Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar. (Ảnh: Reuters) |
Cam kết được đưa ra trong cuộc gọi video hôm 26/1 với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, cho thấy một sự nhượng bộ trong tiến trình giải quyết bế tắc từ khi quân đội Myanmar chiếm quyền từ chính phủ dân sự do đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đứng đầu.
Ông Min Aung Hlaing không nêu tên thành viên nào của NLD sẽ gặp đặc phái viên, ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng phụ trách văn phòng Thủ tướng Hun Sen cho biết.
“Họ nói trong cuộc họp giữa Thủ tướng của chúng tôi với tướng Min Aung Hlaing, rằng sẽ cho phép tiếp cận một số người của NLD, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết là ai”, ông Kao Kim Hourn nói với Reuters.
Phát ngôn viên của chính quyền quân sự Myanmar không phản hồi đề nghị bình luận.
Để tất cả các bên liên quan tham gia đối thoại là một trong những yêu cầu chính trong tiến trình hoà bình gồm 5 điểm mà ASEAN thông qua từ năm ngoái.
Ông Kao Kim Hourn thừa nhận khó có khả năng đặc phái viên – Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn sẽ gặp bà Aung San Suu Kyi ngay trong chuyến đi đầu tiên. Bà Suu Kyi bị bắt từ lúc xảy ra đảo chính và đang bị buộc nhiều tội danh hình sự.
“Mục tiêu lý tưởng là gặp tất cả những người quan trọng liên quan, nhưng có thể sẽ không thể diễn ra trong một chuyến đi mà cần nhiều lần. Sẽ rất tốt nếu có cả bà Suu Kyi”, ông Kao Kim Hourn nói.
Mấy chục đảng viên của NLD vẫn bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính.
Nay Phone Latt, phát ngôn viên của nhóm lãnh đạo lưu vong còn lại của NLD, nói rằng bất kỳ cuộc gặp nào với đặc phái viên ASEAN cũng cần sự đồng ý của đảng này.