Chủ tịch nước Trương Tấn Sang:

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Nguyễn Khang.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ảnh: Nguyễn Khang.
TP - Nhân dịp Xuân Ất Mùi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về tình hình đất nước một năm vừa qua; định hướng những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015. Tiền Phong trân trọng trích giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

Muốn lên chuyến tàu hội nhập phải chuẩn bị hành trang

Vừa qua Ngân hàng Thế giới có khuyến cáo là Việt Nam đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng những động lực giúp chúng ta tăng trưởng trong gần 30 năm qua như dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ, tăng đầu tư theo chiều rộng,… đang cạn dần. Vậy theo Chủ tịch nước, tiềm năng nào mà chúng ta có thể khai thác để phát triển trong thời gian tới?

Nghiên cứu sự thành công hay thất bại của các quốc gia trên thế giới, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt nhờ tài nguyên, có thể thấy hai yếu tố nổi trội mà ta phải rất lưu tâm là thể chế kinh tế và con người. Thực tế đó thôi thúc chúng ta phải nỗ lực cao nhất để thực hiện một cách bền bỉ, liên tục, có hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Tiếp tục đi sâu vào cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chăm lo đào tạo thật tốt nguồn lực con người, sẽ khơi dậy được tiềm năng, sớm cải thiện vị trí của Việt Nam hơn nữa trên bản đồ kinh tế thế giới.

Thưa Chủ tịch, phải chăng lúc này tốc độ tăng trưởng là vấn đề quyết định?

Rất cần nhanh, nhưng phải hiệu quả và bền vững. Chúng ta xây từng viên gạch có chất lượng để có ngôi nhà vững chắc, không vội vã dựng lên bức tường kém chất lượng.

Thưa Chủ tịch, theo yêu cầu hội nhập thì phải thực hiện tự do hóa thương mại với bên ngoài. Chủ tịch nước nhìn nhận thách thức này như thế nào?

Cuối năm 2015, tự do hóa thương mại đầy đủ sẽ được thực hiện trong ASEAN cũng như ASEAN với Trung Quốc. Nghĩa là các nước phải xóa bỏ hàng rào thuế quan với một phạm vi rộng lớn, để hàng hóa lưu chuyển tự do, chỉ còn lại một số dòng thuế được bảo lưu dài hơn.

Chúng ta mong muốn và nguyện đem hết sức mình thực hiện lời Bác Hồ dạy, đó là nước nhà có độc lập rồi thì phải làm cho nhân dân được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Để làm được điều này thì phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là món nợ rất lớn mà tôi hy vọng, tin tưởng tất cả cán bộ, đảng viên không ai được quên. Phải trả càng sớm càng tốt.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Đến năm 2018, chúng ta lại sẽ phải thực hiện chương trình cắt giảm thuế quan theo cam kết trong WTO, cũng như các cam kết thương mại tự do khác. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Việt Nam với liên minh thuế quan Nga, Belarut, Kazakhstan; Việt Nam-Hàn Quốc… hiện chúng ta đang đàm phán sẽ kết thúc trong thời gian tới.

Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, một cuộc cạnh tranh quyết liệt mà các nhà sản xuất kinh doanh Việt Nam phải vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.

Thách thức rất lớn nhưng có phải hội nhập là không thể đảo ngược, thưa Chủ tịch nước?

