Bà Vũ Thị Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội), cho biết, qua các đợt kiểm tra học kỳ, với học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, trường cử giáo viên các bộ môn tương ứng để giúp đỡ. Hiện có 70 học sinh lớp 12 thuộc diện này ở tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT được trường sắp xếp thành lớp 12A0, có giáo viên chủ nhiệm. Có môn chỉ 3 học sinh nhưng vẫn có giáo viên hỗ trợ (việc hỗ trợ này hoàn toàn miễn phí). Trước khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, lịch học của khối 12 buổi sáng chương trình chung, buổi chiều các em lớp 12A0 được tách lớp thành từng môn để giáo viên hỗ trợ. Tuần này học trực tuyến, học sinh vẫn được hỗ trợ như theo lịch học trực tiếp. Sau thời gian được bổ trợ kiến thức, em nào tiến bộ thì không cần hỗ trợ nữa. Đối với học sinh toàn khối 12, ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm nhắn tin đến từng phụ huynh học sinh để động viên họ sát cánh cùng con em mình.
Ông Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng), cho biết, trường đã kết thúc học kỳ đối với học sinh lớp 12, nhưng chương trình ôn thi tốt nghiệp THPT được tổ chức đến cuối tháng 6. Nếu không được đến trường, giáo viên sẽ ôn thi trực tuyến cho học sinh. Còn nếu phải thực hiện giãn cách, mỗi lớp sẽ được chia làm hai.
Bà Vũ Thị Nhung, Hiệu phó Trường THCS&THPT Marie Curie (Hà Nội), cho hay, đối với học sinh lớp 12, ngoài các môn thi chung, sẽ tách lớp ôn theo bài thi tổ hợp. Khi triển khai ôn tập trực tuyến, trường yêu cầu phụ huynh nắm được thời khóa biểu của con. Theo quy định, giáo viên chủ nhiệm vào lớp trực tuyến trước 10 phút để kiểm tra, em nào chưa vào thì sẽ gọi điện, nhắn tin cho phụ huynh để hỗ trợ. Cô Phương Nguyên, giáo viên dạy Văn Trường THPT Marie Curie, cho biết, đầu giờ học đều kiểm tra sĩ số, phối hợp phụ huynh để có phản hồi nhanh, cần thiết để hỗ trợ các em vào học đúng giờ. Ngoài ra, có thêm kênh của cán bộ lớp để đánh giá trong quá trình thầy cô giảng bài, các bạn trong lớp có nhiệt tình tham gia không, có “trốn học” không. Cô giáo thường xuyên trao đổi với học sinh, thậm chí trao đổi nhiều hơn so với học trực tiếp, gửi câu hỏi cho học sinh tương tác, sau đó kiểm tra, đánh giá qua tin nhắn trả lời của các em trên phần mềm học trực tuyến. Ngoài giờ học, học sinh hỏi thêm thông qua điện thoại trực tiếp.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), nói rằng, trường đã xây dựng lại thời khóa biểu để tập trung vào những môn học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, các môn theo tổ hợp tự chọn của các em. Ngoài ra, sắp xếp 1-2 tiết giáo dục thể chất. Trường giữ nguyên thời khóa biểu khi chuyển sang học trực tuyến.