Ngày 17/10 cách đây 19 năm, khán giả cả nước bàng hoàng trước tin diễn viên Lê Công Tuấn Anh qua đời do tự tử bằng thuốc sốt rét. Đám tang anh được coi là sự kiện lớn nhất thời kỳ đó với hàng trăm nghìn người hâm mộ xếp hàng dọc đường di quan đến nơi chôn cất. Trong cuốn sách House of glass: culture, modernity, and the state in Southeast Asia xuất bản năm 2001, tác giả Mandy Thomas và Russel H.-K.Heng đã bình luận: “Cái chết của Lê Công Tuấn Anh đã thực sự biến anh từ một ngôi sao điện ảnh thành một biểu tượng nổi tiếng của Việt Nam”.
Trong số những tài tử điện ảnh thập niên 1990, Lê Công Tuấn Anh, sinh năm 1967, là một trường hợp đặc biệt. Xuất thân là trẻ mồ côi, từng sống trong trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên, nam diễn viên tự lập từ sớm. Khi đang làm thợ hàn, Lê Công Tuấn Anh tích cực tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng tại Nhà văn hóa quận 3 (TP HCM). Diễn viên Lê Bình khi đó phụ trách xây dựng phong trào cho Nhà văn hóa đã phát hiện ra năng khiếu diễn xuất của chàng trai và khuyến khích anh đóng kịch.
Thời gian sau, chàng thợ hàn thi đỗ vào đoàn kịch Kim Cương nhưng chỉ được đóng những vai phụ, cầm cờ chạy qua chạy lại trên sân khấu. "Đảm nhận vai quần chúng nhỏ xíu nhưng cậu ta hạnh phúc, hãnh diện lắm", Lê Bình kể. Nhưng nhờ đóng phụ trong hai vở kịch gây tiếng vang là Nhân danh công lý và Lôi Vũ, Lê Công Tuấn Anh được các đạo diễn điện ảnh để mắt tới. Anh bén duyên điện ảnh năm 1989 với vai họa sĩ trong phim Tìm vàng của đạo diễn Lê Hoàng Xuân, sau đó là một vai nhỏ trong phim Phạm Công Cúc Hoa nhưng không để lại dấu ấn. Chỉ đến khi vào vai Quang ""Đông Ki Sốt" trong phim Vị đắng tình yêu (1990), Lê Công Tuấn Anh mới thật sự tỏa sáng và trở thành diễn viên được săn đón.
Vị đắng tình yêu kể câu chuyện tình giữa bác sĩ Lê Quang (Lê Công Tuấn Anh đóng) và cô gái Anh Phương (Thủy Tiên). Nhân vật chàng sinh viên hiền lành, chân thành, có mối tình lãng mạn với bạn học xinh đẹp giúp Lê Công Tuấn Anh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10. Vị đắng tình yêu có doanh thu lớn trong thập niên 1990 - lên tới 500 triệu đồng. Cùng lúc tên Quang "Đông ki sốt" trở thành câu cửa miệng của giới trẻ khi nói về một anh chàng khù khờ nhưng mang trong mình trái tim yêu say đắm. Nhân vật trong phim trở thành một điển hình trong cuộc sống, một phần nhờ khả năng nhập vai của Lê Công Tuấn Anh.
Sau Vị đắng tình yêu, Lê Công Tuấn Anh từ một diễn viên nghiệp dư vụt sáng thành ngôi sao. "Các hãng phim săn đón cho bằng được Lê Công Tuấn Anh. Có lúc cậu ấy quay dồn dập một lúc nhiều phim. Trung bình một năm, Lê Công Tuấn Anh đóng tới 20 phim", diễn viên Công Hậu kể.
Lê Công Tuấn Anh trong phim "Vị đắng tình yêu".
Lê Công Tuấn Anh đóng cặp với nhiều nữ diễn viên nổi tiếng như Thu Hà, Việt Trinh, Khánh Huyền... trong các phim Vĩnh biệt mùa hè (1992), Em còn nhớ hay em đã quên (1992), Anh chỉ có mình em (1993), Người đẹp Tây Đô (1996)... Trong gần 10 năm, anh đã đóng hơn 60 bộ phim cho cả điện ảnh miền Nam và Bắc. Anh từng ba năm liên tiếp nhận giải Mai vàng từ 1993 đến 1995 ở hạng mục Diễn viên được yêu thích nhất. Tên cũng anh cũng được xướng lên cho Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc đợt 2 tại TP HCM năm 1995 với vai Sỏi trong kịch Bước qua lời nguyền.