Phải nói là vừa có thuận lợi lớn nhưng cũng vừa có nhiều thách thức. Ta muốn đưa hàng hóa vào nước khác thì phải mở cửa nước mình. Cũng cần thấy rằng không hẳn một ngành sản xuất nào đó được bảo hộ lâu sẽ có hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn. Bài học mở cửa thị trường viễn thông và đi thẳng vào hiện đại đã chứng minh điều đó. Nói rộng ra, sau gần 30 năm đổi mới đã chứng minh tính đúng đắn của hội nhập kinh tế quốc tế. Đổi mới, mở cửa tuy có thách thức, nhưng đem lại vận hội nhiều hơn cho đất nước chứ không phải “bế quan, tỏa cảng” là tốt.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ bước lên chuyến tàu hội nhập mà không chuẩn bị hành trang. Ngược lại, phải dày công tính toán, triển khai các chính sách và biện pháp nhằm tăng sức cạnh tranh của từng sản phẩm, từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Ở đây đòi hỏi vai trò Nhà nước ở tầm chiến lược, nhất là trong định hướng phát triển, hoạch định chính sách, xây dựng thể chế kinh tế, môi trường pháp lý, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng tốt để có chi phí sản xuất rẻ cho doanh nghiệp… nhưng muốn hội nhập thành công thì không thể thiếu sự quyết tâm cao của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Chủ tịch nước có nhận xét như thế nào về các yếu tố năng suất và sử dụng nguồn lực hiện nay?

Đây là những vấn đề chúng ta cần phải sớm khắc phục. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình hơn 5%/năm, trong ba năm vừa qua chỉ còn hơn 3%/năm, nghĩa là mức tăng năng suất lao động giảm dần.

Ngoài yếu tố lao động được đào tạo lành nghề còn thấp thì trong nền kinh tế hiện nay, máy móc thiết bị tiên tiến chiếm tỷ trọng nhỏ, loại trung bình và thấp chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, việc sử dụng các nguồn lực còn rất lãng phí. So với các quốc gia cùng trình độ phát triển thì hệ số ICOR của ta cao hơn nhiều, tức là chi phí làm ra sản phẩm cao hơn so với nước khác.

Mặc dù về lý thuyết thì tự do hóa thương mại là sân chơi được thiết kế để các bên tham gia cùng thắng, nhưng với các yếu tố nêu trên, ta khó tránh khỏi phần thua thiệt nếu không nhanh chóng khắc phục. Tất nhiên là không ai trong chúng ta muốn mình bị thua thiệt.

Đẩy lùi được tham nhũng, lòng dân mới yên

Không chỉ đối diện nguy cơ tụt hậu xa hơn, vẫn còn đó nguy cơ từ quốc nạn tham nhũng, thưa Chủ tịch nước?

Việc chống tham nhũng thì chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp. Gần đây, khi triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” thì toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hết sức phấn khởi, mong đợi sẽ có kết quả quan trọng để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, củng cố niềm tin nhân dân vào Đảng và chế độ. Một luồng sinh khí mới đã được thổi vào.

Trải qua một thời gian thực hiện, với quyết tâm chung thì chúng ta đã làm được nhiều việc từ Trung ương đến địa phương. Những kết quả đó tuy hết sức quan trọng, nhưng chưa đạt được như mong muốn, chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là những “khối u” trên cơ thể đất nước cần kiên quyết cắt bỏ thì lòng dân mới yên. Do vậy, phải tiến hành kiên trì, bền bỉ, quyết liệt hơn nữa.

Tôi tâm niệm rằng, đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, đồng chí, đồng bào ta đã có những hy sinh, mất mát to lớn. Chúng ta mong muốn và nguyện đem hết sức mình thực hiện lời Bác Hồ dạy, đó là nước nhà có độc lập rồi thì phải làm cho nhân dân được hưởng tự do, ấm no, hạnh phúc. Để làm được điều này thì phải ngăn chặn, đẩy lùi cho được tệ tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây là món nợ rất lớn mà tôi hy vọng, tin tưởng tất cả cán bộ, đảng viên không ai được quên. Phải trả càng sớm càng tốt.

Những thành tựu của gần 30 năm đổi mới là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, so sánh ngay trong khu vực thì những nước thuộc nhóm dẫn đầu vẫn duy trì một khoảng cách với nước ta. Chủ tịch nước có chia sẻ với nhận định như vậy?

