Lên đời nhờ khoai lang cấy mô

Lên đời nhờ khoai lang cấy mô
TP - Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều nông dân Đắk Nông thoát nghèo, làm giàu nhờ khoai lang. Trong số đó, có một thanh niên đi bới khoai lang thuê đã trở thành ông chủ chuyên cung cấp giống khoai lang cấy mô cao sản.

Người dân huyện Đắk Song trồng cà phê đã nhiều năm nay. Nhận thấy trồng cà phê đòi hỏi vốn đầu tư lớn, làm lụng vất vả mà lời lãi chẳng được bao nhiêu, anh Bùi Văn Đạt sinh năm 1987 ở thôn Thuận Hải, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã bỏ cà phê để chuyển sang trồng khoai.

Anh Đạt kể lại: Mấy năm trước, tôi sang huyện Tuy Đức đi làm thuê, công việc là chuyên chở, cắt dây, bới khoai. Thấy giống nông sản ngắn ngày này hiệu quả kinh tế cao nên tôi về bàn với vợ phá bỏ một sào cà phê già cỗi năng suất thấp để trồng khoai lang. Mùa khoai đầu tiên, tôi mua giống khoai lang Nhật Bản thuần chủng về trồng thấy năng suất, chất lượng khoai không đạt, thu hoạch chỉ được hơn 1 tấn củ, khoai bị hà, bị sùng nhiều, nên quyết đi tìm giống mới!

Đầu năm 2012, Đạt liên hệ được với một vườn ươm ở Đà Lạt, anh đặt mua 5.000 dây khoai lang đã cấy mô trồng gây giống. Sau 2 tháng rưỡi, anh cắt lứa dây đầu trồng thử nghiệm, khoai cho năng suất cao gấp đôi.

Vụ đông năm 2012, chị Bùi Thị Thúy ở thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh trồng khoai đã nhiều năm đến nhà anh Đạt mua giống mới trồng trên diện tích 1 ha, cuối vụ thu hoạch được khoảng 15 tấn củ thu về 235 triệu đồng. Chị cho biết: Giống khoai mới bằng phương pháp cấy mô này cho năng suất và chất lượng khoai cao gấp 2,5 lần so với giống cũ chị trồng mọi năm.

Từ một sào khoai lang cấy mô, Đạt bán ra gần chục héc-ta dây khoai giống cho bà con quanh vùng thu về 60 triệu đồng và trồng thêm được 1 ha khoai lấy củ. Do mẫu khoai lang cấy mô phải nuôi trong phòng có điều hòa nhiệt độ ánh sáng, lượng nước, Đạt không có khả năng thực hiện nên đặt hàng cho vườn ươm nhân giống rồi học thêm kỹ thuật mang ra trồng ngoài tự nhiên, sau 25 ngày cắt được dây giống. Cứ một sào khoai lang cấy mô cắt được 3 lứa dây giống đủ trồng cho gần 10 ha.

Mỗi năm qua Đà Lạt lấy mô một lần, anh nhân giống bán cho bà con trong xã, huyện, vùng lân cận. Ông Trịnh Văn Quyền, thôn Thuận Hải đặt mua giống trồng 2 ha, năng suất đạt khoảng 14 tấn/ha. Thương lái khắp nơi về mua khoai lang củ, mua ước chừng theo diện tích, đặt tiền rồi tự đưa nhân công đến bới khoai. “Năm nay, giá khoai xuống chỉ bằng 2/3 năm ngoái nhưng trồng khoai vẫn lãi hơn cà phê”.

Vợ chồng anh Đạt trở thành nhà sản xuất và cung cấp giống khoai lang cấy mô cao sản cho nông dân khắp tỉnh Đắk Nông. Anh dự định sang đầu năm tới sẽ phá bỏ luôn 2 ha cà phê năng suất thấp để trồng khoai. Riêng xã Thuận Hạnh đã có khoảng 500 ha đất trồng khoai lang khắp 14 thôn, tự phát làm giàu theo cơ chế thị trường.

Khoai lang có nhãn hiệu vẫn nhiều nỗi lo

Đại diện Hội nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) gồm 21 thành viên vừa được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ KH&CN cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho “Khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long, Việt Nam”.

Những người được cấp nhãn hiệu hy vọng, sẽ có thêm thuận lợi để xuất khẩu khoai lang. Tuy nhiên, ông Bùi Văn Tám, Phó chủ tịch UBND xã Thành Đông, vẫn lo lắng khi thị trường xuất khẩu khoai lang chủ yếu là Trung Quốc, giá cả rất bấp bênh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.