Lầu Năm Góc bác tin tiêm kích F-35 bay qua Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mỹ phủ nhận thông tin máy bay chiến đấu F-35 bay qua Ukraine sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen cho biết các máy bay tiên tiến này đang được sử dụng để giám sát quân đội Nga trong khu vực.
Lầu Năm Góc bác tin tiêm kích F-35 bay qua Ukraine ảnh 1

Máy bay F-35. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Eng Hen đưa ra nhận xét này vào thứ Tư tuần trước (28/2) khi phát biểu trước Quốc hội về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch dài hạn trong ngành công nghiệp quốc phòng. Ông nhấn mạnh rằng Singapore đang đánh giá máy bay F-35 do Mỹ sản xuất, đặc biệt là khi sử dụng nó trong điều kiện thực tế.

Bộ trưởng lưu ý rằng Mỹ đã sử dụng F-35 không chỉ để nhắm vào Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông, mà còn "để xác định các vị trí triển khai đơn vị tên lửa đất-đối-không của Nga ở Ukraine". Dữ liệu trinh sát sau đó được chia sẻ với các đồng minh. Tuy nhiên ông không cho biết liệu có chiếc F-35 nào từng bay vào không phận Ukraine hay các chuyến bay được thực hiện trên lãnh thổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hôm 4/3, người phát ngôn Lầu Năm Góc từ chối bình luận về tuyên bố của bộ trưởng Singapore, nhưng nhấn mạnh rằng "tôi có thể xác nhận Mỹ không đưa F-35 bay qua Ukraine".

Tháng 3 năm ngoái, trang web C4ISRNET đưa tin - dẫn lời Craig Andrle, chỉ huy Phi đội máy bay chiến đấu số 388, rằng Mỹ đã sử dụng F-35 để thu thập thông tin trinh sát về “các mối đe dọa” ở Ukraine và vùng Kaliningrad của Nga. C4ISRNET cho biết các máy bay chiến đấu “có thể xác định các địa điểm tên lửa đất-đối-không và chuyển thông tin đó cho các quốc gia còn lại của liên minh”.

Tuy nhiên, trong khi ông Andrle nhấn mạnh rằng F-35 có thể là một khí tài chiến tranh đáng gờm mà không cần bắn một phát đạn nào nhờ khả năng thu thập thông tin tình báo, thì đôi khi nó lại gặp khó khăn trong việc theo dõi các vị trí của Nga. Ông kể lại rằng F-35 đã không xác định được hệ thống tên lửa S-300 của Nga vì nó có khả năng “hoạt động ở chế độ dự bị chiến tranh mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, NATO đã tăng cường hiện diện trên không ở Đông Âu, triển khai thêm máy bay chiến đấu và máy bay giám sát. Khối quân sự do Mỹ dẫn đầu đang sử dụng máy bay có Hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo Trên không (AWACS) được trang bị radar tầm xa để tiến hành tuần tra thường xuyên.

Người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov năm ngoái cho biết các nước NATO đang hành động như thể họ là đối thủ của Nga, đồng thời lưu ý rằng hoạt động trinh sát của họ đang diễn ra suốt ngày đêm nhằm vào Mátxcơva.

Trong khi đó, phương Tây cũng đang lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu F-16, dự kiến sẽ được giao vào cuối năm nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo những chiếc máy bay này sẽ là “mục tiêu hợp pháp” của quân đội Nga, nói thêm rằng động thái như vậy chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.

Theo RT
MỚI - NÓNG