Giới quan chức Washington đã bắt đầu công khai thảo luận về nhiều chương trình và kế hoạch để tăng cường sức chiến đấu cho Lầu Năm Góc với một khoản ngân sách rất… hào phóng, hỗ trợ những hệ thống công nghệ cao cùng chiến thuật linh hoạt. Những “vũ khí” tối tân nhất đang được phát triển cho Lầu Năm Góc sẽ tăng thêm uy lực cho các mạng lưới chiến đấu của Washington ở bất cứ mặt trận nào.
Kế hoạch bí mật
Trong vài tuần gần đây, các quan chức Mỹ đã đưa ra tiết lộ bất thường về một số nghiên cứu bí mật của quân đội Mỹ. Họ bắt đầu công khai nói về kế hoạch sử dụng máy móc và các công cụ mới nhất để tạo ra máy bay “siêu hiện đại” và những chiến binh siêu năng lực.
Việc Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định tăng cường bàn luận công khai về các loại vũ khí mới chỉ như “chuyện thường ngày ở huyện” để vận động hành lang phục vụ lợi ích của Lầu Năm Góc. Cùng với đó, chính quyền Barack Obama, sau nhiều lần bị khiển trách vì đã chậm chạp trong công tác ứng phó các mối đe dọa về an ninh – quân sự, đã rút ra kết luận rằng: chiến lược tối ưu nhất của Mỹ là tận dụng ưu thế về phương diện công nghệ.
Lầu Năm Góc đã bí mật đưa vào thử nghiệm nguyên mẫu mới của máy bay không người lái siêu nhỏ có thể được phóng đi từ hệ thống bắn đạn của các máy bay chiến đấu F-16s và F/A-18. Các máy bay chiến đấu sẽ bắn ra những chiếc hộp trong đó chứa các máy bay không người lái siêu nhỏ, sau đó hộp chứa sẽ mở ra để cánh máy bay có thể hoạt động.
Thí nghiệm này được điều hành bởi “Chiến lược tiềm năng” (SCO), một tổ chức thuộc Lầu Năm Góc bắt đầu hoạt động từ hè năm 2012 nhằm tìm ra cách tốt nhất để đối phó với các mối đe dọa chiến lược đang tăng dần từ Trung Quốc và Nga.
SCO đã thể hiện một trong những nỗ lực của Lầu Năm Góc để phát triển cao hơn về công nghệ, sau nhiều năm hoạt động chống khủng bố và chiến đấu ở Iraq và Afghanistan, nhằm chuẩn bị ứng phó tốt nhất cho các mối đe dọa quân sự mới. SCO có trách nhiệm tạo ra các “mánh khóe” cho Lầu Năm Góc thông qua sáng tạo và kỹ thuật hiện đại, sử dụng vũ khí cũ nhưng kết hợp với các thiết bị hiện có hoặc áp dụng thêm công nghệ mới.
Tháng trước, lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã tiết lộ một số dự án của SCO khi kêu gọi tài trợ 902 triệu USD cho SCO vào năm 2017 - gấp 18 lần ngân sách ban đầu của tổ chức.
SCO cũng đang triển khai ý tưởng xây dựng máy bay chứa một loạt các vũ khí, có thể được điều khiển bởi một máy bay chiến đấu tàng hình gần đó. Lầu Năm Góc muốn hoàn chỉnh một nguyên mẫu trong năm tới, và loại máy bay này có thể sẵn sàng chiến đấu vào những năm 2020.
Sẵn sàng lực lượng
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ trưởng Ashton Carter bất ngờ tuyên bố kế hoạch sử dụng khoản ngân sách gần 600 tỉ USD cho năm tài chính 2017, tập trung chủ yếu cho hoạt động nghiên cứu và tài trợ phát triển công nghệ quân sự, nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh với Nga và Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ quốc phòng, cũng như chế tạo tàu ngầm và mua vũ khí mới.
Theo dự kiến, Lầu Năm Góc sẽ tăng ngân sách dành cho châu Âu từ 789 triệu USD lên 3,4 tỉ USD để trấn an các đồng minh và ngăn chặn “sự bành trướng” của Nga. Khoản ngân sách này dự kiến sẽ bao gồm tăng cường lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu, thực hiện nhiều chương trình đào tạo và huấn luyện, bổ sung các thiết bị quân sự và cải thiện cơ sở hạ tầng ở đó.
Trong bản kế hoạch của Lầu Năm Góc, dự toán ngân sách năm năm tiếp theo là sẽ đầu tư 13 tỉ USD chế tạo một tàu ngầm mới mang tên lửa đạn đạo hạt nhân. Lầu Năm Góc nhấn mạnh sự cần thiết phải tài trợ cho “bộ ba” răn đe chiến lược của Mỹ, bao gồm loại máy bay ném bom mới cho không quân, tàu ngầm mới thay thế cho các tàu ngầm lớp Ohio mang vũ khí hạt nhân, và tên lửa đạn đạo liên lục địa hạt nhân mới.
