Dũng sĩ diệt Mỹ nổi tiếng một thời Đinh Klung giờ là hộ đói nghèo. |
Đeo đẳng đói nghèo
Thung lũng A Yun, ruộng nương cằn cỗi, cây cỏ khô cháy.Ông Đinh A Nhu-Bí thư Đảng ủy xã A Yun, người gắn bó với đất này gần trọn đời, cho biết, trước đây A Yun không phải nghèo khổ khô cằn như hiện nay, mà đất đai rất trù phú. Từ những năm 1990, khi công trình thủy lợi Ayun hạ ngăn đập, người dân phải bỏ hàng nghìn héc ta đất ven sông suối tươi tốt cho lòng hồ, lên tái định cư vùng đất đá vôi, khô cằn, bạc màu này nên cái đói nghèo cứ đeo đẳng.
Xã có hơn 3.000 nhân khẩu ở 14 thôn làng, hầu hết là đồng bào Ba Na, Jơ Rai, hơn 81% dân số thuộc diện đói nghèo. Đến nay mới chỉ có 10 hộ người Kinh/55 khẩu đến đây sinh sống. Một số cán bộ xã hay giáo viên từ các nơi về đây dạy học phải mang cơm nắm, mì tôm nước uống theo dùng, bởi họ không muốn dùng nước sông A Yun như đồng bào địa phương sử dụng, còn nước giếng thì nhiễm vôi rất nặng, không sử dụng được.
Sống bên cạnh bờ sông, bờ hồ song người dân vẫn khát nước sạch. Anh cán bộ xã đưa chúng tôi về các làng thấy quá trưa, ái ngại: “Các anh thông cảm, không hẹn trước nên chúng tôi không chuẩn bị bữa. Ở đây không có quán ăn, còn chúng em ở lại trực chỉ ăn mì tôm”.
Toàn xã có hơn 660 hộ nhưng chỉ có 401 ha cây trồng các loại trong đó lúa đông xuân 34,5 ha, lúa mùa 94 ha năng suất chỉ đạt 48 tạ/ha, lúa đồi 116ha, ngô 158 ha, mì 112 ha. Vùng lúa này chỉ trồng được một vụ, đất trồng mì bắp đều là đất đá vôi bạc màu.
Mặt bằng y tế, giáo dục ở đây thấp nhất nhì cả nước. Tình trạng con chết phải chôn theo mẹ trong đồng bào địa phương đến nay vẫn còn. Nếu tính thời điểm giải phóng năm 1960, hơn 50 năm, qua xã A Yun vẫn chưa hề có người nào học hết lớp 12. Vài năm trước, huyện Chư Sê cố gắng xây một khu nhà bán trú để học sinh THPT từ A Yun lên đây trọ học, song các em đã không trụ nổi, hàng chục em tốt nghiệp THCS bỏ lên học rồi lại bỏ về.
A Yun có làng Kbái 56 hộ hơn 200 người sống bên kia sông A Yun, quanh năm phải đi bè kéo dây qua lại. Các thầy giáo cô giáo đến đây dạy học, học sinh từ lớp 4 trở lên học bên này sông, người dân đi lại…đều phải dùng bè tre cột dây kéo qua sông. Mỗi năm Phòng Giáo dục Chư Sê hỗ trợ cho 1 dây cáp, song đến mùa mưa lũ, dây cáp có lúc cũng bị đứt.
Chưa diệt được nghèo
Chủ tịch UBND xã Dương Mạnh Mẫn, cho biết: A Yun có 7 người được phong danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, hiện nay có 4 người còn sống, song tất cả họ đều thuộc hộ nghèo. Dũng sĩ diệt Mỹ- Đinh Klung làng Hrung Hreng2, sinh năm 1930, tham gia Cách mạng từ năm 1944, đã nhận danh hiệu 50 năm tuổi Đảng, từng là Chủ tịch UBND xã A Yun.
Bây giờ vợ chồng ông cùng với con trai, con dâu 4 miệng ăn trông chờ vào tấm lưới may rủi thả cá của người con trai. Trong ngôi nhà xập xệ của mình, đôi tai từng bị thực dân Pháp đóng đinh tra tấn nghe chúng tôi hỏi câu được câu mất, song thông qua người phiên dịch, ông cũng nói cho chúng tôi hiểu phần nào những chiến công của mình suốt hơn 40 năm chống Pháp-Mỹ.
Cái khó của gia đình Dũng sĩ diệt Mỹ Klung bây giờ là không có ruộng đất, con trai ông ngày nào kiếm được một vài ký cá sông cá suối thì đổi gạo ăn, ngày nào không có thì cả nhà ăn cháo, bởi đồng tiền trợ cấp 1.277.000 đồng/tháng của ông chủ yếu lo thuốc men cho cặp vợ chồng già.
Dũng sĩ diệt Mỹ - Đinh Chớp, làng Vương, đi bộ đội năm 1966 đến năm 1969 đã được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Vậy mà khi về với đời thường, hoàn cảnh gia đình ông cũng hết sức túng bấn. Niềm vui lớn của Đinh Chớp là trước Tết Tân Mão này, ông đã có được ngôi nhà khá khang trang, trị giá gần 30 triệu đồng do Tỉnh Đoàn cùng với tuổi trẻ Bệnh viện Quân y 211 quyên góp ủng hộ xây tặng.