Đại biểu Lê Đình Khanh đặt câu hỏi: “Lệ phí hoa hồng chữ ký là cái lệ phí gì? Tôi đọc mà không thể hiểu nổi. Liệu đó có phải là hình thức bo chữ ký không?”. Cũng theo đại biểu Khanh, “đã sinh ra bảo hiểm y tế thì nhiệm vụ của nhà nước là phải phòng bệnh thật tốt để người dân không bị bệnh. Dân không bị bệnh thì bảo hiểm y tế không mất tiền. Thế mà lại còn quy định bắt dân đóng “phí phòng chống dịch bệnh” nữa. Như thế là “phí chồng phí” rồi còn gì nữa?”, ông Khanh lập luận.
ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thu phí môi trường hiện nay rất không phù hợp. “Ngư dân chạy ngoài biển sao lại bắt họ phải đóng phí môi trường. Có quá nhiều điều vô lý nhưng chúng ta vẫn cứ làm”, ông Lịch nói. ĐB Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) phản ánh việc thu thuế môi trường chưa bảo đảm nguyên tắc gây ô nhiễm nhiều phải đóng phí nhiều. Chưa bảo đảm đúng mục đích, công khai minh bạch. “Thời gian qua Tập đoàn Than và Khoáng sản nộp phí bảo vệ môi trường rất lớn. Nhưng qua trao đổi thì thấy có nhiều địa phương cấp xã, cấp huyện ở Quảng Ninh không nhận được các khoản phí mà chúng tôi đã nộp. Như thế là không đúng”, ông Hòa lên tiếng.
Tại Hà Nội, bất cập lớn nhất nằm ở khâu quản lý việc thực hiện các quy định về phí dẫn đến không ít quy định dường như chỉ tồn tại trên giấy tờ. Một vòng qua các quận trung tâm, ai cũng dễ dàng bắt gặp các điểm trông giữ xe thu tiền không xé vé, thu mức phí vô tội vạ. Khi báo chí, hay người dân lên tiếng thì cơ quan chức năng lại đưa ra một liều thuốc vốn đã quá nhờn là kiểm tra, rà soát hoặc là phạt hành chính “lấy lệ” một vài điểm! Vậy là đến hẹn lại lên, cứ vào những nơi tập trung đông người, ngày lễ ngày Tết, các bãi trông giữ xe trái phép, thu phí gấp cả chục lần quy định lại mặc sức tung hoành.
Liệu với quy định mới của dự thảo Luật phí và lệ phí được đưa ra thảo luận lần này, tình trạng “loạn phí” như trên có được ngăn chặn?