Kế hoạch năm năm tới còn bao gồm việc mua hơn 45.000 quả bom thông minh GPS dẫn đường và tên lửa dẫn đường bằng laser, cùng 161 chiến đấu cơ F-35 cho binh chủng hải quân và lính thuỷ đánh bộ.
Lầu Năm Góc có xu hướng tập trung lên kế hoạch và chuẩn bị cho bất cứ điều gì có thể xảy ra trong tương lai, và những kế hoạch đó không hẳn sẽ thấy được hiệu quả ngay lập tức. Rõ ràng, Mỹ không chỉ có một đối thủ, và cũng không có lựa chọn giữa chiến đấu hiện tại hay chiến đấu trong tương lai.
Chính quyền Washington muốn củng cố lực lượng với khả năng của ngân sách, để luôn đạt trạng thái sẵn sàng trong bất cứ trường hợp “không mong muốn” nào. Sau cùng, mục tiêu của Washington là giành được một lợi thế rõ rệt trước Trung Quốc và Nga, để họ có thể áp đặt những điều kiện của mình lên phần còn lại của thế giới.
Lầu Năm Góc đang tuyển tin tặc để "bẻ khóa" chính hệ thống an ninh mạng của mình.
Thắt chặt an ninh mạng
Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cho biết, quân đội Mỹ lo ngại sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hàng loạt nhóm tin tặc, đặc biệt là các phần tử khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Lầu Năm Góc nhận định, với việc các mối đe dọa trên không gian mạng ngày càng gia tăng, Bộ Quốc phòng Mỹ dự tính chi 6,7 tỉ USD trong ngân sách 2017 cho các biện pháp an ninh mạng. Về lâu dài, Lầu Năm Góc sẽ chi 34,6 tỉ USD cho lĩnh vực này trong vòng năm năm tới, nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng cốt lõi và thành lập quỹ cho trung tâm chống tội phạm mạng.
Với mức chi tiêu này, Mỹ hoàn toàn có khả năng ngăn chặn các mối đe dọa tân tiến nhất, đồng thời tăng cường năng lực tác chiến, trong đó có việc thiết lập những phương án đối phó quân sự an ninh mạng tiềm tàng. Những động thái này của chính phủ Mỹ đã cho thấy, Washington đang nghiêm túc thực hiện những hoạt động liên quan đến tội phạm mạng, sẵn sàng đáp trả những cuộc tấn công trực tuyến. Phòng vệ an ninh mạng chống khủng bố cũng được Mỹ cân nhắc kết hợp với các hoạt động an ninh mặt đất và trên không, với đồng minh của Mỹ.
Việc chi ngân sách “hào phóng” tạo điều kiện để Lầu Năm Góc kiểm soát tốt hơn những nguy cơ “không rõ ràng”. Mỹ từng nghi ngờ Nga đang âm thầm tiến hành loạt vụ tấn công mạng nhắm vào các hệ thống mạng chính phủ, tổ chức khoa học và các hệ thống tư của Mỹ.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đang sử dụng hệ thống mạng máy tính để “bẻ khóa” Mỹ và đồng minh. Trong khi đó, Lầu Năm Góc đặc biệt tỏ ra dè chừng trước Triều Tiên, khi nhận định quốc gia này có khả năng đe dọa tấn công mạng đối với bất kỳ hệ thống mạng có phòng vệ sơ sài nào và có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng.
Vì lẽ đó, Lầu Năm Góc đã tiến hành một dự án đầy thú vị khi muốn chính hệ thống mạng “hứng đòn”. Cơ quan này đang tìm kiếm những tin tặc hàng đầu để thử nghiệm một ý tưởng chưa từng có từ trước tới nay nhằm nâng cao khả năng phòng thủ.
Mang tên “Bẻ khóa Lầu Năm Góc”, dự án sẽ trao thưởng cho những tin tặc có thể phát hiện điểm yếu trong các trang mạng công cộng của Lầu Năm Góc. Các đối tượng sẽ tham gia vào một chương trình giới hạn thời gian và có giám sát, cho phép các tin tặc tìm kiếm lỗ hổng trong một hệ thống an ninh chính phủ nhất định.
Truyền thông Mỹ có vẻ rất thích thú trước dự án này, nhận định rằng thực chất đề xuất “tự tấn công” mà Lầu Năm Góc đưa ra chỉ là một bước đệm trong chiến lược duy trì ưu thế quân sự toàn cầu trong thập kỷ tới, bên cạnh hàng tỉ USD “được phung phí” cho quá trình củng cố vũ khí.
Theo đó, sáng kiến này sẽ giúp củng cố hệ thống phòng thủ kỹ thuật số của Lầu Năm Góc và tiến tới tăng cường an ninh quốc gia. Bộ trưởng Ashton Carter đã nhiều lần nhấn mạnh tới việc chính phủ Mỹ cần thiết phải cải tiến công nghệ và hợp tác với các tập đoàn công nghệ. Vậy nên, dự án “Bẻ khóa Lầu Năm Góc” là một biện pháp hữu hiệu và kinh tế, tận dụng tài năng để phục vụ quốc gia. Và nếu thành công, dự án này có thể mở rộng sang nhiều cơ quan chính phủ khác…