Lầu Năm Góc cân nhắc điều lính đặc nhiệm đến Ukraine bảo vệ Đại sứ quán Mỹ?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang thảo luận về việc có nên điều lính đặc nhiệm đến Kiev để bảo vệ đại sứ quán sau khi cơ sở này mở cửa trở lại hay không, tờ Wall Street Journal (WSJ) dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Lầu Năm Góc cân nhắc điều lính đặc nhiệm đến Ukraine bảo vệ Đại sứ quán Mỹ? ảnh 1

Đại sứ quán Mỹ tại Kiev (Ukraine). Ảnh: AP

Theo WSJ, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao vẫn đang trong quá trình lên phương án. Các quan chức được cho là đang xem xét tái thành lập nhóm binh sĩ Thủy quân lục chiến, tương tự những đội an ninh thường xuyên bảo vệ các Đại sứ quán Mỹ trên khắp thế giới, bên cạnh việc huy động lực lượng đặc nhiệm để đảm bảo an ninh.

Đề xuất hiện chưa được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, hay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng - tướng Mark Milley. Tuy nhiên nó sẽ khiến Nhà Trắng phải cân nhắc giữa việc gia tăng hiện diện quân sự trong khu vực xung đột với việc đảm bảo an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ.

Nếu đề xuất được thông qua, binh sĩ Mỹ có thể sẽ chỉ được triển khai để bảo vệ đại sứ quán - nơi nằm trong tầm bắn của tên lửa Nga. Động thái này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ duy trì hiện diện quân sự ở Ukraine, trái với cam kết trước đó của ông Biden rằng sẽ không có lính Mỹ nào được điều đến nước này.

Tờ WSJ nêu chi tiết rằng Nhà Trắng hiện đang cố gắng lựa chọn phương án phù hợp nhất để vừa có thể ngăn chặn một cuộc tấn công tiềm tàng nhằm vào các nhân viên Mỹ, vừa đảm bảo có đủ lực lượng để sơ tán họ nếu giao tranh nổ ra ở Kiev. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đang lo ngại việc xây dựng một thế trận an ninh vững chắc tại đại sứ quán có thể kích động một số hình thức trả đũa từ Mátxcơva.

Trước mắt trong tương lai gần, Bộ Ngoại giao được cho là sẽ cung cấp đảm bảo an ninh cho đại sứ quán ở Kiev bằng cách sử dụng đội bảo vệ từ Cơ quan An ninh Ngoại giao.

"Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao về các mối nguy tiềm ẩn khi họ nối lại hoạt động ở đại sứ quán Kiev", Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby cho biết. "Nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra, và các lãnh đạo bộ cũng chưa thảo luận về đề xuất cụ thể nào liên quan đến việc đưa binh sĩ đến Ukraine."

Trước đó, các quan chức Mỹ đã dự đoán về sự hiện diện mạnh mẽ hơn của quân đội nước này trong tương lai, tùy thuộc vào diễn biến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, một số quan chức quân đội Mỹ cũng muốn lực lượng đặc nhiệm và những người đang huấn luyện, cố vấn cho quân đội Ukraine sớm quay trở lại quốc gia Đông Âu này, theo WSJ.

Tờ Sputnik News (Nga) cho biết ngay cả khi các thành phố đã bắt đầu trở lại bình thường và các chính trị gia phương Tây đang liên tục đến Ukraine gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky, thì các cảnh báo không kích vẫn tiếp tục vang lên ở Kiev.

Quân đội Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng sẽ chỉ tấn công các cơ sở quân sự, bao gồm cả các đoàn xe vận chuyển vũ khí phương Tây cho các lực lượng Ukraine.

Các nhân viên ngoại giao Mỹ đã rời khỏi đại sứ quán ở Kiev trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào ngày 24/2. Nhóm này được chuyển về thành phố Lviv ở phía Tây, sau đó tiếp tục sang Ba Lan do lo ngại về an ninh.

Trong chuyến thăm Kiev hồi cuối tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã yêu cầu các bên liên quan phối hợp đưa các nhà ngoại giao trở lại Kiev càng sớm càng tốt, đáp ứng yêu cầu an toàn và an ninh.

Ngày 8/5, Đại biện Kristina Kvien - người hiện đứng đầu phái bộ Mỹ tại Ukraine cùng một nhóm nhân viên ngoại giao Mỹ đã lần đầu tiên quay trở lại đại sứ quán ở Kiev. Trong chuyến đi này, nhóm nhân viên Mỹ được cho là đã được hộ tống bởi các binh sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Tác chiến đặc biệt (đóng tại Fort Bragg, Bắc Carolina).

Thông tin này - nếu được xác nhận - sẽ đánh dấu lần đầu tiên lực lượng Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Ukraine kể từ khi xung đột bùng phát.

Theo tờ WSJ, sự hiện diện của các nhà ngoại giao Mỹ tại Kiev trong thời gian đầu sẽ khá thưa thớt, vì việc đưa các nhân viên ngoại giao và gia đình trở lại thủ đô Ukraine sẽ tốn nhiều thời gian và nguồn lực. Tuy nhiên, lợi thế từ sự hiện diện ngoại giao là rất rõ ràng, vì các nhân viên Mỹ sẽ có thể trực tiếp tiếp xúc với chính quyền Ukraine, giám sát việc phân phối hàng tỷ USD vũ khí của Mỹ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật.

Theo Sputnik
MỚI - NÓNG