Tại buổi họp, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc khẳng định, tại Vạn Phúc hiện đang có 110 cửa hàng kinh doanh lụa, có hơn 400 hội viên.
Ông Hà thừa nhận không nắm được các chủ hộ nằm ngoài hiệp hội, nhưng "không có chuyện làng Vạn Phúc chỉ bán lụa nhập từ Trung Quốc mà không dệt lụa. Bởi trong hiệp hội hiện vẫn có 264 máy dệt đang hoạt động".
Theo ông Hà, từ những năm 2005 khi địa phương có chính sách hỗ trợ và tập trung phát triển làng nghề truyền thống, các cửa hàng chủ yếu bán buôn khắp cả nước chứ không đưa hàng lên phố Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) bán nữa. Như vậy, từ thời gian này, làng Vạn Phúc đã không còn cấp lụa cho Khaisilk nữa.
Để hỗ trợ bà con làng nghề Vạn Phúc, đồng thời để bảo vệ và phát triển làng nghề nức tiếng một thời cả nước, ông Hà đề nghị nhà nước nên có quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tơ tằm ổn định và chất lượng để phục vụ nhu cầu của các xưởng dệt, không để phụ thuộc vào nguồn tơ nhập ngoại.
Trao đổi với PV, ông Đặng Vĩnh Thọ - Chủ tịch Hiệp hội dâu tằm tơ Việt Nam cho biết, khoảng 5-7 năm trở lại đây giá tơ lụa trên thế giới tăng lên, ngành dâu tằm tơ trong nước đang phục hồi và phát triển. Hiện nay cả nước có khoảng 10.000ha dâu, tập trung tại Lâm Đồng với trên 5.000ha. Sản lượng tơ tại đây chiếm đến 70% trên cả nước.