Lãng phí vô hình trong đào tạo tại các trường đại học Việt Nam

Đang có sự lãng phí vô hình trong đào tạo tại các trường ĐH Việt Nam
Đang có sự lãng phí vô hình trong đào tạo tại các trường ĐH Việt Nam
TPO - Kết quả nghiên cứu thực trạng tâm thế của sinh viên đại học trên địa bàn Hà Nội cho thấy chỉ khoảng 40% hiểu rõ mình cần phải học thật, làm việc thật khi học ĐH như thế nào để có kết quả tốt.   

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Đăng Minh (nhóm nghiên cứu Quản trị tinh gọn Made in Vietnam, ĐH Quốc gia Hà Nội) vừa công bố kết quả nghiên cứu Tâm thế sinh viên đại học trong học tập và rèn luyện. Nhóm đã lấy dữ liệu dựa trên kết quả khảo sát (phiếu điều tra) trên 300 sinh viên đang học và đã tốt nghiệp ĐH (từ 1 đến 3 năm) tại 50 trường ĐH trên cả nước (30 trường ĐH phía Bắc, 10 trường ĐH miền Trung, 10 trường ĐH miền Nam để xác định thực trạng của Tâm thế sinh viên ĐH hiện nay. Đồng thời nhóm tác giả thực hiện phỏng vấn chuyên sâu 50 sinh viên, các nhà quản trị, quản lý cao cấp, các nhà nghiên cứu về giáo dục tại 10 trường ĐH và lãnh đạo của 20 doanh nghiệp để tìm hiểu thực trạng của sinh viên ra trường, đang làm việc tại các doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu đã đưa ra một số con số khá bất ngờ và thú vị.

Thứ nhất, theo nhóm nghiên cứu, một số sinh viên chưa nhận thức được ý nghĩa của việc lên lớp và làm bài tập đầy đủ cũng như cách thức lên lớp và làm bài tập khoa học để đạt kết quả tốt nhất. Khi được hỏi câu hỏi về hiểu ý nghĩa của việc tham gia lên lớp và làm bài tập về nhà chỉ có gần 60%  sinh viên cho rằng những hoạt động đó là có ý nghĩa. Hơn 40% sinh viên còn lại cho rằng học trên lớp và làm bài tập về nhà đang quá nhiều và cứng nhắc.

Với câu hỏi cần phải lên lớp như thế nào và làm bài tập về nhà như thế nào để đạt hiệu quả thì có tới gần 60% sinh viên không có câu trả lời phù hợp.

Thứ hai, đối với việc tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và cách thức thực hiện nghiên cứu khoa học, chỉ có 19% sinh viên thể hiện được sự hiểu ý nghĩa của tham gia nghiên cứu khoa học. Các câu trả lời nhiều nhất cho rằng đây không phải là một nội dung bắt buộc và sinh viên chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nhà trường hoặc giảng viên. Một số câu trả lời còn cho rằng đây là hoạt động phức tạp và làm mất thời gian.

Thứ ba, nghiên cứu cũng cho thấy hoạt động ngoại khóa và các hoạt động xã hội của sinh viên mới chỉ dừng ở mức độ phong trào. Dường như sinh viên có mong muốn dành nhiều thơi gian tham gia các hoạt động ngoại khóa nhiều hơn là cho việc tham gia nghiên cứu khoa học. Hầu hết các câu trả lời chỉ dừng lại ở việc liệt kê các hoạt động trong quá trình tham gia mà không chỉ ra được cách thức tiếp cận chủ động của mình để thu hoạt được những kiến thức, kỹ năng thông qua các hoạt động ngoại khóa.

Tiếp đến là tỷ lệ sinh viên hiểu ý nghĩa và cách thức tìm hiểu nghề nghiệp mong muốn làm trong tương lai, doanh nghiệp mong muốn được gia nhập sau khi ra trường chưa cao. Tuy có tới 80% sinh viên nhận thấy sự cần thiết của việc tìm hiểu về nghề nghiệp lĩnh vực yêu thích và mong muốn được làm trong tương lai nhưng chỉ có 47%  sinh viên cho rằng cần tìm hiểu nghề nghiệp yêu thích, lĩnh vực mong muốn được làm việc trong tương lai như thế nào để có thể theo đuổi và thực hiện tốt.

Việc học tập và rèn luyện các kỹ năng mềm cũng mới chỉ ở mức phong trào, chưa đi vào nhu cầu thực sự. Có khoảng 78% sinh viên cho rằng chỉ tập trung về việc tham dự các chương trình đào tạo kỹ năng mềm chung chung như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng bán hàng, kỹ ăng làm việc nhóm và chỉ có 22% câu trả lời hiểu thực sự cần tìm kiếm những kỹ năng cụ thể, phù hợp với yêu cầu công việc trong tương lai và rèn luyện chúng để vận dụng vào cuộc sống.

Lãng phí vô hình

Từ những kết quả trên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra một số nguyên nhân. Bên cạnh yếu tố cá nhân thì theo nhóm nghiên cứu còn có một nguyên nhân nữa là người học chưa được giáo dục để nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng thực sự của mỗi nội dung học tập, rèn luyện của mình.

“Một số chuyên gia nhân sự khi phỏng vấn sinh viên mới ra trường nhận thấy sinh viên chỉ thích học và tìm hiểu các môn như Marketing, Tài chính mà không hề quan tâm tới những môn như Kinh tế vĩ mô, Kinh tế vi mô, Pháp luật... do cho rằng những môn học đại cương như vậy không thực sự cần thiết và ít khi sử dụng. Khi sinh viên chưa được hướng dẫn để thấu hiểu mọi môn học, mọi hoạt động của nhà trường trong thời gian học đại học đều có ích cho bản thân họ như thế nào thì các hoạt động đó đến với sinh viên như một lẽ tự nhiên và hoang toàn mang tính một chiều, thiếu sự tiếp nhận chủ động nên dẫn đến sự phản ứng và tương tác không như kỳ vọng” – nhóm nghiên cứu đánh giá.

Một hệ lụy kéo theo của việc không thấu hiểu việc học có ích cho bản thân là việc chưa học thật, làm thật tất cả các công việc đó...

Từ thực trạng và nguyên nhân, nhóm nghiên cứu cho rằng có thể thấy những chi phí lãng phí trong giáo dục hiện tại hướng chủ yếu tới các chi phí lãng phí vô hình là lãng phí về tư duy, lãng phí về phương pháp và lãng phí về cơ hội. Do đó, nhóm nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, nhà trường doanh nghiệp đối với việc giáo dục hình thành tâm thế của sinh viên. Sự kết hợp 3 miền giáo dục này thông qua chính sách đào tạo giúp sinh viên có đầy đủ tâm thế trong các hoạt động khác nhau xoay quanh cuộc sống của sinh viên.

Theo đánh giá, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Một số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho rằng khả năng giải quyết vấn đề, nhiệm vụ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp ĐH đang ở dưới mức trung bình. Những chỉ báo trên đã nêu lên thực trạng tư duy cùng phương pháp học tập, rèn luyện của sinh viên hiện nay đang chưa mang lại hiệu quả theo các yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và xã hội. Điều này gây ra sự lãng phí to lớn cho toàn xã hội và cho chính các sinh viên.

MỚI - NÓNG