Ngày 23/12, ông Nguyễn Ngọc Quang - Phó chủ tịch UBND huyện Chư Păh cho biết trước đó, huyện đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm, UBND xã Chư Đăng Ya (Chư Păh) phối hợp với ngành chức năng huyện Đắk Đoa phải kịp thời phát hiện, xử lý việc mất rừng.
Tuy nhiên, các đơn vị này thực hiện chưa nghiêm chỉ đạo. Bởi vậy, huyện đã đã có văn bản giao Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm vụ việc, sau đó đề xuất có biện pháp xử lý tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm.
Theo ông Quang, huyện Chư Păh đã có báo cáo ban đầu vụ việc phát hiện khai thác gỗ trái phép trên địa bàn xã Chư Đăng Ya. Cụ thể; Tại bãi đất trống khu vực phía Đông làng Ya, xã Chư Đăng Ya phát hiện 12 lóng gỗ tròn, khối lượng 7,642m3m (nhóm gỗ từ 5 đến 6); Tại lô 2, khoảnh 5, tiểu khu 250 thuộc lâm phần do UBND xã Chư Đăng Ya quản lý phát hiện 8 lóng gỗ tròn, khối lượng 8,931m3 (nhóm gỗ từ 5 đến 6).
Hiện trường lâm tặc khai thác gỗ trái phép
Tại lô 1, khoảnh 11, tiểu khu 208 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa (nằm tại xã Đắk Tơ Ver, huyện Chư Păh) phát hiện 4 lóng gỗ tròn, khối lượng 4,098m3 (nhóm gỗ từ 5 đến 6); Cũng tại tiểu khu 208 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa phát hiện 10 gốc cây bị hạ; Tại tiểu khu 431 thuộc xã Đắk Krong, huyện Đắk Đoa quản lý phát hiện 6 gốc cây bị đốn hạ. Tất cả các gốc có đường kính từ 35cm đến 90cm.
Đối với cung đường lâm tặc dùng máy múc khoét núi, ông Quang cho rằng rất khó phá hủy. Bởi khi lực lượng chức năng san ủi, phá đường thì lâm tặc vẫn dùng máy múc đào lại. Về việc để mất rừng, trước mắt UBND xã Đắk Tơ Ver, Ban quản lý rừng 661 Tây Bắc Đắk Đoa phải chịu trách nhiệm trước huyện.
“Huyện đã ký văn bản giao Công an điều tra điều tra việc có tiếp tay hay không giữa chủ rừng và các đối tượng lâm tặc. Để làm sáng tỏ việc này phải tìm ra chủ gỗ, lấy lời khai. Đến ngày 26/12/2017 huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Công an, Viện Kiểm sát nhân dân cùng các đơn vị chức năng liên quan vào khám nghiệm hiện trường”- Ông Quang cương quyết.