Video: Làng Đồng Kỵ ‘vàng son’ một thời giờ ra sao? |
Danh tiếng một thời
Những năm đầu 2000 cho đến 2015, thôn Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, nay là phường Đồng Kỵ có hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời nhờ sự “ thăng hoa” của nghề gỗ mỹ nghệ. Chính vì vậy, làng còn được biết đến với tên gọi là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú”, bước chân ra ngõ là gặp giám đốc.
Nơi đây được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh, bởi chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp nơi đây đã biết vận dụng cơ chế thị trường, thành thạo buôn bán, cho nên nhiều người thợ vốn chỉ quen với tay đục, tay tràng đã mạnh dạn đứng lên lập doanh nghiệp, vươn mạnh ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ được làm hết sức khéo léo, cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu, làm đồ ngang (xẻ gỗ thành tấm theo kích cỡ đã định trước) đến khâu chạm khắc và hoàn thiện. Người thợ với đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ chạm khắc những nét hoa văn độc đáo hay hình những con rồng, con phượng…, tạo thành những sản phẩm gỗ mỹ nghệ có đường nét tinh xảo. Những loại gỗ được sử dụng trong đồ gỗ nội thất đồng kỵ thường là những loại gỗ quý. Ví dụ như gỗ trắc, gỗ cẩm lai, cate hay gỗ hương… Nhờ vào độ bền của những loại gỗ này, người nghệ nhân dễ dàng chế tác hơn. Những loại gỗ này còn có thể mang mùi gỗ đặc trưng mà rất nhiều người yêu thích. Thời điểm đó, chỉ cần ghé thăm bất cứ gia đình nào trong làng cũng có thể cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, cả chủ lẫn thợ đều tất bật.
Khi được hỏi lại về cái cảm xúc thời làng Đồng Kỵ “phất” lên như thế, ông Ngô Xuân Tạo cười chia sẻ: “Cách đây mấy năm, còn có báo chí cũng đến phỏng vấn tôi đấy. Hồi trước phường tôi nhà nào cũng thuộc diện giàu có, dư giả. Mỗi hộ dân thì ít nhất cũng có từ vài trăm triệu đến vài tỷ trong nhà, hộ nào buôn bán lớn có hàng chục, hàng trăm tỷ trở lên là chuyện bình thường. Nhưng mà bây giờ lại phải bán tháo đất đai, nhà cửa, tài sản.”
Khốn khổ vì dịch
Sự phát triển “nóng” của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ kéo dài đến những năm gần đây thì bắt đầu chững lại, không còn cảnh tấp nập xe gỗ ra vào làng, nhiều xưởng gỗ, cửa hàng đóng cửa im lìm, máy móc nhà xưởng dồn hết vào một góc. Nguyên nhân do hàng hóa sản xuất ra nhiều song đầu ra hạn chế, thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nay tụt dốc thê thảm; lượng khách mua ngày một ít đi.
Ông Phan Hữu Phú – một nhân công tại xưởng gỗ còn sầm uất duy nhất ở đây ngậm ngùi chia sẻ: “ Từ Tết đến nay không có khách Trung Quốc, hàng sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ nội địa. Tại xưởng này trước đây có từ 15 thợ trở lên mới đủ đáp ứng các đơn hàng thì giờ chỉ còn 4 thợ, tôi may mắn vẫn có có việc để mà làm ở đây chứ những người khác, nếu mà còn trẻ khỏe thì đi làm công nhân, còn gì cả có tuổi rồi thì ở lại loay quay tìm công việc khác qua ngày thôi chứ có việc đâu.”
Ông Lương Văn Hữu, người đã có hơn 10 năm làm nghề mộc ở làng gỗ Đồng Kỵ cho biết : “Làng gỗ Đồng Kỵ chưa bao giờ vắng vẻ như hiện giờ. Các năm trước ừ thì nó vắng, không được như thời “hào quang” nhưng ít ra vẫn có các đơn hàng xuất khẩu ra nước ngoài, trong nước cùng tiêu thụ được. Còn thời điểm hiện tại vắng có khác gì chùa bà Đanh đâu, nhà nào xoay sở được đơn hàng thì còn giữ vài người thợ, còn không thì cũng cắt giảm hết.”
