Lê Quang: Một thời vang bóng

Lê Quang và bạn diễn trên phim trường.
Lê Quang và bạn diễn trên phim trường.
Lê Quang ngồi đó, râu tóc rậm rì, mắt lấp lánh buồn vui không rõ, ngoài kia mây mù, ký ức xa xưa cũng mờ mịt như sương. Quang nói mình nhớ không nhiều lắm về tuổi thơ, anh cười: “Nghệ sĩ người ta ngại cho biết tuổi, nhưng anh Quang lớn rồi, em biết mà. Để anh nghĩ một chút mới nhớ hồi nhỏ mình như thế nào”.

Vai diễn đời người

Quang ở Sài Gòn, thời cách đây đến 50 năm, đất chưa chật, người chưa đông, cuộc sống cũng dễ thở. Lê Quang đi học vỡ lòng, thấy chán mặt chữ nên suốt ngày trốn học. Đến khi cha mẹ biết thì Quang đã rong chơi đến gần hết tuổi thơ. Thế thôi đành nghỉ. Lê Quang bỗng buồn thiu: “Tính ra hồi xưa anh nghỉ học sớm quá. Sau đó anh tự học thêm, đến giờ này tuy không bằng ai chứ tiếp chuyện trên trời dưới đất này kia cũng được. Chỉ thương ba má lúc đó buồn lắm. Chắc cũng kỳ vọng nhiều ở anh”.

Quang đi học võ, học nghề buôn bán rồi lấy vợ, sinh con. Không thích Sài Gòn, Quang dắt díu gia đình xuống Bà Rịa - Vũng Tàu mở quán gió dưới núi Chân Tiên. Quán nhỏ, đêm ngày rộng cửa đón khách thập phương ghé Dinh Cô vía bà. Mọi thứ cứ nhẹ tênh, không trăn trở, chẳng đa đoan cho đến một ngày Quang vướng vào nghiệp diễn. Lê Quang mắt hoang hoang nhìn đâu đó vô định: “Xưa nếu anh ở lại Bà Rịa lập nghiệp đời chắc cũng sẽ sung sướng an yên. Giờ tuy hơi cực một chút, nhưng anh chưa bao giờ hối hận, trái lại, anh thấy may mắn thập phần”.

Ngày đó, đoàn làm phim của đạo diễn Lê Hoàng Hoa ghé ngang quán nhỏ nghỉ chân. Ngó thấy Lê Quang có khuôn mặt, vóc dáng rất lạ mới nói nhỏ với nam diễn viên bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh: “Này em, ông chủ quán coi bộ thấy hay hay. Mặt này lên phim rất ăn hình, em tới hỏi ổng thích đóng phim không thì đi”. Lê Quang nghe Lê Công Tuấn Anh mời thì thích, vừa thích vừa lo. 

Hôm đi diễn, Quang dậy từ rạng sáng, cùng đoàn phim vượt đường rừng tìm bối cảnh. Nhưng đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy ai quở tới mình. Quang bực lắm, mà thấy ai cũng bận bịu nên không muốn làm phiền. Sáng, trưa, chiều, đến khi tắt nắng Quang mới hậm hực tới hỏi Lê Hoàng Hoa rằng: “Sao kêu tui đi đóng phim mà đợi từ sáng giờ chưa thấy”. Đạo diễn lập tức gọi phục trang, bối cảnh và dặn dò Lê Quang. “Trời ơi, thì ra anh chỉ phải cầm đuốc đứng sau lưng công chúa, lên phim còn không hề thấy mặt. Anh thất vọng ghê gớm về nhà nói với vợ, từ nay không phim ảnh gì hết nữa. Vậy mà một năm sau anh nổi tiếng đó em”.

Lê Quang tự nhận mình không đẹp trai, nhưng lại rất “độc lạ”. Quả vậy, Quang có gì đó vừa hoang dại dữ dằn, lại vừa ngơ ngác và đầy thương tổn. Quang liên tục được mời vào những vai đại ca giang hồ trong các phim như Vĩnh biệt Cali, Nước mắt giang hồ… Khán giả bắt đầu hoảng sợ và ghét Lê Quang. Lê Quang nói: “Anh nhập vai quá, mặt mũi bặm trợn, khán giả thấy mặt anh là biết ngay “vai ác”. Nhưng anh không sao, nghiệp diễn cho anh nếm trải nhiều cảm giác. Có khi anh nghĩ lỡ mình rơi vào hoàn cảnh đó chắc sẽ đau ghê gớm lắm, vậy là diễn thôi”.

