Lão nông làm từ thiện bằng lúa

Ông Mai Văn Sáu và căn nhà cao ráo phòng lụt của bà Hạnh mà ông đã hỗ trợ xe đất, xi măng. Ảnh: Nguyễn Trang
Ông Mai Văn Sáu và căn nhà cao ráo phòng lụt của bà Hạnh mà ông đã hỗ trợ xe đất, xi măng. Ảnh: Nguyễn Trang
TP - Lão bán lúa, bán gà, bán vịt, lão chạy chân phụ hồ thuê, với ước mong kiếm tiền mỗi ngày để lo cho những đứa trẻ hiếu học, những người vô gia cư, người neo đơn… Lão nông dân ấy là ông Mai Văn Sáu, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

Người dân vùng quen gọi ông Mai Sáu. Ông Sáu đã 62 tuổi, nhưng vẫn cần mẫn với việc đồng áng, lại chạy vạy lo chuyện cơm áo gạo tiền, học hành của thiên hạ. Hồi nhỏ, ông nghỉ học sớm, đến năm 1985 về làm cho các công ty hải sản. Vòng xoay đời nông dân không thoát khỏi, ông về làm ruộng, chăn nuôi. Cái thời đói khổ, ông đi xin từng mành tre, dừa lá để lợp cái nhà cho vợ con nương náu.

Đến nay vất vả, ông cày cấy với 4 sào ruộng, 2 mảnh vườn trồng đủ thứ khoai, sắn,… Giờ thì ông nuôi thêm hơn 150 con gà, 100 con vịt lẫn một bầy lợn. Cuộc sống so với ngày trước đã khá hơn. Ông ngẫm: “Con cháu mình khổ quá, những người nghèo còn nhiều, những đứa trẻ không nơi nương tựa biết dựa vào ai”.

Hồi năm 30 tuổi, ông làm cho một khu công trình ở Quảng Ngãi, có những đứa trẻ nheo nhóc bám theo công trình xin phụ hồ kiếm tiền học. Ông Sáu thương tụi nó rồi ông tập hợp hết lại, cả thảy 14 đứa. Ông nhận nuôi cho ăn mỗi ngày, còn công việc, ông giới thiệu chúng ở nhiều công trình làm phụ hồ nhẹ nhàng kiếm tiền học. Ông kể: “Tôi đặt quy định từ 7 giờ đến 9 giờ tối, tất cả phải ngồi ở sàn nhà học vì hồi đó bàn ghế hiếm lắm. Có thằng bé chẳng chịu học, tôi bực quá, đánh hẳn mấy roi, sau này nó học siêng năng rồi giờ đi làm ở nước ngoài luôn, cứ hay điện thoại về hỏi thăm hoài”.

Rồi khi trở về quê hương Duy Thành, cảnh quê còn nghèo, ông lại bắt đầu lo lắng sự học cho những đứa trẻ, bởi ông hiểu rằng chỉ có học mới thoát nghèo. Duy Thành mỗi mùa lũ về, nước dâng ngập cả nhà, năm 2009, nước tràn nhà dân, nhiều người không có miếng ăn. Ông Sáu lại chèo thuyền đưa từng thùng mì tôm tới từng hộ gia đình.

Trả ơn cho đời

Từ 6 năm nay ông dành dụm tiền mua sách, vở cho những đứa trẻ, cho gạo người khó khăn rồi lại cho xi măng làm nhà. Mỗi năm ông làm 2 vụ lúa, còn khi thời tiết thuận lợi xen được vụ thứ 3 thì xem vụ 3 là vụ tích lũy, dùng nó đổi gạo lấy tiền mua sách, vở cho trẻ. Tiền bán heo, gà, vịt chia ra, một ít trang trải kinh tế gia đình, còn lại thì góp quỹ cả. 

