100% thanh niên đi đào vàng
Ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định cho hay: “Làng Thiết Khoá gồm có 3 xóm 7 - 8 - 9 hợp lại. Làng có trên 3.000 nhân khẩu thì phân nửa số ấy làm nghề đào vàng. Gần như 100% thanh niên làng Thiết Khoá làm nghề này. Người ta bảo đây là “làng đại gia” nhưng cái giá phải trả cũng nhiều vì từ trước tới nay có bãi vàng nào là yên ổn”.
Được biết, ngoài biệt danh “nghề nông gia truyền”, làng Thiết Khoá còn nổi tiếng với nghề làm cói. Từ Thiết Khoá, nghề làm cói lan ra khắp tỉnh và hình thành những HTX chiếu cói với những nghệ nhân nức tiếng Thành Nam. Nhưng cho đến nay, nghề làm cói ở Thiết Khoá gần như đã “tuyệt chủng”. Người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống ấy nữa.
Như lời ông Đinh Văn Vinh, Phó trưởng làng: “Làm nghề gì thì cuối cùng cũng phải tính đến lợi nhuận là tiền. Có tiền rồi thì người ta mua vàng. Vậy thì người khôn luôn phải đi trước một bước, cho nên cả làng ôm giấc mộng vàng là cái lý để làm giàu”.
Ở Thiết Khoá, thật khó để tìm ra bóng dáng của trai trẻ. Đơn giản là họ tha hương với nghề làm vàng. Họ đi khắp nơi, từ đỉnh đầu Hà Giang đến cuối mũi Cà Mau, tất cả đều có vết chân và những giọt mồ hôi mặn chát của người Thiết Khoá.
Ông Vinh bảo: “Các làng khác thì thanh niên trai tráng mong mỏi học hành để có việc ở thành phố. Trai làng Thiết Khoá lại khác, đến tuổi trưởng thành lại rủ nhau “ăn hang ở hốc” ở những nơi rừng thiêng nước độc. Đã thành truyền thống rồi, đến tuổi là đi, không cần lăn tăn suy nghĩ hướng nghiệp chọn nghề gì sất”.
Bước chân đầu tiên
Người đầu tiên của làng Thiết Khoá đi đào vàng là ông Đinh Văn Hoà ở xóm 8, và ở ngôi làng đại gia này, ông Hoà được coi như “tổ nghề” vì có công dẫn dắt cả làng đi đào vàng.
Ngôi nhà 2 tầng khang trang toạ lạc phía giữa làng là nơi ông Hoà ở. Người đàn ông da ngăm đen, tuổi ngoài 60 đang mê mẩn với con rùa đồng – một vật cổ là chiến lợi phẩm duy nhất còn lại của đời đào vàng. Ông Hoà cho hay: “Được vàng thì lụi, vậy mà cả cái làng này ai cũng được vàng mà có ai lụi đâu, toàn đại gia cỡ bự, chỉ tôi là nghèo nhất”.
Ông về quê hô hào anh em xa gần đi làm vàng nhưng chỉ có dăm ba người dám mạo hiểm. Sau này, thấy cánh đào vàng của ông Hoà phát triển nên hàng trăm thanh niên làng Thiết Khoá mới đầu quân đi theo. Năm này sang năm khác, những cánh đào vàng của làng Thiết Khoá lan rộng ra khắp nơi và ở khắp các tỉnh, thành. Vùng quê thuần nông bỗng dưng tạo ra một cơn sốt vàng chưa từng có, hàng nghìn người đi đào vàng, có gia đình cả nhà cùng đi, thậm chí cả con cháu, chắt chít đều theo nghề.
Ngôi nhà ông Hoà đang ở được mua vào năm 1992 của một đại gia giàu nhất xã Giao Thịnh. Ngoài hai ngôi nhà mới xây, ông Hoà còn trả thêm cho vị đại gia này 20 lượng vàng để có được ngôi nhà 2 tầng. Và cũng từ đó, ông Hoà giã biệt nghề đào vàng, trao lại chức “bưởng” cho người khác.
Ông Hoà bảo: “Tôi không làm nghề nữa không phải vì mình đã già yếu hay muốn hưởng thụ sớm. Cuộc sống nên biết điểm dừng, có tiền có vàng rồi thì đừng nên tham. Nếu tham thì chưa chắc tôi còn sống, mà có khi đã tan xương nát thịt từ lâu rồi. Bãi vàng nào mà chẳng nguy hiểm”.
Được cả tạ vàng
Cho đến bây giờ, xã Giao Thịnh chưa có một con số chính xác về những người trong làng Thiết Khoá đi đào vàng. Nhưng nếu tính sơ qua thì con số cũng lên tới 1.000 người, đó là chưa kể đến những người đi theo thời vụ. Và tại các bãi vàng lớn của nước ta như Thần Sa (Thái Nguyên), Na Rì (Bắc Kạn) hay tại những mỏ vàng lớn như ở Tây Nguyên thì các “bưởng vàng” là người Thiết Khoá không phải là ít.
Ông Phạm Đức Thành, Phó chủ tịch UBND xã Giao Thịnh nhẩm tính: “Con số 30 tỷ phú là có thể nhìn thấy được. Còn nhiều tỷ phú khác không lộ diện vì nhiều lý do khác nhau”. Quả thật, ở Thiết Khoá thì biệt thự và xe hơi tiền tỷ không phải là hiếm, càng không phải xa lạ. Tuy nhiên, sự giàu có của bất kỳ một làng quê nào cũng kéo theo những mặt trái, đó là nạn nghiện hút. Thiết Khoá cũng vậy, đã bắt đầu có những lo lắng khi tệ nạn này dần len lỏi vào từng ngõ xóm, từng gia đình.
“Làng Thiết Khoá đất ít người đông nhưng thời nào cũng đem lại những vinh quang. Ở xã Giao Thịnh ngoài phong trào đi đào vàng thì còn phong trào “xây dựng đảo”. Từ những năm 1983, Thiếu tướng Hoàng Kiền - Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới đã đưa người ra các đảo Hoàng Sa, Trường Sa… để tham gia xây dựng”, ông Trần Đại Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh cho biết.
Theo Hưng Tiến - Kiều Trang