Và Tư Võ Tòng trong Đất phương Nam đã “hóa giải” cho Lê Quang. Lê Quang với phân đoạn mô phỏng cuộc thảm sát đồng Nọc Nạng đã khiến bất kỳ ai cũng nước mắt phẫn uất sôi trào. Máu đã thấm vào đất, cả gia đình nông dân Mười Chức chết thảm trước họng súng. Những người quanh năm vui với ngọn rau cây lúa, đến lúc ngã xuống cũng chỉ có mác cuốc trong tay. Vợ sắp cưới của Tư Võ Tòng cũng không thể thoát. Cả đời Võ Tòng mất mát tan hoang, hạnh phúc sắp tới tay bỗng vụt tắt như tàn đóm. Sự vùng dậy của gia đình Mười Chức và của Võ Tòng như nhát chém vào cái xã hội địa chủ cường quyền đầy rẫy bất công, áp bức.

Đất phương Nam đã 21 năm, mà người ta vẫn nhớ như in một Võ Tòng bi tráng, nhớ những thét gào nát tan trời đất, nhớ ánh mắt trống rỗng vô hồn tối đen đến tận đáy của kẻ ôm mối thù nhà đi rửa hận. Và một Lê Quang trong vai Võ Tòng đã hằn vết trong lòng người hâm mộ, để giờ đây người ta gọi Quang là Võ Tòng. Có đóng vai ác thì anh vẫn đã từng là Võ Tòng săn cá sấu. Có già đi, yếu đi thì vẫn là Võ Tòng oai oai lẫm lẫm. Trần Vinh Sơn đã làm nên một tượng đài khó đánh gục trong nền phim ảnh nước nhà.

Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng nhắc nhớ đến Đất phương Nam, Lê Quang vẫn thấy bồi hồi khó tả: “Làm phim cực lắm em, 10 tập mà làm đến 2 năm. Anh đóng có 1 tập phải theo đoàn phim đến mấy tháng. Trên phim cơ cực một, ngoài đời cơ cực mười. Phải trầm mình chỗ rừng thiêng nước độc, muỗi, vắt đu vào người hút máu. Ai nấy xanh xao lao đao. Nhưng mà thành quả đạt được khiến người ta hạnh phúc cả một đời”. Và Tư Võ Tòng với Lê Quang là vai diễn của cả một đời.

Lê Quang: Một thời vang bóng ảnh 1

Lê Quang vai Tư Võ Tòng trong phim Đất phương Nam.

Chòng chành một kiếp

Sau Đất phương Nam, Lê Quang đóng rất nhiều phim, nhưng người ta cứ gọi anh là Tư Võ Tòng. “Võ Tòng giống như nghệ danh của anh luôn rồi em. Nhắc Lê Quang có người còn hỏi này hỏi kia, chớ nói ông đóng vai Võ Tòng thì nhớ mặt anh liền. Anh tất nhiên là thích khán giả nhớ tới, nhưng cũng không thể sống mãi trong hào quang, ảo ảnh của một vai diễn đã qua được”.

Không thể sống bằng ảo ảnh, nên ngoài những lúc đi đóng phim Lê Quang phải chạy xe ôm để chăm lo cuộc sống cho vợ con. Kể đến đây, Lê Quang lại cười: “Anh nói anh đi đóng phim, phụ hồ, nghe ra mọi người nói thấy xót xa. Nhưng anh lại thấy bình thường, mình sanh ra kiếp đàn ông phải là chỗ dựa cho vợ con mình. Không thể vì sĩ diện mà cứ ngồi nhà nhìn vợ con đói khổ. Làm bất cứ chuyện gì cũng được, miễn lương thiện là được. Mà khi có “kèo” anh lại đóng phim. Không sao cả”.

Cuộc sống khốn khó, sẵn sàng thiêu rụi bất cứ tâm hồn người nghệ sĩ nào, nhưng Quang thì không. Anh lầm lũi theo nghề, say đắm với nghề mà như Quang nói là “mê muội”. Cũng vì mê muội nên đang lập nghiệp ở Vũng Tàu anh về bàn với vợ đưa con lên Sài Gòn sinh sống. 

