Lời cảnh báo chậm từ vụ Khaisilk

Đem hàng đến cửa hàng Khaisilk đòi trả nhưng không được do cửa hàng đóng.
Đem hàng đến cửa hàng Khaisilk đòi trả nhưng không được do cửa hàng đóng.
TP - Sau khi cửa hàng Khaisilk ở Hà Nội bị phát hiện bán khăn lụa Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam, tại TPHCM, hàng loạt cửa hàng bán tơ lụa của Khaisilk đã đóng cửa. Một số khách hàng tìm đến để trả lại sản phẩm đã mua nhưng không liên lạc được.

Trưa 27/10, bức xúc vì thương hiệu Việt Nam nổi tiếng mình tin tưởng sử dụng lâu nay lại bán hàng Trung Quốc, nữ khách hàng ở TPHCM mang sản phẩm đến cửa hàng của Khaisilk ở số 101, Đồng Khởi, quận 1 trả nhưng không được do đã đóng cửa.Một bảo vệ cửa hàng bên cạnh cho biết. 

“Tối qua 26/10 thấy cửa hàng này đóng cửa rồi, tấm giấy dán thông báo nói đóng cửa để điều chỉnh và kiểm tra hàng hóa. Mấy bữa nay có nhiều người tìm đến để trả hàng nhưng không được nên phải về”. Bà Lê Thị Hồng (56 tuổi) cũng đem bộ sản phẩm mua từ cửa hàng Khaisilk đến trả nhưng không được. “Thương hiệu nổi tiếng như vậy mà bán hàng Trung Quốc lại dán nhãn Việt Nam, lâu nay gia đình tôi tin tưởng nên đã sử dụng sản phẩm Khaisilk. Giờ không thể chấp nhận kiểu làm ăn gian dối như vậy nên tôi trả lại những sản phẩm đã mua mà chưa sử dụng. Còn những sản phẩm đã sử dụng rồi thì đành chấp nhận”, nữ khách hàng bức xúc.

Tương tự, cửa hàng Khaisilk nằm trong sảnh khách sạn Legend ở số 2A, Tôn Đức Thắng, quận 1 cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. Theo một nhân viên khách sạn, cửa hàng này đóng cửa khoảng 2 ngày qua không biết vì lý do gì.

Phóng viên báo Tiền Phong đã liên lạc với trợ lý của ông Hoàng Khải - ông chủ thương hiệu Khaisilk nhưng bị từ chối trả lời với lý do chỉ phụ trách mảng nhà hàng, không biết gì về lụa. Muốn có thông tin thì liên hệ văn phòng chính ở Hà Nội (?!).

Kim trong bọc?

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao(DN HVNCLC) chia sẻ: “Qua vụ Khaisilk, tôi thấy cần nói đến điều khác mà theo tôi là thảm khốc hơn, cấp thiết hơn”.

 Theo bà Hành, chuyện Khaisilk phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Trong thời gian qua, tình trạng sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhưng được DN, tổ chức, cá nhân “phù phép” thành sản phẩm của Việt Nam không phải là hiếm. Sản phẩm “đội lốt” này không giới hạn ở bất cứ nhóm hàng hóa nào mà phổ biến từ cao cấp đến bình dân, từ thời trang, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử đến vật liệu xây dựng, phân bón, thuốc sâu thuốc cỏ…

“Mấy năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội DN HVNCLC tổ chức thường niên, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều DN “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không xiết. Hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt luôn là vấn đề nhức nhối.

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM nhận định: Hành động của thương hiệu Khaisilk là lừa dối khách hàng. Theo quy định, tất cả DN phải có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin về sản phẩm khi đưa ra thị trường, trong đó bao gồm xuất xứ. Từ đó khách hàng sẽ quyết định có nên mua hay không.

Ông Phan Hoàn Kiếm – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay, ngay trong ngày 27/10, Chi cục đã tổ chức các đội kiểm tra, xác minh lại những cửa hàng bán sản phẩm của Khaisilk trên địa bàn. Tuy nhiên, hầu hết các điểm này đều đã đóng cửa nên Chi cục chưa thể kiểm tra. “Việc giả nhãn mác không đúng cũng được quy là hàng giả. Chúng tôi đã bố trí lực lượng theo dõi và báo cáo tình hình trong những ngày tới. Điều quan trọng là chúng tôi cần kiểm tra xem Khaisilk có cơ sở sản xuất lụa hay không, hay tất cả đều nhập từ Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt” – ông Kiếm cho hay.

Tối 27/10, trao đổi với Tiền Phong qua điện thoại, một lãnh đạo UBND TPHCM xác nhận đang theo dõi chặt chẽ công tác kiểm tra của các cơ quan chức năng để chỉ đạo xử lý vụ Khaisilk nhập khăn lụa từ Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ từ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

UBND TPHCM đánh giá tầm ảnh hưởng của vụ Khaisilk là trên phạm vi rất lớn, quy mô toàn cầu, không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia. Trong vụ việc này, còn rất nhiều vấn đề chưa được cơ quan chức năng làm rõ. Quan điểm của lãnh đạo TPHCM là sai đến đâu xử lý đến đó.

“UBND TPHCM đang chờ kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định”, lãnh đạo UBND TPHCM khuyến cáo.

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.