Lát đá mặt đường tại phố cổ: Bắt chước phải đúng cách

Theo người dân, sau 6 năm thí điểm lát đá xanh, phố Tạ Hiện xảy ra nhiều vụ tai nạn do trơn trượt. Ảnh: T. Đảng
Theo người dân, sau 6 năm thí điểm lát đá xanh, phố Tạ Hiện xảy ra nhiều vụ tai nạn do trơn trượt. Ảnh: T. Đảng
TP - Hà Nội đang lấy ý kiến các sở, ngành để quận Hoàn Kiếm triển khai lát đá 11 tuyến phố cổ. Nhiều chuyên gia đô thị và người dân tại Hà Nội cho rằng, tham gia giao thông trên mặt đường đá tự nhiên rất nguy hiểm, đi bộ còn ngã, chứ chưa nói gì đến điều khiển phương tiện.

“Ăn đòn” vì đường lát đá

Tạ Hiện là tuyến phố cổ đầu tiên của Hà Nội được lát đá mặt đường từ 6 năm nay. UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, việc lát đá mặt đường phố Tạ Hiện được thực hiện cùng với Dự án cải tạo phố cổ Tạ Hiện thực hiện từ năm 2010. Theo đó, ngoài hệ thống hạ tầng, kỹ thuật và các ngôi nhà cũ được tu sửa, mặt đường phố Tạ Hiện đoạn từ ngã ba Tạ Hiện - ngõ Đào Duy Từ đến ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến cũng được lát đá xanh tự nhiên.

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại phố Tạ Hiện ngày 10/8, đoạn phố trên kèm vỉa hè dài khoảng 600 m, lòng đường rộng khoảng 7 m được lát toàn bộ bằng đá xanh tự nhiên. Một điều khá dễ nhận biết giữa mặt đường lát đá và đường bê tông nhựa là phố Tạ Hiện luôn bị ướt, bẩn hai bên lề, trong khi các tuyến phố lân cận thì không. Giải thích nguyên nhân này, nhiều hộ dân sống trên phố Tạ Hiện cho biết, mặt đường lát đá thường không hấp thụ và tiêu nước thải từ hàng quán trên vỉa hè nhanh như mặt đường nhựa.

Cũng theo các hộ dân này, ngoài những nhược điểm trên, vào những hôm trời nắng to, đoạn phố Tạ Hiện được lát đá còn tỏa hơi rất nóng. Đặc biệt vào những hôm mưa hay trời nồm, mặt đường đá thường trơn và gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ông Trần Miễn, Tổ trưởng khu phố 25, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm xác nhận thông tin trên và cho biết: tai nạn ngã, đổ xe vào những hôm trời mưa tại đoạn phố Tạ Hiện được lát đá là phổ biến.

“Những hôm đó nếu phương tiện tránh nhau hoặc phanh gấp, bánh xe sẽ bị trượt dài, dẫn đến tai nạn. Chúng tôi ở ngay trên phố này, rất quen thuộc đoạn đường trên nhưng nhiều hôm dắt xe ra bị... ăn đòn”, ông Miễn nói.

Theo ông Miễn, do xảy ra tai nạn nhiều, vào những hôm trời mưa, ẩm, nên nhiều người dân sống hai bên đường dùng ghế nhựa và dựng biển báo để hạn chế xe ra vào.

Không nên học theo... Tây

Cho ý kiến về việc quận Hoàn Kiếm vừa có văn bản đề xuất nhân rộng lát đá xanh trên 11 tuyến phố cổ, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, ngoài Luật Di sản văn hóa, quản lý phố cổ hiện còn có Quy chế quản lý phố cổ. Do vậy quận Hoàn Kiếm cần căn cứ vào đây để thực hiện. Riêng việc quản lý các tuyến phố, quy chế nói rõ: chỉ cải tạo, tu sửa; có nghĩa cái đã có cơ quan quản lý, cần trùng tu cho tốt lên chứ không phải đào bỏ đi. Hơn nữa, mặt đường các tuyến phố cổ từ thời Pháp không lát đá, nay lại bóc mặt đường nhựa để thay bằng đá liệu có phù hợp và có đúng với bảo tồn.

Lý giải về việc xảy ra nhiều vụ tai nạn tại phố Tạ Hiện, ông Vũ Đức Chính, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cho rằng, ngoài những tối đi bộ cuối tuần, tuyến phố Tạ Hiện và hàng chục tuyến phố cổ khác vẫn là đường giao thông. Đã là đường giao thông thì nguyên tắc thông thường chỉ được thảm hai lớp mặt đường là bê tông Asphalt (bê tông nhựa) và bê tông xi măng. Ngoài tạo độ bám đường (ma sát) tốt, hai loại chất liệu này lại còn bền, chịu tải và thích nghi với mọi điều kiện thời tiết.

Cũng theo ông Chính, đá lát mặt đường trên thế giới chỉ sử dụng trong các khu phố, quảng trường chuyên đi bộ. Nếu lát đường để cho phương tiện giao thông đi lại là không an toàn vì độ ma sát kém. Hơn nữa việc lát đá mặt đường như Tạ Hiện hiện nay là sử dụng đá khổ bé, tự chèn; trong quá trình sử dụng ngoài tiêu thoát nước kém, đá còn có sự xô lệch, hư hỏng cao.

Chiều qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở đã nhận được văn bản của thành phố yêu cầu cho ý kiến về việc này. Theo ông Tân, các tuyến phố cổ trong đó có Tạ Hiện đang sử dụng là đường giao thông, đề xuất này ở góc độ quận nên còn phải nghiên cứu, đánh giá nhiều.

Ở góc độ cá nhân, theo ông Tân, việc lát đá xuống đường xuất hiện ở “thời trung cổ” (khi chưa có bê tông và nhựa), do vậy ở phương Tây họ đang khôi phục những khu phố này để giữ bản sắc và phục vụ đi bộ. Các tuyến phố cổ Hà Nội hầu hết được người Pháp xây dựng bằng công nghệ đổ bê tông và công nghệ này không khác nhiều so với hiện nay. Do vậy trùng tu, ta không nên thay đổi hiện trạng và học lát đá theo... Tây.

MỚI - NÓNG