Học trực tuyến, học sinh lớp 9 gặp áp lực

0:00 / 0:00
0:00
Khi học sinh học trực tuyến, nhiều phụ huynh, nhà trường lo các em gặp áp lực trong kỳ thi vượt cấp
Khi học sinh học trực tuyến, nhiều phụ huynh, nhà trường lo các em gặp áp lực trong kỳ thi vượt cấp
TP - Có kinh nghiệm dạy học trực tuyến từ các đợt nghỉ dịch COVID-19 trước, các trường học tại Hà Nội triển khai ngay từ ngày 4/5. Tuy nhiên, các trường lo chất lượng học online khó đảm bảo để học sinh lớp 9 thi vượt cấp.

Ngày đầu tiên học sinh tạm dừng tới trường, các trường xếp thời khoá biểu cho học sinh học trực tuyến bài mới, in phiếu cho học sinh làm bài… để củng cố kiến thức chờ ngày dịch ổn định, kiểm tra cuối kỳ.

Bà Lê Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Phương, nói rằng, nếu phải học trực tuyến kéo dài, có thể phải tính đến phương án kiểm tra định kỳ online. Việc này rất mới với các nhà trường nên phải chờ hướng dẫn của Phòng GD&ĐT, nhưng trường sẽ có sự chuẩn bị.

Cụ thể, giáo viên sẽ xây dựng ngân hàng đề trắc nghiệm phù hợp kiểm tra trực tuyến các môn như tiếng Anh, Lịch sử… “Bậc tiểu học, việc đánh giá không quá khó khăn vì lâu nay việc kiểm tra ở cấp học này vẫn khá nhẹ nhàng. Chưa kể, trong quá trình học, giáo viên đã có những đánh giá thường xuyên trong năm học, vì thế sẽ dễ dàng xếp loại và xét lên lớp để học sinh không gặp áp lực”, bà Lan nói.

Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Bát Tràng, cho biết, ngày 4/5, trường khởi động dạy học trực tuyến. Giáo viên đã có kinh nghiệm, học sinh được trang bị điện thoại, máy tính để học 100% nên các khối lớp 6-8 cơ bản sẽ hoàn thành chương trình năm học.

Tuy nhiên, khi chuyển sang học trực tuyến, nhiều học sinh lớp 9 cũng như nhiều hiệu trưởng băn khoăn, lo lắng về kỳ thi tuyển vào lớp 10. Trước đó, kỳ thi này được Hà Nội quyết định tổ chức từ ngày 10-11/6 với 4 bài thi. Điều Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan lo lắng là chất lượng học sinh lớp 9 năm nay có đáp ứng kỳ thi hay không vì theo bà, hiệu quả học trực tuyến khó đảm bảo như học trên lớp.

“Trước đó, trường đã phân loại học sinh theo năng lực: giỏi, khá, trung bình… để giáo viên có kế hoạch ôn tập phù hợp. Nhất là nhóm học sinh có năng lực trung bình, yếu khi học trực tuyến giáo viên khó tương tác, theo dõi sát được như trên lớp”, bà Lan nói.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương, bà Phạm Thị Hương Giang, cũng nhận định, học trực tuyến chất lượng không đảm bảo như học trực tiếp nên học sinh lớp 9 sẽ lo lắng, bị áp lực lớn. Từ năm ngoái đến nay, đây là lần thứ 3 lứa học sinh lớp 9 phải dừng đến trường vì dịch nên rất thiệt thòi.

Theo bà Giang, nhiều phụ huynh đã có ý kiến với nhà trường về việc xin Hà Nội giảm bớt môn thi thứ 4 hay giảm tải trong đề thi cho học sinh năm nay. Kỳ thi vượt cấp lên lớp 10, nhiều học sinh rất căng thẳng vì lo trượt nguyện vọng trường công. Để hỗ trợ học sinh, trường đã tăng cường lịch học thêm trực tuyến, tăng giáo viên các môn thi hỗ trợ.

“Nếu kiểm tra định kỳ trực tuyến, khó nhất là không phải 100% học sinh có máy tính, đường truyền tốt, có phụ huynh giám sát để thực hiện bài kiểm tra. Nếu dịch kéo dài, Sở GD&ĐT cần có phương án để tháo gỡ thế khó cho các nhà trường, học sinh”, bà Giang nói.

Không để đứt đoạn việc học, việc thi

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học - Bộ GD&ĐT, cho biết, theo kế hoạch năm học 2020-2021 cho các bậc giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, các cơ sở giáo dục sẽ hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5, kết thúc năm học trước ngày 31/5.

Trường hợp học sinh không thể đến trường, địa phương dạy trực tuyến để hoàn thành chương trình và kết thúc thời gian học theo khung chương trình của Bộ. Các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi… đều do các địa phương căn cứ tình hình thực tế địa phương để chủ động quyết định.

“Trong thời gian học sinh không đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, việc học tại các địa phương không bị gián đoạn, các hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được duy trì, do vậy thời gian kết thúc năm học chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GDĐT”, ông nói.

Ông Thành nói rằng, Thông tư dạy học trực tuyến quy định việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên, trong đó có tính đến trường hợp học sinh không thể đến cơ sở giáo dục phổ thông tại thời điểm kiểm tra, đánh giá định kỳ vì lý do bất khả kháng, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá định kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT, bảo đảm việc kiểm tra, đánh giá, chính xác, công bằng, khách quan, trung thực.

“Các trường chủ động đề ra phương án để giám sát quá trình kiểm tra trực tuyến, đảm bảo việc đánh giá đó là khách quan, chính xác, đúng năng lực học sinh. Hiện tại vẫn còn gần 1 tháng nữa là sẽ kết thúc năm học 2020-2021, hy vọng dịch được khống chế để các kỳ thi diễn ra đúng kế hoạch và đảm bảo an toàn”, ông nói.

8 địa phương đóng cửa trường học

Tính đến chiều tối 4/5, có 8 tỉnh, thành phố cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Quảng Nam, Hà Nam và Bắc Giang. Các địa phương khác cũng kích hoạt hệ thống phòng dịch từ cổng trường.

MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.