Đặc biệt trong tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động xuất khẩu, giao thương buôn bán bị hạn chế khiến thị trường xuất khẩu gỗ bị thu hẹp, thậm chí gần như bị “đóng băng” ở những thị trường xuất khẩu gỗ lâu năm như Trung Quốc, thị trường các nước trong khối liên minh Châu Âu cũng đình trệ một thời gian dài vì dịch bệnh.
Trong khi đó, thị trường trong nước cũng không mấy khả quan, sức tiêu thụ chậm, yêu cầu cạnh tranh mẫu mã lại khắt khe, mặt hàng tiêu dùng chính cũng chỉ là sản phẩm từ gỗ hương, gỗ mun có giá thành vừa phải. Riêng loại gỗ trắc có giá đắt đỏ gấp 2-3 lần thì chủ yếu thị trường tiêu thụ chính vẫn là Trung Quốc. Đòi hỏi chất lượng và tiêu chuẩn kiểm định cao, gia công tỉ mỉ nên giá thành bán ra thị trường của các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cũng có phần cao hơn so với các sản phẩm gỗ khác, chính vì vậy trong tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh, cạnh tranh lại càng khó.
Chị Phạm Thị Nhung chủ một xưởng sản xuất nhỏ trong làng Đồng Kỵ cho biết: “Đơn hàng không có đa phần các hộ sản xuất đều khoá cửa xưởng. Như xưởng nhà tôi, máy móc xếp vào một góc, gỗ nguyên liệu để ngổn ngang. Để duy trì có thu nhập tôi và chồng cũng phải xoay xở sang đi xẻ gỗ thuê, bán gỗ xỉ, chứ bỏ nghề rồi cũng không biết làm gì được.”
Không gian trưng bày sản phẩm đồ mĩ nghệ bây giờ lại trở thành tiệm bán phụ kiện điện thoại. |
Hướng chuyển mình cho sản phẩm gỗ làng Đồng Kỵ
Nhằm khắc phục tình hình khó khăn chung trong tình hình dịch Covid-19 và tạo thị trường lâu dài cho làng nghề phát triển, Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, cho biết: “Với cương vị là Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ thì sắp tới hướng hội sẽ quy hoạch và đề ra các phương án để xây dựng trung tâm thương mại, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm.”
Ông Vũ Quốc Vương - Chủ tịch Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ |
“Trong năm 2021 sẽ bầu các chức danh, sau khi Hội đồng nhân dân lên khóa mới sẽ tiến hành cho họp dân bàn lấy ý kiến, cũng như là huy động nhân dân tự nguyện đóng góp ruộng đất, tiền của để xây dựng trung tâm thương mại. Đại diện là hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ sẽ là chủ đầu tư, chủ xây dựng để thi công và tiến hành tuyển chọn và phân phối để mọi người có thể biết đến với làng nghề Đồng Kỵ theo một hướng mới. Đó sẽ là một nơi tập trung chung các khu chuyên biệt cho cả làng nghề như: Chợ gỗ, kho gỗ và là khu công nghiệp mới cho làng nghề tại khu vực đó.”
“Phường đang cũng chú trọng về đầu tư, động viên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng vì đây là những đối tương tiên phong trong việc xây dựng phát triển làng nghề Đồng Kỵ mới với những cái sức hút mới.”
Người dân làng Đồng Kỵ cũng đã có những hướng chủ động chuyển mình bằng cách thay thế việc sử dụng hoàn toàn từ gỗ tự nhiên, gỗ quý hiếm trong sản xuất sang gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu sang các nước Châu Âu trong thị trường của khối liên minh Châu Âu (EU), thay vì chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như các năm trước.