Lập đội phản ứng nhanh ngăn dịch tả lợn xâm nhiễm vào Việt Nam

Diễn tập phòng và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Lào Cai
Diễn tập phòng và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam tại Lào Cai
TPO - Bộ NN&PTNT đã thành lập các đội phản ứng nhanh, ban hành kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ cao xâm nhiễm từ Trung Quốc và các nước vào Việt Nam.

Cục Thú y dẫn thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cho biết, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), với hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2/2019, nước này có 105 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Đặc biệt, 17/1 mới đây, một con lợn chết được tìm thấy trên đảo Mẫu Đơn Giang (đảo hoang), Liên Giang, Đài Loan cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Kết quả giải trình tự gien của vi rút này tương đồng 100% với vi rút dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc.

Ngoài ra, theo một số nguồn tin, khả năng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại một số nước trong khu vực nhưng chưa được thông tin chính thức. Như vậy, nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng ở các nước trong khu vực là rất cao.

Theo Cục Thú y, trên thế giới, những năm vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã lây lan rất nhanh từ nước này qua nước khác, chủ yếu do chim di cư tiếp xúc với lợn chết, có mầm bệnh được mang từ nơi này, nơi khác.

Tại Trung Quốc, qua nghiên cứu dịch tễ của 68 ổ dịch cho thấy, để dịch bệnh lây lan có tới 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc, 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.

Theo nhận định, nguy cơ cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam từ Trung Quốc và các nước khác là rất cao. Trong đó, đang lưu ý là các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc.

Cùng đó, các hoạt động giao thương, du lịch, xe cộ, phương tiện đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như các nước... sẽ khiến nguy cơ mang mầm bệnh vào Việt Nam. Hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị.

Lập đội phản ứng nhanh

Trước nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm, từ tháng 8/2018 đến nay, Bộ NN&PTNT, các địa phương đã thành lập hàng chục đoàn công tác liên ngành kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, ngăn chặn dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, như tại: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hòa Bình…

Lập đội phản ứng nhanh ngăn dịch tả lợn xâm nhiễm vào Việt Nam ảnh 1 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại Hà Nội, Hòa Bình

Bộ NN&PTNT cũng ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với loại dịch bệnh nguy hiểm trên. Trong đó, yêu cầu các địa phương trung ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.

Tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Cục Thú y thành lập 8 đội phản ứng nhanh, hướng dẫn lấy mẫu, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm… Đến hết tháng 1/2019, Việt Nam đã lấy trên 4.000 mẫu xét nghiệm, và tất cả đều cho kết quả âm tính dịch tả lợn châu Phi.

Việt Nam đã tạm dừng nhập khẩu lợn, sản phẩm của lợn từ các tỉnh (vùng) có bệnh theo thông lệ quốc tế từ Ba Lan, Hungary và Bỉ. 

Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) hỗ trợ về kỹ thuật và có dự án khẩn cấp về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho Việt Nam.

Phía Việt Nam cũng đề nghị FAO chủ trì, phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới (OIE) thành lập đoàn đánh giá rủi ro khẩn cấp để có giải pháp tổ chức kiểm soát phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.