Năm 1996, khi cùng lúc hóa thân vào hai nhân vật trong phim Ngọt ngào và man trá, nam diễn viên tự tử bằng thuốc sốt rét, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp điện ảnh ngắn ngủi của Lê Công Tuấn Anh ở tuổi 29.
Trong gần 10 năm làm nghệ thuật, dù không giàu có, Lê Công Tuấn Anh luôn hào sảng, hết lòng với bạn bè và những người khó khăn anh gặp trên đường.
Diễn viên Lê Bình kể ông không quên được căn nhà trọ tồi tàn của Lê Công Tuấn Anh khi anh đã nổi tiếng: "Nhà lớp mái tôn, trong nhà chỉ có một chiếc ti vi, một chiếc quạt và một cassette cũ. Mùa mưa, thủy triều lên ngập sàn nhà, Lê Công Tuấn Anh phải vất vả tát nước ra ngoài".
Nam diễn viên phải sống trong cảnh nghèo nàn như vậy là do anh có tính hào sảng. Lĩnh được thù lao đóng phim, anh mời bạn bè tụ tập ăn uống hoặc cho những trẻ lang thang, cơ nhỡ gặp trên đường. Lê Bình lý giải Lê Công Tuấn Anh luôn hết lòng với bạn bè nên xem đó là gia đình và tìm niềm vui ở đó. "Hoặc cậu ấy tạo ra những cuộc vui để quên đi nỗi trống trải, cô đơn đã gắn vào thân phận. Cậu ấy từng mồ côi, sống lang thang vỉa hè nên rất thương những đứa trẻ ăn xin trên đường. Có khi dốc sạch túi cho tụi nhỏ", Lê Bình nói.
Hình ảnh cuối cùng của Lê Công Tuấn Anh trong phim "Ngọt ngào và man trá".
Trong ký ức nhiều bạn diễn, dù nổi tiếng và được săn đón, Lê Công Tuấn Anh lại khá tự ti vì mang thân phận trẻ mồ côi. Tâm lý này hình thành ở anh bản tính yếu đuối, dễ ngã lòng trước những cám dỗ. Diễn viên Công Hậu kể Lê Công Tuấn Anh là người nghiện rượu, thường tìm rượu để giải tỏa nỗi lòng mỗi khi không tìm thấy sự đồng cảm từ bạn bè, người yêu. "Có khi uống say, cậu ấy lăn ra một góc trường quay ngủ trong khi vẫn mặc áo may ô, quần đùi. Tính cách quá giản dị và dễ dãi ấy không nên bộc lộ nhiều ở một ngôi sao đang được săn đón", Công Hậu chia sẻ.
Bạn diễn cùng thời cũng cho hay, chính vì yếu đuối, Lê Công Tuấn Anh dễ sa đà vào những mối quan hệ quá mức tình bạn với nhiều nữ nghệ sĩ. Chuyện này xảy ra nhiều lần khiến bạn gái anh - cựu người mẫu Minh Anh đưa ra quyết định chia tay.
Năm 1996, hai ngày sau sinh nhật người yêu, Lê Công Tuấn Anh tuyệt vọng chấm dứt cuộc đời mình bằng cách uống quá liều thuốc sốt rét. Đó là lý do khiến nhiều người tin rằng cái chết của nam diễn viên bắt nguồn từ chuyện đổ vỡ tình cảm với Minh Anh. Trong đám tang của nam diễn viên, nữ người mẫu xin được để tang trước linh cữu dù hứng chịu nhiều chỉ trích từ người hâm mộ.
Sự ra đi của Lê Công Tuấn Anh để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và khán giả. Diễn viên Lê Bình dành hẳn một góc trang trọng trong nhà đặt bàn thờ Lê Công Tuấn Anh - người ông coi như em trai ruột. Hàng năm đến ngày giỗ nam diễn viên, đồng nghiệp, khán giả vẫn đến mộ anh đặt hoa, thắp hương, uống rượu để tưởng nhớ một diễn viên tài hoa bạc mệnh.