Lão nông biến rừng nghèo thành rừng 'vàng'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khu trang trại của ông Pay Cả Nam ở bản Xiềng Nứa (xã Yên Na, huyện Tương Dương, Nghệ An) ngoài các loại gỗ trồng như lát, xoan, keo… còn có một rừng săng lẻ tự nhiên khoảng 10 nghìn cây. Đây là những “báu vật” mà qua hơn 2 thập kỉ đã giúp gia đình ông vượt khó khăn và có cuộc sống khá giả hôm nay.

Từ bản Xiềng Nứa, men theo sườn đồi, chúng tôi đi bộ chừng 30 phút để tới trang trại của ông Pay Cả Nam. Hai bên lối mòn, những hố vàng ngày trước của “vàng tặc” để lại còn in hằn nham nhở. Xã Yên Na ngày trước được coi là rốn vàng của Nghệ An nên cũng chẳng lạ lẫm gì khi những vết thương của các cuộc tranh giành tài nguyên còn để lại trên các cánh rừng.

Ông Pay Cả Nam chỉ cho khách xem vườn tràm mà ông đã trồng được hơn 2 năm. “Tôi từng thu hoạch mấy lứa tràm, mấy lứa xoan đủ để trang trải cho mấy đứa con lập gia đình và mấy đứa cháu ăn học, thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nếu thu hoạch thêm cá dưới ao, gà ngoài chuồng và cây săng lẻ trên rừng thì có thể gọi là hộ giàu”, ông Nam cưới nói.

Lão nông biến rừng nghèo thành rừng 'vàng' ảnh 1

Ông Nam chăm sóc cơ ngơi tiền tỉ của gia đình.

Dẫn chúng tôi lên đồi săng lẻ, nơi mà ông Pay Cả Nam tự hào nhất và xem như báu vật của trang trại này. Những cây săng lẻ đang mùa thay lá đẹp không tả nổi. Sau một thời gian “ngủ đông”, những cây săng lẻ bỗng nhiên trút bỏ chiếc áo xanh biếc để khoác lên mình chiếc áo đỏ, vàng mơ mộng. Một sự “xâm thực” màu sắc đang diễn ra trên từng chiếc lá. Ông Pay Cả Nam cho biết: “Những cây chưa trút hết lá là loại săng lẻ chun, một loại gỗ quý mà bất cứ tay lâm tặc nào cũng đều thèm khát”.

Cánh rừng này có đến 10 nghìn cây, cây nào cây ấy thẳng vút, đường kính chừng 60 cm, khoảng cách đều nhau. Phía dưới được ông Nam phát quang và chăm sóc kỹ lưỡng. “Có nhiều lần, người ta vào gạ gẫm lão bán vài cây để về làm nhà nhưng lão không bán. Lại cũng có người đòi mua cả trang trại này với giá dăm tỉ nhưng cái tính của lão không có rừng không chịu được. Mất một cây săng lẻ thôi là về ăn không ngon, ngủ không yên rồi. Công sức 24 năm của ông bà đổ vào đây là để giữ làm kỷ niệm. Cây tràm, lát, xoan có thể bán nhưng săng lẻ thì tuyệt đối không” , lão nông Pay Cả Nam cương quyết.

Lão nông biến rừng nghèo thành rừng 'vàng' ảnh 2

Rừng săng lẻ của gia đình ông Pay Cả Nam.

Ngồi giữa cơ ngơi giá trị tiền tỉ của mình, ông Pay Cả Nam nhớ lại, năm 1996, ông vào khu vực khe Hoọng Hao và núi Phá Vạnh để xin khoanh nuôi 30 ha rừng. Lúc bấy giờ, ở đây chỉ còn rừng non bởi nạn khai thác gỗ đã khiến cánh rừng trở nên kiệt quệ. Ban đầu ông trồng tre mét, rồi trồng xoan, ươm cây lát hoa để lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy cánh rừng săng lẻ phía trên đồi đã mọc cao, ông bàn với vợ khoanh lại để bảo vệ.

“Thấy tôi khoanh rừng lại để bảo vệ mấy nghìn cây săng lẻ mọc hoang dại, làng xóm bảo tôi bị gàn dở. Mặc, không bảo vệ thì không có rừng, không có rừng thì con cháu sau này lấy gì ăn”, ông Nam cười nói.

Và cứ thế, năm này sang năm khác, ông già đi nhưng cây săng lẻ cứ dần dần cao vút, thẳng đứng giữa đại ngàn. Số tiền ông đổ vào rừng săng lẻ ấy cũng đã ngót hơn 100 triệu. Ông kể: “Tôi gom góp lại cũng dựng được 2 căn nhà, nhưng do cần tiền để chăm sóc rừng săng lẻ này nên đã bán một căn, một căn còn lại để cho con. Hai ông bà vào đây ở cho thoải mái và cũng để giữ rừng luôn. Mấy lần thiếu tiền mua vật liệu khoanh lại rừng săng lẻ phải bán hết cả gia súc, gia cầm nữa ấy chứ. Nhưng giữ được rừng thì tốn bao nhiêu tiền cũng thấy thoải mái”.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.