Tiếp bài: Công trình chống ùn tắc - “tắc” đến bao giờ?

Lãnh đạo Hà Nội nên ra công trường

Đã chậm gần 3 năm và gây tắc đường liên miên nhưng dự án mở rộng đường Vành đai 2 qua Trường Chinh vẫn mịt mù ngày về đích.
Đã chậm gần 3 năm và gây tắc đường liên miên nhưng dự án mở rộng đường Vành đai 2 qua Trường Chinh vẫn mịt mù ngày về đích.
TP - Đánh giá về tình trạng giao thông ùn tắc do các dự án giao thông triển khai ì ạch, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xem lại năng lực của các Ban Quản lý (BQL) dự án; lãnh đạo thành phố nên thường xuyên xuống dự án, công trình để kiểm tra, nắm bắt thực tế.

Một ban ôm gần 10 dự án “rùa bò”

Có mục tiêu giải quyết ùn tắc, trong lộ trình giảm ùn tắc cho giao thông thành phố giai đoạn từ 2016 đến 2020, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch triển khai hàng loạt dự án mang tính cấp bách, trọng điểm. Hầu hết các dự án đều được giao cho 2 đơn vị triển khai, gồm: BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Hà Nội. Riêng BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội được giao nhiều nhất, với trên 10 dự án, trong đó có các dự án được Tiền Phong phản ánh trong cụm bài “Công trình chống ùn tắc - tắc đến bao giờ?” như: đường Mai Dịch - cầu Thăng Long, cầu vượt nút giao An Dương; đường Vành đai 2 trên cao, cầu cạn Vành đai 3 vượt hồ Linh Đàm, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Với dự án mở rộng đường Mai Dịch - cầu Thăng Long, tại lễ khởi công dự án ngày 5/10/2016, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao nhiệm vụ cho chủ đầu tư, các đơn vị liên quan chậm nhất 31/12/2016 phải xong công tác GPMB, đảm bảo hoàn dự án hoàn thành đúng tiến độ vào quý I/2018, sau đó giao mặt bằng bên dưới để Bộ GTVT triển khai dự án đường trên cao bằng nguồn vốn vay ODA. Tuy Chủ tịch thành phố chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế dự án những ngày qua như đại công trường. Còn theo tiến độ mới nhất vừa được đại diện BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư) đưa ra, Ban đang cố gắng hoàn thành dự án vào cuối tháng 12 năm nay.

Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc BQL dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), Bộ GTVT (chủ đầu tư đường trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long) cho rằng, dự án đường dưới thấp bị chậm đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án đường Vành đai 3 trên cao. Không những vậy, ông Roãn còn nêu thực tế ngân sách nhà nước có thể còn bị phạt một khoản lớn do việc chậm tiến độ mặt bằng gây ra. Cụ thể, Giám đốc PMU Thăng Long cho hay, dự án đường trên cao đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, theo thỏa thuận hợp đồng đã ký với 2 nhà thầu của Nhật Bản đến thời điểm 23/4 là hết 6 tháng hợp đồng chuẩn bị các thủ tục thi công. Theo điều khoản hợp đồng đã ký, hết 6 tháng bên vay tiền (đại diện nhà nước là Bộ GTVT) không bàn giao mặt bằng dự án thì 2 nhà thầu sẽ phạt tiến độ, xấu hơn là sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng, cùng với đó nhà nước sẽ mất số tiền họ đã đối ứng (tạm ứng) trước.

Lãnh đạo nên đi kiểm tra, nắm bắt thực tế

Theo tiến độ dự án mở rộng đường Vành đai 2 đoạn Trường Chinh lẽ ra phải hoàn thành từ năm 2015, tuy nhiên hiện dự án vẫn còn vướng mặt bằng và thi công chưa xong. Đến nay dự án vướng nhà của hơn 100 hộ dân tại nút Ngã Tư Vọng và Tôn Thất Tùng. Về lý do chưa chịu di dời, nhiều hộ dân ở đây cho biết, giá đền bù thấp hơn giá thị trường nên họ không chấp nhận. Người dân cũng muốn được đối thoại với lãnh đạo thành phố để tìm giải pháp phù hợp nhất. Đã nhiều năm trôi qua, ngoài nhận được những chỉ đạo bằng văn bản, các hộ dân ở đây cho biết chưa thấy bất kỳ lãnh đạo thành phố nào xuống kiểm tra, nắm bắt thực trạng dự án.

Lãnh đạo UBND quận Đống Đa cho biết, giá nhà đất theo thị trường hai bên đường Trường Chinh đang được chào bán với từ 100 đến 150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên giá đền bù theo khung của thành phố chỉ vài chục triệu, do vậy nhiều hộ dân chưa đồng ý, muốn đối thoại với lãnh đạo thành phố. “Vừa rồi, qua nắm bắt ý kiến của người dân và nghiên cứu các chủ trương, chính sách về đền bù đất hiện hành, quận đã đề xuất thành phố cho các hộ dân ở đây được hưởng chính sách đền bù theo hệ số K (hệ số tính toán giá đền bù đất cao nhất tại Hà Nội). Đến nay phần lớn các hộ dân đã đồng thuận, với các hộ chưa đồng thuận cuối tháng 5 này quận Đống Đa sẽ cưỡng chế”, đại diện lãnh đạo UBND quận Đống Đa thông tin.

Đánh giá về việc triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, TS Nguyễn Hồng Minh, trường ĐH GTVT cho rằng, các đơn vị đang thực hiện một cách dàn trải, ở không có trọng điểm. Sở dĩ có chuyện này, ông Minh cho rằng, đang có tình trạng một ban “ôm” quá nhiều dự án, dẫn đến khó tập trung để làm tốt. Ví như BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, đang được giao tới hơn 10 dự án, trong đó có dự án đã triển khai ở hiện trường, có dự án đang lập thiết kế. Tuy nhiên, qua báo chí chúng tôi được biết, tất cả các dự án này đều bị chậm và đều không hoàn thành tiến độ. Hệ quả này cả bên giao dự án và bên nhận dự án đều phải nhận trách nhiệm. Thành phố Hà Nội nên xem lại việc phân nhiệm vụ các BQL và tình trạng một ban được giao nhiều dự án nhưng triển khai chậm, yếu.

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đề nghị, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho dự án, thay vì để cấp dưới làm văn bản báo cáo lên, lãnh đạo thành phố và các sở ngành nên thường xuyên đi thực tế, kiểm tra hiện trường. Có mặt tại dự án, lãnh đạo thành phố không chỉ mắt thấy tai nghe những tồn tại, từ đó đưa ra các chỉ đạo được sát sao, mà việc xuất hiện của mình cũng làm cho các đơn vị thi công, nhân dân tại khu vực dự án thấy được cấp bách, quyết tâm. “Mang tính chất giải quyết bức xúc dân sinh, nhưng các dự án giao thông của Hà Nội trong vài năm trở lại đây, chúng tôi thấy rất ít khi lãnh đạo thành phố xuất hiện tại các công trường”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nêu thực tế.

Đánh giá về việc triển khai các dự án giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, TS Nguyễn Hồng Minh, trường ĐH GTVT cho rằng, các đơn vị đang thực hiện một cách dàn trải, ở không có trọng điểm. Sở dĩ có chuyện này, ông Minh cho rằng, đang có tình trạng một ban “ôm” quá nhiều dự án, dẫn đến khó tập trung để làm tốt.

MỚI - NÓNG