Nghề làm cốm ở làng Mễ Trì, Hà Nội đến nay có bề dày lịch sử hơn một thế kỷ. Trong làng có 2 thôn (thôn Thượng và thôn Hạ) đều có nhiều hộ gia đình theo nghề làm cốm truyền thống. |
Các công đoạn để làm ra được hạt cốm khá cầu kỳ, nguyên liệu làm cốm là hạt lúa nếp. Có nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như lúa nếp lương phượng, lúa nếp thơm, lúa nếp tan, lúa nếp quýt, lúa nếp cái hoa vàng… |
Khi bắt tay vào làm thì phải chọn thóc ngon. Sau đó là rang cốm trên bếp gang, sàng sảy và cho vào giã để cốm dẻo, đóng túi và mang ra thị trường. |
Anh Hữu Sỹ - chủ một cơ sở sản xuất ở Mễ Trì chia sẻ: “Để làm ra những hạt cốm ngon dẻo thơm, nguyên liệu thóc phải chọn giống lúa non là nếp cái hoa vàng. Rang bằng bếp củi nên phải điều chỉnh sao cho lửa vừa để hạt thóc vừa đẹp lại vừa không bị sống, không bị vụn, hạt thóc đạt độ dẻo và dai". |
Cốm là món ăn dân dã của người dân Hà Nội nhưng cũng rất sang trọng, nồng nàn mà cũng thật tinh khiết. |
Thời gian rang cốm vào khoảng hơn 2 giờ đồng hồ mới được một mẻ. Cốm thành phẩm dẻo, thơm, mềm là đạt yêu cầu. |
Trước kia chủ yếu làm cốm thủ công nên có khá nhiều công đoạn, cần nhiều người tham gia. Ngày nay làm chủ yếu bằng máy móc hiện đại như dùng máy rang, máy xay, máy giã, máy vo gạo…tiết kiệm được công sức và thời gian cho người dân khá nhiều. |
Làm máy móc thì giảm được sức lao động, ra sản phẩm nhiều mà sản phẩm vẫn thơm ngon đảm bảo chất lượng. |
Cốm Mễ Trì là cốm mộc, không pha màu; ăn thấy cảm giác thơm ngon, mềm dẻo, bùi. |
Cốm Mễ Trì là đặc sản không riêng gì của làng Mễ Trì mà còn là đặc sản của đất Hà thành. Những thế hệ sau sẽ tiếp nối gìn giữ truyền thống làm nghề từ bao đời nay. |