Ông Hà cũng cho biết, để thành công được với những mặt hàng truyền thống như lụa thì trước hết phải tâm huyết với nghề, phải trung thực với sản phẩm mà mình làm ra và phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng về sản phẩm, cũng như lắng nghe ý kiến của khách hàng để làm sao có sản phẩm thủ công tốt nhất với khách hàng.
Việc bán lụa Trung Quốc của thương hiệu Khaisilk, ông Hà cho rằng, là người làm nghề truyền thống lụa lâu đời ông thấy rất buồn vì một thương hiệu Việt lại làm ăn như vậy.
Theo ông Hà, hiện nay, lụa trong làng Vạn Phúc loại đắt nhất là vải đũi gai có giá khoảng 2 triệu đồng mỗi m2 nhưng không phải cửa hàng nào cũng có vì sản xuất có hạn. Ngoài ra, tại đây cũng có những mặt hàng lụa từ 150.000-250.000 đồng mỗi m2, với tỷ lệ 50-70% tơ tằm tự nhiên, pha sợi công nghiệp.
“Đây vẫn là những sản phẩm được sản xuất tại Vạn Phúc, không phải hàng nhái. Tuy nhiên, do loại lụa 100% tơ tằm tự nhiên giá thành cao nên người trong làng nghề sản xuất cả những mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng”, ông Hà nói.
Trước câu hỏi liệu có lụa Trung Quốc giả gắn mác lụa truyền thống Vạn Phúc, ông Hà cho biết, nếu nói một số quầy hàng ở đây không có hàng Trung Quốc thì không đúng. Tuy nhiên, ông khẳng định, trong Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc (khoảng 20 gian hàng) chỉ bán lụa của làng nghề này và chắc chắn không có chuyện trà trộn hàng. Bởi những sản phẩm được bày bán tại đây được Hiệp hội làng nghề thẩm định, kiểm tra rất chặt chẽ. Bên cạnh lụa Vạn Phúc thì có một số mặt hàng thủ công như ví, túi xách, khăn... của những làng nghề khác thông qua chương trình giao lưu, hỗ trợ bán chéo lẫn nhau, nhưng đều là hàng Việt Nam. Ngược lại, tại những cửa hàng do các hộ kinh doanh tự triển khai ở ngoài khu vực trung tâm kinh doanh thì ông Hà cho rằng cũng khó để kiểm soát về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ.
"Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng như hiệp hội luôn nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh phải minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Nếu lụa là hàng ngoại nhập thì phải ghi rõ là hàng nhập, hàng Việt Nam ghi rõ là Việt Nam và lụa của Vạn Phúc phải có in tên tuổi đàng hoàng", ông Hà cho hay.
Điều quan trọng nhất, theo ông Hùng, qua vụ việc này, niềm tin của người tiêu dùng về một biểu tượng thương hiệu quốc gia đã mất đi. “Bao năm ông Khải đã xây dựng hình ảnh Khaisilk, như một biểu tượng thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng thế giới. Nói đến lụa tơ tằm là Khaisilk, được bán trong các khách sạn 5 sao, làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia cũng hầu như dùng Khaisilk. Với thực trạng thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng biết tin vào đâu”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương vào cuộc làm rõ. Nếu đúng sai phạm nghiêm trọng thì phải khởi tố điều tra. “Việc gian lận thương mại, chênh lệch giá, lợi nhuận quá lớn. Đã kinh doanh bao năm khi có uy tín, chuyển sang các lĩnh vực khác thì liệu có gian dối gì nữa không. Tôi rất buồn khi thương hiệu Khaisilk tự xoá bỏ sau bao năm gây dựng”, ông Hùng cho hay.