đồng và một bộ phận ở tỉnh Ninh Thuận, tập quán ẩm thực của người dân tộc này khá đơn giản nhưng độc đáo và phong phú.

Mỗi năm, khi kết thúc mùa cày cấy, để có lương thực cho năm mới, người Chu Ru lại lên rừng săn thú, chặt tre, mây, đan các loại đơm như đrò, srò, tũ, pàm... để ra sông, suối bắt cá.

Người Chu Ru thường sử dụng nỏ (sràu) hoặc bằng các loại bẫy, như bẫy ba cây lao, loại bẫy làm bằng khúc gỗ to, trên cắm ba cây lao, đặt trong rừng sâu, bắt thú rừng lớn như voi, tê giác... hoặc các loại bẫy hầm, bẫy chuồng, bẫy dây siết cổ... Tất cả thứ săn bắt được chế biến thành khô, mắm để dành sử dụng quanh năm.

Nói về nét ẩm thực độc đáo của dân tộc mình, hầu như người Chu Ru nào cũng biết món cà đắng da trâu. Tuy nhiên, để có món cà đắng da trâu đậm chất Chu Ru, công đoạn chuẩn bị rất cầu kỳ. Bà Ma Phương cho biết, muốn có món cà da trâu ngon thì phải chọn đúng loại cà, da trâu phải có độ tuổi phù hợp.

Trước hết, da trâu được lọc sạch thịt, đem phơi trên gác bếp hoặc phơi nắng cho khô, sau đó nướng cháy, cạo sạch lông rồi luộc chín, xắt nhỏ, trộn muối, bỏ trong ống tre lâu ngày. Khi ăn trộn với thính bắp (bắp rang giã nát), cà đắng, cà nhỏ, ớt xanh kèm nước cháo. Người nào thích ăn đắng nhiều thì chọn cà trái nhỏ bằng đầu đũa, người nào ăn đắng ít thì chọn trái cà lớn bằng đầu ngón tay út. 

Cà đắng da trâu, đặc sản Chu Ru ảnh 1

Quả cà đắng, nguyên liệu làm món cà đắng da trâu.

Cà đắng rửa sạch, luộc chín, dầm nát sau đó trộn cùng da trâu và tiếp tục nấu. “Cho thêm các loại gia vị khác như ớt, sả, lá ngót rừng vào. Thế là có món cà đắng da trâu rất ngon, khi ăn chỉ cần múc một muỗng cà đắng da trâu nóng hổi cho vào miệng, vị đắng của cà, vị cay nồng của ớt, vị thơm bùi và beo béo của da trâu… hòa quyện vào nhau rất đặc biệt”, bà Ma Phương nói và cho biết món này không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của người Chu Ru.

Bên cạnh món da trâu cà đắng, dân tộc Chu Ru còn có món ăn đặc biệt không kém là “canh pài”. Canh pài loại canh được nấu từ những đồ ăn thừa của các bữa tiệc, cho thêm xương, thịt, gạo và cây chuối rừng, đổ tất cả vào ché để dành. Khi nào muốn ăn chỉ cần đem ra nấu lại và thêm gia vị. Canh pài còn có thể trộn với lòng trâu, bò được ướp với muối, sả, phơi nắng hoặc đặt trên giàn bếp cho khô hay huyết trâu, bò dùng trộn với muối.

Cháo chua cũng là món ăn độc đáo của người dân tộc Chu Ru, được nấu khá đơn giản với gạo được nấu làm sao gần chín nhưng chưa nở, còn nguyên hạt. Sau khi nhấc xuống, trong lúc cháo còn nóng thì đổ nước lã vào rồi khuấy đều, để khoảng ba ngày cho cháo có vị chua tự nhiên rồi mới đem ra ăn. “Khi bắt được cá, người ta đem về trộn với muối, sả rừng, rau thơm rừng, gói trong lá thảo quả được gọi là “sơ la jrao” mọc bên suối, vùi trong than củi um cho chín hoặc nấu canh chua lá rừng (sơ la-bring) sẽ có vị ngọt và chua tự nhiên. Hay  cá sứt mũi (akan lũ) làm mắm chua akan lũ rất đặc trưng. Cá để khô nước, trộn cơm nguội, muối rồi bỏ vào hũ khi cá còn đỏ tươi, khoảng một tháng là cá chín. Khi ăn, giã nhuyễn sả, tỏi, ớt trộn với nước cháo. Kiến vàng với trứng kiến nấu chung với cá tươi làm canh”, bà Ma Phương cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.