Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng: Vì sao đến nay chưa có quy hoạch về trạm thu phí BOT? Nhiều trạm thu phí đặt sai vị trí mà nhiều cơ quan báo chí phản ánh sẽ được xử lý như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt để Bộ GTVT triển khai thực hiện đầu tư xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, tạo ra sự thay đổi diện mạo bộ mặt giao thông cả nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thăng, để xã hội hóa thì phải có cơ chế, chính sách cho nhà đầu tư thu hồi vốn. Để triển khai đầu tư các dự án, Bộ GTVT đã kết hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các địa phương thực hiện đầu tư theo đúng các quy định.
Bộ trưởng Thăng khẳng định, việc đặt trạm thu phí được thực hiện đúng theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính, trong đó quy định các trạm thu phí đặt cách nhau 70 km. Nếu không đúng 70 km, trước khi đặt trạm thu phí phải có sự thỏa thuận của Bộ Tài chính và UBND các địa phương.
“Lâu nay chúng ta cứ hiểu lầm trạm thu phí phải cách nhau 70 km mới là đúng, dưới 70 km là sai. Điều đó không phải! 70 km là đúng, dưới 70km cũng là đúng, nhưng phải có sự thỏa thuận chung và việc đặt trạm thu phí đó hoàn toàn đúng theo quy định. Tôi khẳng định tất cả trạm thu phí hiện nay hoàn toàn phù hợp, đúng quy định của Thông tư 159”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.
“Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ GTVT khẩn trương xây dựng quy hoạch các trạm thu phí trên cả nước, vì việc xã hội hóa là giải pháp thực hiện lâu dài, nằm trong chiến lược tổng thể phát triển GTVT cũng như trong chiến lược phát triển đất nước, vì vậy cần quy hoạch tổng thể các trạm thu phí”, Bộ trưởng Thăng nói thêm.
Nông dân không có lỗi
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ bàn nhiều tới tình trạng được mùa mất giá, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua. Chính phủ đã thấy được nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân xuất phát từ sự quản lý của nhà nước.
Trao đổi về các giải pháp kích cầu, tìm đầu ra cho mặt hàng nông sản tới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu mặt hàng nông sản và thủy sản giảm sút. Nguyên nhân vì một số thị trường chính như Hoa Kỳ, EU và cả Nhật Bản, hay một số thị trường tiềm năng cũng chưa phát huy được hiệu quả, dẫn đến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Thậm chí, nhiều mặt hàng kém chất lượng, xuất khẩu ra nước ngoài bị trả lại và bị cắt hợp đồng. Khắc phục tình trạng này, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có những biện pháp mở rộng thị trường thông qua đàm phán hiệp định thương mại tự do, ký kết hợp tác với thị trường Hàn Quốc, tới đây cũng chuẩn bị ký với Liên minh kinh tế Á - Âu…