“Ở Sài Gòn anh mới dễ dàng tiếp xúc được với phim ảnh. Vợ anh gật đầu liền làm anh cũng ngạc nhiên, bởi lên đây với số tiền bán quán ít ỏi chắc cuộc sống sẽ khó khăn. Mà không ngờ các con cũng ủng hộ nữa. Đời anh vậy là may mắn, có dầu dãi nắng mưa một chút thì đáng gì đâu” - Quang cười viên mãn, mây mù ngoài kia chuyển mưa ngợp trời.

Hơn nửa đời người đắm say với phim ảnh, những gì còn sót lại với Lê Quang chỉ là danh vọng hào quang. “Còn tiền bạc thì hầu như trắng tay em ơi. Có khi đi phim cả tháng trời về chỉ mua được cho vợ con một bữa ăn ngon. Rồi sau đó anh lại “cày” để tiếp tục trang trải cuộc sống. Nhưng cần chi cửa rộng nhà cao, gia đình anh thấy đủ đầy, ấm êm là đủ”.

Không chỉ có Tư Võ Tòng, Lê Quang còn vào vai rất ấn tượng trong Màu xanh đôi mắt, Ngã rẽ, Nơi trái tim ở lại… Vai diễn nào của Quang cũng khốc liệt, ác thì ác đến tận cùng, khổ thì khổ đến mức bế tắc chằng chịt, và thiện lương hào hùng đến bi tráng. Quang có thực lực, nên dù vai có nhiều đất diễn hay không thì vẫn ấn tượng, vẫn có vị trí rất riêng trong lòng khán giả. 

Quang kể: “Nhớ hồi đóng phim Màu xanh đôi mắt, anh vào vai tay chủ nhà cưỡng hiếp con gái người ta, rồi gian trá, rồi đủ điều. Về vợ con anh không thèm nhìn mặt anh, vợ nói anh đâu phải người như vậy đâu, đóng chi cho người ta ghét dữ vậy. Thì anh vốn dĩ không phải là bất cứ ai trong phim cả. Chỉ là vì anh hiểu nhân vật, rồi anh thương chính cuộc đời của nhân vật. Thử thách khi cầm một cuốn kịch bản với bao nhiêu là hồi hộp về tính cách, hành động của nhân vật là một khoái cảm rất khó “cai”. Anh thương cái nghiệp diễn của mình, anh mê muội hơn nửa đời rồi vẫn còn mê”.

Quả vậy, Lê Quang không thể bắt cá sấu như Tư Võ Tòng, càng không phải ông già đạo chích đầy đau khổ trong Ngã rẽ, không phải là đại ca, đại bàng như đã từng trong Nước mắt giang hồ… Lê Quang là Lê Quang, bình dị thật thà. Sẵn sàng phơi mình dưới nắng, vác từng bao ximăng, từng xô vữa kiếm đồng tiền còn ấm nóng về nuôi vợ nuôi con. 

Và dẫu đang chạy xe ôm, hay đi dệt thảm mướn, Quang vẫn cười hồn hậu, chưa bao giờ cúi mặt tủi cực khi ai đó lỡ lời: “Trời ơi, Võ Tòng mà đi chạy xe ôm!”. Quang cười: “Anh không buồn luôn, còn cảm thấy có chút vui vì ai cũng nhớ mình. Anh cảm ơn vai diễn đã cho anh cái danh để người ta nhắc nhớ. Cảm ơn Tổ nghiệp đã chọn anh để đời anh biết được thế nào là tâm huyết, là đắm say không mệt mỏi. Cảm ơn vợ con và cảm ơn những cái nghề lương thiện”.

Trời đổ mưa dầm, Quang kể chuyện đời, chuyện nghề nghe không biết chán, việc gì đến hoặc đi với anh đều rất nhẹ. Lê Quang nói, sống ở đời, dẫu khổ cực cỡ nào cũng phải biết tri ân. Có lẽ vì vậy, mà nhìn Quang góc nào cũng chỉ thấy an yên.

Theo Theo An Ninh Thế Giới Cuối Tháng
MỚI - NÓNG