Gần 20 địa phương đóng cửa trường học
Ngày 6/5, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Hà Tĩnh… gửi văn bản hoả tốc thông báo cho phụ huynh, học sinh về việc nghỉ học. Thái Bình tiến hành giãn cách xã hội, đóng cửa tất cả trường học đến hết ngày 9/5. Bắc Ninh phát hiện trường hợp mắc COVID-19 sau khi chăm người nhà ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư; trường hợp này đã đi đến nhiều trường học, nên ngay trong đêm, tỉnh này gửi hoả tốc thông báo cho toàn bộ học sinh nghỉ học.
Hà Tĩnh sau khi phát hiện 2 trường hợp mắc COVID-19 đã quyết định cho học sinh 14 trường nghỉ học từ 6/5 và toàn bộ trẻ mầm non, học sinh ở các trung tâm nghỉ học từ 7/5. Vĩnh Phúc gia hạn thời gian học sinh nghỉ học đến hết 10/5. Như vậy, chỉ trong 1 tuần từ khi phát hiện ca mắc COVID-19 tại Hà Nam, đến nay đã có gần 20 địa phương đóng cửa tất cả hoặc một số trường học, trong đó có Hà Nội, Hưng Yên, Lào Cai, Đồng Nai, Hà Nam, Đà Nẵng, Yên Bái, Hải Dương, Lai Châu, Ninh Bình…
Ông Nguyễn Văn Dương, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết, học sinh toàn thành phố dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến từ ngày 4/5. Hầu hết các trường ở Hội An chưa kiểm tra, đánh giá học kỳ II, trong khi các trường ở các huyện, thành phố khác đang triển khai, nên Hội An sẽ lùi lại ít ngày cho học sinh đến trường. Với những bộ môn mà đề kiểm tra do Sở GD&ĐT ra, Sở sẽ có phương án khác phù hợp. “Riêng học sinh cuối cấp, học sinh lớp 12 các nhà trường được chỉ đạo tăng cường dạy trực tuyến để học sinh nắm chắc kiến thức, không có tâm lý áp lực, lo lắng khi dừng học ở trường”, ông Dương nói.
Yêu cầu tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia
Ngày 6/5, làm việc với Bộ GD&ĐT về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT phải thực sự mạnh mẽ, quyết liệt trong hành động, có phương pháp phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, làm việc phải đến nơi đến chốn, nói phải rõ để người dân hiểu đúng về tình hình thực tế của ngành; chủ động giải quyết công việc, phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành, địa phương. Bộ GD&ĐT cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước là xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, định mức…Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ cần hoàn thiện kịch bản chống COVID-19 để tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia, hoàn thành các nhiệm vụ của năm học, đồng thời là cơ sở để ứng phó những dịch bệnh khác có thể xảy ra trong thời gian tới.Văn Kiên
Kiểm tra sớm
Nhiều địa phương đang yêu cầu các trường xếp lịch kiểm tra học kỳ II sớm để chuyển sang học trực tuyến, hoàn thành kế hoạch năm học. Các trường tại TPHCM hiện vẫn tổ chức dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT thành phố yêu cầu các trường chủ động cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ đề phòng tình huống dịch COVID-19 bùng phát, đóng cửa trường học từ ngày 10/5. Hà Tĩnh dù đã ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 nhưng tỉnh này mới chỉ cho trẻ mầm non, học sinh ở các trung tâm nghỉ học. Riêng học sinh các cơ sở giáo dục được yêu cầu kiểm tra học kỳ II và hoàn thành trước ngày 8/5 để chuyển sang dạy học trực tuyến. Sở GD&ĐT Cần Thơ yêu cầu các trường đẩy nhanh tiến độ kiểm tra học kỳ II, kết thúc trước ngày 15/5. Sở GD&ĐT Lào Cai hướng dẫn các cơ sở giáo dục đẩy nhanh tiến độ kiểm tra học kỳ II trực tiếp tại lớp, tại trường trước ngày 11/5; kiểm tra liên tục kể cả thứ bảy, chủ nhật.
Các Sở GD&ĐT yêu cầu các trường hướng dẫn đề cương ôn tập ngắn gọn, trọng tâm về kiến thức, phù hợp điều kiện vừa dạy học vừa phòng chống dịch hiện nay để ôn tập cuối kỳ cho học sinh. Nhà trường căn cứ quy định về đánh giá, xếp loại học sinh của Bộ GD&ĐT để áp dụng thêm các hình thức kiểm tra định kỳ như bài thực hành, dự án học tập (nếu có) để thay thế, giảm áp lực cho học sinh do điều chỉnh thời hạn hoàn thành bài kiểm tra.
Dù Đà Nẵng đã cho toàn bộ học sinh dừng đến trường từ ngày 4/5, nhưng Sở GD&ĐT thành phố đã lên kịch bản cho các trường tổ chức kiểm tra học kỳ tại trường trong bối cảnh có dịch. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, ông Mai Tấn Linh, cho biết, Sở lên kịch bản hướng dẫn các trường nếu ít ngày tới dịch bệnh ổn định, không diễn biến căng thẳng thêm thì có thể cho học sinh quay lại trường để kiểm tra học kỳ II. Sở yêu cầu các trường chia lịch cho học sinh từng khối đến trường. Nhà trường chia nhỏ học sinh ra mỗi lớp chỉ còn 18-20 em và phân luồng, giãn cách, đo thân nhiệt… nghiêm ngặt. Học sinh có thể được yêu cầu đeo khẩu trang suốt quá trình làm bài kiểm tra.
Riêng với học sinh lớp 12, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các trường vừa dạy chương trình mới vừa ôn tập, củng cố kiến thức. Giáo viên, học sinh chủ động chuẩn bị tinh thần, trang bị kiến thức, sẵn sàng cho mọi tình huống. Ví dụ, bình thường dạy 4 tiết Toán/tuần, các trường được yêu cầu tăng thêm 2 tiết trong suốt quá trình học. “Việc chuẩn bị các khâu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia trước đó cũng đã được chuẩn bị, sau này tuỳ tình hình diễn biến của dịch để có phương án cụ thể”, ông Linh nói.
TPHCM: Học sinh dừng đến trường từ 10/5, học online
Chiều tối 6/5, UBND TPHCM quyết định cho học sinh dừng học tập trung tại trường từ 10/5, chuyển học online đến hết năm học 2020-2021. Theo đó, tạm ngưng hoạt động dạy học, hoạt động giáo dục trực tiếp tại các đơn vị, cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp ở thành phố từ ngày 10/5 đến khi có thông báo mới. Riêng học sinh khối 9 và 12, để đảm bảo chất lượng cho kỳ thi cuối cấp và thi tốt nghiệp THPT, tùy điều kiện, hiệu trưởng cân nhắc, xây dựng phương án học trực tiếp và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, cán bộ, giáo viên… Ngoài ra, UBND TPHCM cho phép các cơ sở giáo dục tổ chức kiểm tra lại, kiểm tra bổ sung đối với học sinh, sinh viên chưa hoàn tất kỳ kiểm tra định kỳ học kỳ II.