Trồng cây dược liệu giúp người nông dân phát triển làm giàu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhiều hộ dân tại xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ mô hình trồng cây dược liệu kim tiền thảo.

Những vùng đất bạc màu, cằn cỗi, chỉ trồng lúa 2 vụ tại xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) nay được phủ xanh, cho thu nhập cao khi người dân chuyển sang trồng cây dược liệu kim tiền thảo. Loài cây này được đánh giá năng suất, thu nhập cao gấp 3-4 lần trồng lúa.

Theo người dân, nếu trồng lúa mỗi năm 2 vụ, mỗi vụ bình quân đạt 2,5 tạ lúa/sào. Tính giá bán lúa khô khoảng 600.000 đồng/tạ thì mỗi sào một năm sẽ cho thu nhập 3 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư đã khoảng 1 triệu đồng/sào. Còn trồng cây dược liệu, mỗi sào bình quân đã cho thu nhập từ 9-10 triệu đồng/sào/vụ.

Trồng cây dược liệu giúp người nông dân phát triển làm giàu ảnh 1

Một góc trồng cây kim tiền thảo của người dân xã Cẩm Vịnh.

Dự án trồng cây dược liệu bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2015 tại một số xã ở huyện Cẩm Xuyên và huyện Thạch Hà. Trong đó, có mô hình liên kết giữa xã Cẩm Vịnh với Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh. Sau 7 năm chuyển đổi, hiện nay cây kim tiền thảo trở thành một trong những giống cây phát triển kinh tế chủ lực của địa phương, đặc biệt toàn bộ được trồng theo phương thức không phun thuốc hoá học.

Kim tiền thảo mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 3 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 2 ngày. Vì sau khi thu hoạch phải được phơi khô, cắt ngắn nên người dân chọn những thời điểm có nắng nóng họ mới thu hái.

Trồng cây dược liệu giúp người nông dân phát triển làm giàu ảnh 2

Sau khi cắt trừ phần gốc, người dân đưa về nhà để chặt nhỏ và phơi khô.

Việc thu hoạch cây kim tiền thảo cũng đơn giản, chỉ cần sử dụng liềm, cắt trừ phần gốc, sau đó đưa về nhà cắt nhỏ thành từng đoạn 4 - 5cm rồi phơi khô, đóng gói bán cho công ty dược. Mỗi năm có 3 đợt thu hoạch ước tính tổng sản lượng đạt 7 - 8 tạ/sào cây dược liệu khô.

Bà Nguyễn Thị Văn (71 tuổi), Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất an toàn và Dịch vụ thương phẩm xã Cẩm Vịnh cho hay, đối với loài cây dược liệu này chu kỳ sinh trưởng ngắn, bà con bắt đầu xuống giống từ cuối tháng 3, sau gần 2 tháng gieo trồng sẽ cho thu hoạch lần 1. Sau mỗi lần thu hoạch sẽ bón phân chờ khoảng 20-30 ngày tiếp theo sẽ cho thu hoạch lần 2.

“Giá bán hiện tại thu mua sau khi thành phẩm phơi khô là 16.000 đồng/kg, người nông dân có thu nhập 9-10 triệu đồng/sào/vụ, lãi gấp 3-4 lần trồng lúa truyền thống. Dân nơi đây có thêm thu nhập nên ai cũng vui mừng phấn khởi” bà Văn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hải (trú xã Cẩm Vịnh) đánh giá, việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây kim tiền thảo là một hướng đi rất phù hợp, đẩy mạnh phát triển kinh tế trên mảnh đất trước nay vốn dĩ chỉ trồng lúa hoặc bỏ hoang.

“Việc trồng dược liệu tại vùng đất này rất phù hợp, cây phát triển tốt, không mất công sức hay đầu tư chi phí nhiều. Gia đình tôi có hơn 1 sào diện tích đất trồng lúa, nay chuyển sang trồng cây kim tiền thảo mỗi năm cho thu nhập trên 9 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa. Vì cho thu nhập khá cao nên một số hộ dân còn mở rộng diện tích trồng tại vườn nhà”, ông Hải nói.

Trồng cây dược liệu giúp người nông dân phát triển làm giàu ảnh 3

Sau khi thu hoạch xong cây kim tiền thảo được chặt nhỏ để phơi khô đóng gói tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Cẩm Vịnh cho rằng, cây dược liệu kim tiền thảo trồng tại Cẩm Vịnh được liên kết với Công ty CP Dược Hà Tĩnh nên sau khi thu hoạch bà con không phải lo đầu ra.

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.