Vụ Khaisilk 'treo dê - bán chó': Đề nghị xử nghiêm hành vi gian lận

Cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai nơi bị phát hiện bán khăn lụa hai nhãn mác. Ảnh: Thanh Hà.
Cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai nơi bị phát hiện bán khăn lụa hai nhãn mác. Ảnh: Thanh Hà.
TP - Việc thương hiệu nổi tiếng Khaisilk bán khăn Trung Quốc dưới mác Việt Nam khiến cho nhiều khách hàng mất niềm tin vào doanh nghiệp này. Thậm chí, người ta hoang mang và có thể hoài nghi về cung cách làm ăn hiện nay của một số doanh nghiệp. Còn những người kinh doanh lụa truyền thống cảm thấy xấu hổ về đạo đức kinh doanh xuống cấp như Khaisilk; chuyên gia cho rằng phải mạnh tay xử lý hình sự những doanh nghiệp làm ăn gian dối kiểu này.

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI), việc gian lận nguồn gốc hàng hoá chắc chắn có nguy hiểm cho xã hội. Khi lừa mỗi người vài trăm ngàn đến vài triệu;, lừa hàng trăm người, hàng nghìn người qua cả chục năm thì giá trị trở nên rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ đồng. Như vậy, một hành vi gian lận để thu lợi bất chính lên đến hàng chục tỷ đồng chẳng nhẽ không xứng đáng bị xử lý hình sự?

Theo ông Đức, không chỉ dừng lại ở việc gây thiệt hại cho những người mua khăn, hành vi của gắn mác sai lệch này còn gây một tác động dài hạn, to lớn hơn là gây mất lòng tin của người tiêu dùng vào những nhãn mác gắn trên sản phẩm, hàng hoá, từ đó làm thui chột những doanh nghiệp đang nỗ lực kinh doanh chân chính.
“Nếu Nhà nước không trừng phạt hành vi gian lận nhãn mác một cách thích đáng thì người tiêu dùng sẽ không còn tin vào nhãn mác hàng hoá nữa. Lúc đó sẽ làm mất đi động lực sản xuất hàng hoá có chất lượng cao của các doanh nghiệp. Đơn giản vì ai cũng sẽ có thể bán hàng chất lượng thấp và gắn mác chất lượng cao”, ông Đức phân tích.
Theo vị chuyên gia này, việc trừng phạt các doanh nghiệp có hành vi kinh doanh gian lận khi được làm một cách công khai, minh bạch sẽ giúp giảm tình trạng kinh doanh gian lận, chứ không thể làm giảm động lực kinh doanh chân chính của cộng đồng doanh nghiệp.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TPHCM cho biết, nếu như doanh nghiệp Khải Silk nhập hàng hóa từ Trung Quốc về Việt Nam để bán thì có trách nhiệm ghi rõ xuất xứ hàng hóa. Còn nếu đúng là doanh nghiệp này có hành vi nhập hàng hóa có nguồn gốc là Trung Quốc về Việt Nam, sau đó cắt mác, dán “Made in Vietnam” dưới thương hiệu lụa Khaisilk thì ở đây có dấu hiệu của hành vi buôn bán hàng giả. Cho dù hàng nhập từ Trung Quốc không phải là sản phẩm kém chất lượng, được Khaisilk duyệt kỹ mẫu mã, chất lượng, đạt yêu cầu mới nhập về thì việc giả mạo nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ hành vi mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về dân sự thì nếu đúng là Khaisilk bán hàng hóa giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì các giao dịch mua bán hàng hóa này với khách hàng là giao dịch có tính chất lừa dối. Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Do vậy khách hàng có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu và yêu cầu doanh nghiệp bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Tất nhiên, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người có yêu cầu.

Buồn vì doanh nghiệp gian dối

Trao đổi với Tiền Phong liên quan đến vụ Khaisilk, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Hoàng Quang Phòng, cho rằng: “Cộng đồng doanh nghiệp hướng đến việc tuân thủ và minh bạch để còn cạnh tranh, hội nhập, thì không thể có chỗ cho cách làm ăn gian dối được”. Theo ông Phòng, vụ việc Khaisilk xảy ra vừa qua, sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là du lịch của Việt Nam. “Tôi thấy đây là vấn đề nghiêm trọng, vì hàng của mình mà mang mác của người khác để lừa người tiêu dùng lâu nay”- ông Phòng nói.

“Tôi cũng biết thương hiệu này lâu nay và giới thiệu với du khách quốc tế về sản phẩm của họ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ thương hiệu này nó có vấn đề như vậy và chính ông chủ Hoàng Khải thừa nhận cách làm ăn gian dối đó. Từ góc nhìn của từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp, tôi thấy buồn!”- ông Phòng chia sẻ. Theo lãnh đạo VCCI, Việt Nam đang ngày càng cải thiện từng bước môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi, thông thoáng, đồng thời đưa doanh nghiệp tư nhân thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Do vậy, vụ Khaisilk là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hội làng nghệ lụa Vạn Phúc cho rằng, việc bỏ mác nước ngoài đi đưa mác Việt Nam là việc làm  kinh doanh không có đạo đức.

Ông Hà cho biết, hiện nay, lụa trong làng Vạn Phúc loại đắt nhất là vải đũi gai có giá khoảng 2 triệu đồng mỗi m2, nhưng không phải cửa hàng nào cũng có vì sản xuất có hạn. Ngoài ra, tại đây cũng có những mặt hàng lụa từ 150.000-250.000 đồng mỗi m2, với tỷ lệ 50-70% tơ tằm tự nhiên, pha sợi công nghiệp. “Đây vẫn là những sản phẩm được sản xuất tại Vạn Phúc, không phải hàng nhái. Tuy nhiên, do loại lụa 100% tơ tằm tự nhiên giá thành cao nên người trong làng nghề sản xuất cả những mặt hàng này để đáp ứng nhu cầu đa dạng hơn của người tiêu dùng”, ông Hà nói.

Trước câu hỏi liệu có lụa Trung Quốc giả gắn mác lụa truyền thống Vạn Phúc, ông Hà cho biết, nếu nói một số quầy hàng ở đây không có hàng Trung Quốc thì không đúng. Tuy nhiên, ông khẳng định, trong Trung tâm kinh doanh lụa Vạn Phúc (khoảng 20 gian hàng) chỉ bán lụa của làng nghề này và chắc chắn không có chuyện trà trộn hàng. Bởi những sản phẩm được bày bán tại đây được Hiệp hội làng nghề thẩm định, kiểm tra rất chặt chẽ.

Tổng cục thuế vào cuộc
Chia sẻ bên lề tại cuộc họp báo chuyên đề về kết quả triển khai các dịch vụ điện tử phục vụ người nộp thuế chiều ngày 27/10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Trong vài ngày nay, báo chí rúng động bởi câu chuyện Khaisilk có dấu hiệu gian lận thương mại, buôn hàng giả. Ông chủ của Tập đoàn Khaisilk - Hoàng Khải cũng đã xin lỗi người tiêu dùng. Bộ Công thương cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản sai phạm của Khaisilk. Tổng cục Thuế cũng bước đầu có chỉ đạo các cơ quan thuế, trước hết là Cục thuế ở Hà Nội có hoạt động tiếp theo trong phạm vi trách nhiệm cơ quan thuế. Ngành thuế sẽ làm đúng chức trách trong việc đánh giá thực thi nghĩa vụ nộp thuế, khai báo doanh thu của tập đoàn này, dự kiến sang tuần sẽ có thông tin để cung cấp báo chí.

Tuấn Nguyễn

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.