Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm

Bộ phim chiếu trên truyền hình năm 1994 ghi dấu ấn về diễn xuất của hai cố nghệ sĩ Thu An, Văn Hiệp cùng các diễn viên Chiều Xuân, Trần Lực.
Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 1

Mẹ chồng tôi là bộ phim nổi tiếng do NSND Khải Hưng đạo diễn, chiếu trong chương trình Văn nghệ Chủ nhật của VTV năm 1994. Phim khắc họa bi kịch của phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ. Cố nghệ sĩ Thu An vào vai người mẹ chồng bao dung, nhân hậu. Con trai đi kháng chiến, bà ở nhà cùng con dâu. Cả hai yêu thương, san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Khi phát hiện con dâu có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, bà nén nỗi đau để tha thứ, khuyên giải và che chở cho con dâu.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 2

NSƯT Thu An sinh năm 1922. Dù là người Hà Nội gốc, bà ghi dấu ấn với hình ảnh người phụ nữ nông thôn đôn hậu, hiền từ. Cố nghệ sĩ từng xuất hiện trong nhiều phim như Chung một dòng sông, Sao tháng Tám, Tướng về hưu... Sau 40 năm đóng phim, bà về hưu, sống cuộc sống bình dị cùng con cháu trong ngôi nhà nhỏ ở Hoàng Hoa Thám. NSƯT Thu An qua đời tháng 10/2011 sau thời gian lâm bệnh tuổi già.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 3

Trong phim Mẹ chồng tôi, cố nghệ sĩ Văn Hiệp vào vai một cán bộ xã hết mình với công việc chung. Hình ảnh vừa nghiêm túc, vừa có chút hài hước trong phim cũng gắn liền với Văn Hiệp suốt cuộc đời diễn xuất của ông.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 4

Nghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942, quê gốc ở Thanh Trì, Hà Nội. Văn Hiệp trở thành gương mặt gần gũi với khán giả qua vai diễn "ông trưởng thôn" trong chương trình Gặp nhau cuối tuần và nhiều bộ phim.  Trong sự nghiệp diễn viên 40 năm, ông tham gia tới 1.000 tác phẩm kịch, phim truyện. Văn Hiệp diễn hài nhưng cuộc đời ông nhiều chuyện ngậm ngùi. Ông một mình nuôi con suốt hơn 20 năm sau khi vợ sang Đức xuất khẩu lao động và không trở về. Cả hai ly thân nhưng không ly hôn. Ông mất năm 2013 ở tuổi 71, theo chẩn đoán bệnh ung thư phổi. Văn Hiệp được trao danh hiệu NSƯT khi đã qua đời.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 5

NSƯT Chiều Xuân vào vai Thuận trong phim. Lấy chồng chưa được bao lâu thì chồng đi bộ đội, Thuận ở nhà nuôi dưỡng mẹ chồng. Cô có giọng hát hay nên được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Cô gặp Lực, hai người đem lòng yêu nhau và có con. Thuận nghe lời mẹ chồng, cắt đứt tình cảm với Lực, sinh con và che giấu sự thật đứa trẻ là con của Lực..

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 6

Chiều Xuân năm nay 48 tuổi. Ngoài vai diễn trong Mẹ chồng tôi, cô còn xuất hiện trong các phim Dòng sông khát vọng, Hàng xóm, Tình biển, Người yêu đi lấy chồng, Tướng về hưu... Nữ nghệ sĩ cũng thành công trên sân khấu kịch. Sau khi rời Nhà hát Kịch, cô lập công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực tổ chức nghệ thuật. Chiều Xuân kết hôn với đạo diễn Đỗ Hồng Quân năm 1987. Họ có hai con gái là Hồng Mi và Hồng Khanh. Trong hình là Chiều Xuân và con gái út Hồng Khanh tại một sự kiện gần đây.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 7

Trong phim Mẹ chồng tôi, Trần Lực vào vai Lực - người phụ trách đài phát thanh xã. Lực yêu Thuận nhưng chấp nhận rời xa để cô không phải chịu điều tiếng. Sau vài năm, gặp lại nhau, anh vẫn dành tình cảm đặc biệt cho cô. Lực đi bộ đội và hy sinh khi chưa kịp biết con của Thuận chính là con anh.

Dàn diễn viên 'Mẹ chồng tôi' sau hơn 20 năm ảnh 8

Trần Lực sinh năm 1963. Anh nổi tiếng trong các phim Hoa ban đỏ, Người đi tìm dĩ vãng, Người yêu đi lấy chồng, Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong... Trần Lực còn là đạo diễn của nhiều phim như Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà, Cocktail cho tình yêu... Anh cũng là giám đốc hãng phim Đông A từ năm 2002. Trần Lực có ba đời vợ. Ở tuổi ngoài 50, nam nghệ sĩ hạnh phúc với bốn người con - con trai với vợ đầu, hai trai và một gái với người vợ hiện tại.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.