Lãnh đạo EVN cảnh báo sau năm 2020 sẽ thiếu điện

Với tốc độ tăng tiêu thụ điện cao trong các năm, việc cấp điện sau năm 2020 của EVN sẽ gặp nhiều khó khăn
Với tốc độ tăng tiêu thụ điện cao trong các năm, việc cấp điện sau năm 2020 của EVN sẽ gặp nhiều khó khăn
TPO - Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri đưa ra cảnh báo sau năm 2020 sẽ thiếu điện tại buổi công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/11.

Cảnh báo của lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra trong bối cảnh nhiều vấn đề của ngành điện chưa được tháo gỡ trong khi tốc độ tăng sử dụng điện liên tục tăng cao. 

Về việc đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, năm 2019 là năm được dự báo có nhiều khó khăn với ngành điện trong bối cảnh nhiều hồ thủy điện đến nay không tích đủ nước, nguồn cấp khí và than đang suy giảm.

Theo ông Tri, theo tính toán của EVN, năm 2019 sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Vừa rồi cơn bão vào miền Trung cũng chỉ vào thành phố, không vào các miền núi nên lượng nước về hồ thủy điện không có. Năm 2017, EVN có lãi vì nhờ hơn 10 tỷ kWh điện phát từ thủy điện. Nhưng năm 2019 tình hình sẽ rất khác khi riêng thủy điện ước tính bị hụt phát do thiếu nước lên tới hơn 3,8 tỷ kWh. Để đảm bảo cấp điện thì sẽ phải huy động nhiệt điện than và khí với chi phí sản xuất lên tới trên 5.000 đồng/kWh.

Lãnh đạo EVN cũng cho hay, trong quy hoạch điện hiện nay, nhu cầu điện ở khu vực phía Bắc tăng rất nhanh khiến nhiều khu vực bị quá tải. Về cơ bản công suất điện chúng ta sẽ đảm bảo đủ nhưng sẽ phải huy động nhiệt điện than và khí thì sẽ khiến giá thành điện tăng rất nhanh. “Vấn đề khi đó giá thành điện thế nào thôi. Sau 2020 nếu không giải quyết các vấn đề, thiếu điện là chắc chắn khi mấy năm gần đây không có bất cứ một công trình điện nào được khởi công”, ông Tri nói.

Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn, hiện Bộ Công Thương đang xây dựng phương án cấp điện cho 2019. Bộ cũng chỉ đạo EVN xây dựng 4 phương án tương ứng 2 cấp độ tăng trưởng sử dụng điện. Phương án thấp là tăng trưởng 9,94% và phương án tăng trưởng sử dụng điện cao nhất là 10,64%. Vận hành hệ thống điện năm 2018 có nhiều khó khăn. Nhiều hồ thủy điện lượng nước về hồ thấp hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng đến đầu 2019 sẽ không tích đủ nước so với mực nước dâng bình thường. Cùng đó các mỏ khí của Việt Nam cũng đã có sự suy giảm và ảnh hưởng đến việc cấp khí cho sản xuất kinh doanh điện. Bộ đã chỉ đạo EVN và các đơn vị như PVN, TKV xây dựng các kịch bản để cung cấp đủ khí, than cho sản xuất điện năm 2019.

“Cơ bản cung cấp điện năm 2019 sẽ được đảm bảo nhưng ở những thời điểm sẽ cao sẽ phải huy động một lượng lớn điện phát từ dầu. Trong đó theo phương án tối ưu là 9,94% và tần suất nước về là 64% thì sẽ phải huy động sản lượng điện sản xuất từ dầu lên tới 3 tỷ kWh. Còn với trường hợp xấu, tỷ lệ huy động điện dầu sẽ cao hơn rất nhiều và các chi phí này sẽ tính hết vào giá điện”, ông Tuấn cho hay.

Về việc TKV đề xuất tăng giá bán than cho sản xuất điện từ 4-5% trong năm 2019, ông Tuấn cho hay, theo quy định TKV sẽ phải đàm phán với EVN và thực hiện kê khai giá vì việc tăng giá than chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN. Khi tính toán, kiểm soát chi phí sản xuất điện của EVN chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ các chi phí đầu vào của các đơn vị.

Nặng gánh bù lỗ giá điện cho các huyện, xã đảo

Theo công bố của Bộ Công Thương, đáng chú ý, trong năm qua EVN phải gánh “bù lỗ” cho rất nhiều chi phí kinh phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện, xã đảo khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Mức giá điện bán theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,99% đến tối đa 34,03% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi giá bán điện của EVN chịu lỗ rất lớn, chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất như tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Cụ thể giá thành sản xuất điện tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lên tới 5.283,86 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân cho người dân tại đây chỉ ở mức 1.581,32 đồng/kWh. Tại huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu), giá thành sản xuất điện là 4.805,04 đồng/kWh nhưng  cũng chỉ được bán theo quy định với giá 1.635,26 đồng/kWh.

Tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), giá thành sản xuất điện lên tới 72.552,24 đồng/kWh nhưng EVN chỉ được phép bán với giá 1.635,57 đồng/kWh. Còn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), giá sản xuất điện lên tới 8.135,14 đồng/kWh nhưng cũng chỉ được bán với giá 1.851,35 đồng/kWh. Huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị giá điện sản xuất của EVN là 13.475,56 đồng/kWh nhưng cũng chỉ bán với giá 1.706,85 đồng/kWh. Giá sản xuất điện tại Đảo Bé (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Nam) là 9.489,57 đồng/kWh và được bán với giá chỉ 1.459,09 đồng/kWh. Nhiều xã đảo thuộc tỉnh Khánh Hòa cũng có chi phí sản xuất điện lên tới 15.922,38 đồng/kWh. Tính chung tổng khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các xã, huyện đảo nêu trên lên tới 184,33 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.