Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, trên thế giới vẫn chưa có vắc xin phòng chống bệnh tả lợn châu Phi. Lợn “dính” virus gây bệnh nói trên gần như 100% chết, tuy nhiên loại bệnh này không gây sang người. Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ năm 2017 đến nay đã có 19 quốc gia xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, với gần 980 nghìn con lợn buộc phải tiêu hủy.
Dịch tả lợn đã xuất hiện ở nhiều tỉnh ở Trung Quốc, trong đó có những khu vực như Vân Nam, nơi cách biên giới với Việt Nam khoảng trên 100 km. Từ ngày 3/8 đến nay, Trung Quốc có 91 ổ dịch xuất hiện tại 21 tỉnh, trong đó hơn 630 nghìn con phải tiêu hủy.
Theo lãnh đạo Cục Thú y, loại dịch bệnh nguy hiểm trên xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao, đặc biệt là thông qua nhập lậu lợn. Tại Trung Quốc, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan đến các tỉnh phía Nam, gần với biên giới Việt Nam.
Bệnh cũng có thể lây lan qua các sản phẩm thịt đã chế biến chín như xúc xích do du khách Trung Quốc mang sang Việt Nam. Trước đó, cơ quan chức năng Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan đã phát hiện virus này trên xúc xích của du khách từ Trung Quốc mang đến.
Do nguy cơ dịch xâm nhiễm vào Việt Nam rất cao, nên Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động khẩn cấp ứng phó với loại bệnh dịch tả lợn châu Phi với hai tình uống, “chưa có” và “có” dịch bệnh nguy hiểm trên.
Theo đó, với kịch bản “chưa có” dịch, các lực lượng, cơ quan chức năng ở địa phương sẽ tập trung siết các hoạt động liên quan vận chuyển, buôn bán thịt, sản phẩm thịt lợn khu vực biên giới, kể cả hàng biếu tặng… Thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng và kiếm soát với cơ sở chăn nuôi.
Việt Nam sẽ tạm ngừng nhập khẩu lợn, các sản phẩm lợn, kể cả sản phẩm đã qua chế biến chín từ các tỉnh (vùng) có bệnh của các nước. Nghiêm cấm mang theo thịt lợn tươi sống hoặc sơ chế dưới dạng quà biếu, xách tay từ khách du lịch, người dân đi lại giữa Việt Nam và các nước.