Ở quê, mỗi lần có người nhờ vả gì, ông cũng làm, ông phụ hồ mỗi ngày và làm việc vặt để kiếm tiền. Ông tính: “Cứ mỗi ngày mình được chi 100 nghìn đồng thì tôi chỉ tiêu chừng 60 nghìn, còn lại 40 nghìn thì tích góp lại. Đến bây giờ tiền mua sách, vở tôi vẫn còn nợ người ta chưa trả được, nhưng có sao đâu, mọi người vui vẻ là tôi vui”.

Hơn 6 năm nay, ông đã chi ít nhất 600 triệu cho công tác từ thiện ở nhiều vùng ở Quảng Nam, Đắk Lắk,... Chưa kể nhiều khoản chi cho xi măng, đổ đất giúp người nghèo. Cứ gần tết, ông lại phát gạo, bánh tết, nước mắm, dầu ăn cho các gia đình khó khăn, 4 thôn ở xã Duy Thành, mỗi thôn đều 10 suất. Ngày Nhà giáo Việt Nam hay dịp tổ chức khuyến học ở các địa phương như xã Duy Vinh, xã Quế Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam),… ông lại mang sách, vở đến. 

Ông Sáu kể: “Hồi tôi qua phố cổ Hội An, thấy nhiều người bán rong quá, tôi nhờ một quán cơm làm cơm, sau đó, tôi kêu gọi hết những người nghèo đến ăn miễn phí. Chỉ trong vòng vài giờ đã có hơn 300 suất ăn bán ra”. Gặp người bị tai nạn trên đường, ông cũng chở đến viện, rồi giúp người ta ký nhận viện phí khi người thân chưa kịp đến.

Đến thăm gia cảnh nhà bà Trần Thị Hạnh, 42 tuổi, xã Duy Thành, chồng mất 8 năm trước vì tai nạn lao động, để lại 3 đứa con, đứa đầu học Đại học Sư phạm Quảng Nam, hai đứa nhỏ học phổ thông. Mỗi ngày bà đi phun thuốc rầy ở ruộng thuê cho người ta. Tiếp xúc với thuốc rầy, khiến thân hình bà thêm đen, ốm và đau triền miên. 

Cái nhà cấp 4 của bà bây giờ là tài sản duy nhất mà bà có. Bà nói: “Nhà xưa chỉ như cái lều, mỗi lần mưa lụt là ngập đến cả mét nước. Khi tổ chức phi chính phủ cho tôi tiền xây nhà, ông Sáu lại qua cho cả chục xe đổ đất để nâng cao nền nhà. Tiền tổ chức cho không đủ xây gác phòng mưa bão, ông Sáu lại cho xi măng xây thêm gác nhà. Mấy đứa con ăn học cũng được ông chăm sách, vở”.

Tương tự, nhà ông Phạm Hố (xã Duy Thành) cũng được ông Sáu cho xi măng đổ gác chống lụt. Không chỉ thế, hiện ông Sáu còn nhận đỡ đầu 3 đứa trẻ, đứa thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, đứa thì cha chết, mẹ đau, số phận long đong như đèn trước gió. “Rất nhiều đứa trẻ từ tay tôi giúp đỡ thành đạt đã quay lại để giúp đỡ nhiều đứa trẻ khác hơn”, ông Sáu cho biết.

Bà Nguyễn Thị Xuân, Chủ tịch Hội khuyến học huyện Duy Xuyên, kể: “Năm 2014, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên có trường hợp nhà em Nguyễn Văn Đình, cha em mất sớm, mẹ bị ốm đau, nhà có 2 anh em, đứa em nhỏ Nguyễn Thị Lan Trinh. 

Thấy ông Sáu lên phát quà cho mấy đứa ở huyện xong, tôi bảo ông xem giúp nhà em Đình. Ông ấy đến thấy căn nhà như cái lều. Ông Sáu cho tiền ăn học, rồi cho tiền nhờ người mua xi măng đến lát lại cái sân, che mái tôn cho nhà khỏi mưa dột”. Từ đó, hai em gắng học hành vừa phụ mẹ dệt chiếu kiếm tiền. Hiện nay em Đình đã vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.