Lên Sơn Trà ngắm 'nữ hoàng linh trưởng'

Chị Lê Thị Trang. Ảnh: NVCC
Chị Lê Thị Trang. Ảnh: NVCC
TP - Ai từng đến Đà Nẵng, hẳn sẽ rất tiếc nếu không một lần được chiêm ngưỡng “báu vật Sơn Trà”- những đàn voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Nghe những người làm công tác bảo tồn ở đây kể chuyện, càng hiểu hơn vì sao Sơn Trà lại là nơi duy nhất trên thế giới gìn giữ được loài linh trưởng đang có nguy cơ tuyệt chủng này.

Chúng tôi lên Sơn Trà mong được thấy tận mắt những chú voọc chà vá chân nâu quý hiếm. Chị Lê Thị Trang (Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh – GreenViet) “mách nước” rằng chỉ cần chúng tôi “đi nhẹ nói khẽ” nửa giờ đồng hồ là sẽ gặp được loài voọc xinh đẹp nhất trong các loài linh trưởng này.

2.500 ha rừng, 300 cá thể voọc, con số về mật độ sinh sống của voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà xếp hạng cao nhất thế giới. Đàn voọc chia thành khoảng 20 gia đình, trong  đó có khoảng 10 gia đình thường xuyên sống ở các khu vực gần đường lớn.

Theo chân các cán bộ của GreenViet, chứng kiến cảnh sinh hoạt từng gia đình voọc mới hay chúng thật giống con người. Voọc con trong vòng một năm đầu vẫn bú mẹ, được mẹ bao bọc. Lớn hơn chút nữa, voọc bố bắt đầu dạy cách leo trèo, chuyền cành. Voọc con thường rất “khoái” bắt chước các hành động của bố.

Do môi trường sống gần người nên đàn voọc rất dạn dĩ. Nhờ sự dạn dĩ ấy mà tuần nào cũng có đoàn người lên đây ngắm voọc. Theo thống kê của GreenViet, năm 2015, Trung tâm đã đưa gần 2000 người lên quan sát voọc trên Sơn Trà.

Đại sứ của voọc chà vá chân nâu

Trung tâm GreenViet dưới chân bán đảo được coi là ngôi nhà của voọc. Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm, thành quả lớn nhất mà gia đình GreenViet làm được sau nhiều năm hoạt động là đưa hình ảnh voọc chà vá chân nâu tới gần mọi người hơn. Người Đà Nẵng, hay du khách khắp nơi nhắc đến Sơn Trà là nhớ đến “nữ hoàng linh trưởng”.

Trung tâm đã phát hàng chục ngàn bản thông tin giới thiệu, tuyên truyền bảo vệ voọc tại sân bay, trên xe taxi. Năm mới này, Trung tâm còn phối hợp với lực lượng quản lý đô thị Đà Nẵng in ấn 30.000 phong bao lì xì có hình ảnh voọc chà vá chân nâu.

Anh Bùi Văn Tuấn ăn ngủ giữa rừng suốt nhiều năm trời chỉ để sưu tầm thức ăn và phân của voọc về nghiên cứu. Anh còn được mệnh danh là “nhà voọc học” bởi thuộc nằm lòng tất cả tập tính, thói quen, sinh hoạt của chúng. Anh khoe kho tài sản quý giá nhất của mình chính là kho ảnh đẹp về các con voọc.

Với những chương trình bảo tồn, tuyên truyền về “nữ hoàng linh trưởng” hiệu quả, chị Lê Thị Trang vừa lọt Top 10 nhà bảo tồn trẻ xuất sắc nhất thế giới. Chị luôn tìm cách đưa những đoàn học sinh lên đây tham quan, tìm hiểu về đời sống của voọc, rồi đưa hình ảnh của voọc về tận các trường học.

Không chỉ anh Tuấn, chị Trang mà ngay những người dân Đà Nẵng cũng ý thức được trách nhiệm bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này. Mỗi cuối tuần lên Sơn Trà, không khó để bắt gặp những anh “phó nháy” ngồi im hàng giờ dưới gốc cây để “săn” ảnh voọc. Đam mê của họ là bắt được khoảnh khắc khi voọc chuyền cành, ăn trái, hay đơn giản chỉ là chụp một tấm ảnh cận.

Ngày đầu năm mới 2016, triển lãm ảnh “Rừng sinh thái Sơn Trà” của các tác giả CLB Nhiếp ảnh nghệ thuật sông Hàn được tổ chức bên dưới cầu Rồng, trong đó có rất nhiều tác phẩm về voọc chà vá chân nâu thu hút người dân và du khách. Các tác giả trong CLB coi bức ảnh của mình không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, mà còn là thông điệp để kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo tồn “nữ hoàng linh trưởng” trên “lá phổi xanh” của thành phố.

MỚI - NÓNG