Câu hỏi này có thể xem là một lời nhắc nhở rất quan trọng đối với mọi người, nhất là với những người lãnh đạo đất nước. Đúng là, ngay trong khu vực, nhóm các nước phát triển cao hơn thì ta chưa đuổi kịp, còn nhóm phát triển thấp hơn trong đó có Việt Nam thì họ đang tiến nhanh hơn ta.

Thưa Chủ tịch, nếu chậm đổi mới, đất nước chúng ta sẽ phải đối diện với những nguy cơ nào?

Phải tiếp tục đổi mới đúng đắn, đổi mới để tiến lên theo con đường đã chọn, nếu chậm trễ cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu, nền kinh tế sẽ chậm phát triển, bất ổn kinh tế vĩ mô, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập và về cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục; gia tăng các tệ nạn xã hội... Tất cả những nguy cơ ấy đều sẽ dẫn đến nhiều vấn đề bất ổn xã hội, nhân dân mất lòng tin vào Đảng, Nhà nước, hậu quả không tốt đẹp gì.

Năm 2015 là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, người dân có thể kỳ vọng vào một cuộc đổi mới tiếp theo như tinh thần Đại hội VI không, thưa Chủ tịch nước?

Người dân là chủ thể và cũng là mục đích của đổi mới. Do vậy nhân dân hoàn toàn có quyền kỳ vọng và hơn nữa là đòi hỏi Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới toàn diện để tiến lên. Chúng ta phải liên tục tạo ra xung lực mới cho đất nước ổn định và phát triển, dẹp bỏ những trở ngại để nền kinh tế liên tục phát triển mạnh mẽ, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta hiện đang nỗ lực với tinh thần như vậy.

Xin chuyển sang một nội dung khác, vừa qua Chủ tịch nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời trong lĩnh vực cải cách tư pháp liên quan đến một số vụ án cụ thể. Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, xin Chủ tịch nước cho biết những ưu tiên trong lĩnh vực này thời gian tới?

Đây là câu hỏi mà nhân dân quan tâm. Nền tư pháp tiến bộ phải là nền tư pháp đem lại công lý cho mọi người. Xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, công bằng. Không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Đây là một vấn đề rất lớn.

Trước hết là với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan có chức năng đem lại công lý cho mọi người. Đòi hỏi các vị này không những nghiệp vụ tinh thông, mà cái tâm phải rất sáng, bản lĩnh phải rất vững vàng trước mọi áp lực, mọi tác động và cám dỗ từ bên ngoài. Bởi vì trong thực tế có những vụ việc người ta “chạy” dữ lắm, người ta ỷ thế, ỷ quyền, ỷ tiền, ỷ bạc mà “chạy” để thoát tội và gây ra tội lỗi mới. Nhân dân ta không chấp nhận điều đó.

Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực”, nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời.

Chúng ta phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Điều đó có ý nghĩa quyết định trong lĩnh vực quan trọng này.

Vừa qua, trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước ta, người dân khắp mọi miền Tổ quốc đã thể hiện lòng yêu nước mạnh mẽ. Thái độ của cộng đồng quốc tế khá rõ ràng trong việc ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam. Thưa Chủ tịch nước, những yếu tố đó nói lên điều gì?

Trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm trước đây, chúng ta phát huy sức mạnh của nhân dân ta; đồng thời, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Xét về tương quan lực lượng thì nhiều người cho rằng Việt Nam không thể đánh bại được thế lực xâm lược, nhưng cuối cùng chiến thắng thuộc về người Việt Nam. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, tôi nghĩ rằng bài học có ý nghĩa lịch sử nêu trên vẫn còn nguyên giá trị.

Đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế,… chúng ta được bạn bè quốc tế chia sẻ, ủng hộ mạnh mẽ. Phát huy tinh thần yêu nước với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước, chúng ta nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước đưa đất nước tiếp tục tiến lên, đạt nhiều thành tựu mới.

* Các tít xen do Tòa soạn đặt.

MỚI - NÓNG