Làn sóng mới của điện ảnh Việt

TP - Ở Việt Nam, không khó để hình dung những khó khăn mà các nhà làm phim độc lập gặp phải trong quá trình sản xuất, phát hành phim tại thị trường nội địa. Dẫu vậy, dòng chảy của phim nghệ thuật vẫn tồn tại như một điều tất yếu của mọi nền điện ảnh. Những thách thức vẫn còn đó nhưng theo thời gian, các nhà làm phim dường như đã tìm thấy hướng đi hợp lý cho đứa con tinh thần của mình.

Ngày 8/8 vừa qua, tại buổi ra mắt phim Bên trong vỏ kén vàng, những người tham dự đã được tận mắt chiêm ngưỡng chiếc “camera vàng” (Camera d’Or) danh giá, giải thưởng của LHP Cannes dành cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Chủ nhân của nó là đạo diễn Phạm Thiên Ân, một tài năng chỉ vừa bước ra ánh sáng sau nhiều năm miệt mài theo đuổi điện ảnh.

Góp mặt trong sự kiện còn có các tên tuổi tiếng tăm của điện ảnh Việt như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, Phan Đăng Di, diễn viên Hồng Ánh… Đáng chú ý còn có sự xuất hiện của một nhân vật cũng vừa giành chiến thắng tại LHP Cannes năm nay ở hạng mục Đạo diễn xuất sắc, không ai khác đó chính là Trần Anh Hùng. Trùng hợp thay, đúng 30 năm trước, vị đạo diễn người Pháp gốc Việt cũng thắng giải Camera d’Or với bộ phim kinh điển Mùa đu đủ xanh.

Gạch nối giữa hai thế hệ

Tròn 30 năm trước, đạo diễn Trần Anh Hùng bằng phong cách điện ảnh khơi gợi giác quan, đã mang hơi thở Việt Nam lần đầu bước ra sân chơi quốc tế với giải Camera d’Or cho phim Mùa đu đủ xanh. Dù được quay tại phim trường Pháp, Mùa đu đủ xanh đã truyền tải được “tâm hồn Việt” qua màn ảnh và tôn vinh vẻ đẹp của Sài Gòn xưa. Thành công của bộ phim là tiền đề để Trần Anh Hùng về Việt Nam thực hiện Xích lô và Mùa hè chiều thẳng đứng, hoàn thành bộ ba phim về Việt Nam (Vietnam Trilogy) được xếp vào hàng kinh điển sau này.

Trở về với hiện tại, lại một lần nữa những khung cảnh đậm chất Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét với ban giám khảo LHP Cannes. Chỉ khác lần này, chất liệu Việt Nam trong Bên trong vỏ kén vàng là thật hoàn toàn. Thậm chí để nắm trọn được sự chân thật, đạo diễn Phạm Thiên Ân đã không sử dụng kĩ xảo và chỉ bấm máy trong điều kiện thời tiết tự nhiên. Bởi vậy phải mất năm năm Bên trong vỏ kén vàng mới được hoàn thành.

Như viên gạch chắp nối giữa hai thế hệ, hai đạo diễn thuộc hai thời kì cách xa, không hẹn mà gặp, đã làm rạng danh Việt Nam tại LHP Cannes danh giá. Nhưng liệu chiến thắng của họ có khiến con đường làm phim độc lập của các đạo diễn Việt Nam trở nên dễ dàng hơn?

Đối mặt với nhiều thử thách

Đầu năm nay, Việt Nam còn có một đại diện tranh giải Oscar ở hạng mục phim tài liệu là Những đứa trẻ trong sương. Tuy tạo được hiệu ứng truyền miệng và thu hút lượng người ra rạp đáng kể, vòng đời cũng như doanh thu của phim tại rạp vẫn rất khiêm tốn khi so với các phim bom tấn giải trí ra mắt cùng thời điểm.

Thực tế chỉ ra rằng, khán giả giờ đây ra rạp với mục đích thư giãn, giải trí sau giờ học, làm việc căng thẳng. Phim hành động, hài nhảm dù chất lượng trồi sụt nhưng doanh thu luôn áp đảo dòng phim nghệ thuật vốn đòi hỏi người xem phải kiên nhẫn, tập trung cao độ.

Làn sóng mới của điện ảnh Việt ảnh 1

Viên gạch nối giữa hai thế hệ

Làn sóng mới của điện ảnh Việt ảnh 2

Cận cảnh chiếc camera vàng

Sau buổi công chiếu, Bên trong vỏ kén vàng nhận được những lời khen không ngớt từ giới chuyên môn. Các diễn đàn quốc tế uy tín cũng không tiếc lời ngợi khen bộ phim dài đầu tay của Phạm Thiên Ân. Dẫu vậy, những lời có cánh liệu có đủ để một tác phẩm độc lập làm nên đột phá tại thị trường điện ảnh Việt?

Với thời lượng ba tiếng, tiết tấu chậm, nội dung không có cao trào, Bên trong vỏ kén vàng đem đến một trải nghiệm khó nhằn, đầy thách thức với bất cứ ai. Khán giả cần chuẩn bị sẵn tâm thế trước khi xem nếu muốn thấy được cái hay bộ phim hoặc chí ít… để không ngủ gật.

Một vấn đề các dự án phim độc lập thường mắc phải là quá chú trọng vào việc tham gia LHP quốc tế mà bỏ qua thị trường trong nước dẫn đến một số câu chuyện, tình tiết, nhân vật, thông điệp trở nên quá cao siêu, khiên cưỡng, khó được số đông chấp nhận.

Một bộ phim nghệ thuật không nhất thiết phải xa rời đại chúng và một bộ phim muốn doanh thu cao không nhất thiết phải luôn dễ dãi với khán giả. Đổi mới, sáng tạo nhưng không quá khác thường, dị biệt là điều mà các nhà làm phim độc lập cần lưu ý để tác phẩm của mình ít nhất có thể tồn tại trong thị trường nội địa.

Không ít phim độc lập của Việt Nam gặt hái thành công trên đấu trường quốc tế nhưng để phim đến được với số đông khán giả nội địa không phải là điều dễ dàng. Ngoài câu chuyện, thủ pháp kén khán giả còn phải nói đến vấn đề kinh phí hạn hẹp trong khâu giới thiệu, quảng bá.

Bất cứ nhà làm phim độc lập nào cũng từng nếm trải những gian nan từ bước lập kế hoạch, kêu gọi, chào hàng dự án đến những tổ chức, cá nhân, quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đến khi có kinh phí, họ còn phải lo hết mọi công đoạn từ sản xuất đến phát hành. Một bộ phim độc lập mất nhiều năm để hoàn thành là điều bình thường.

Làn sóng mới của điện ảnh Việt

Hàn Quốc đầu những năm 2000, cuộc cách mạng về thương mại hóa điện ảnh với sự phối hợp của chính phủ và các doanh nghiệp đã tạo điều kiện tối đa để các nhà làm phim độc lập thực hiện những ý tưởng táo bạo nhất. Thời kì này, các nhà làm phim tài năng của Hàn Quốc đã thay nhau cho ra đời những tác phẩm kinh điển, đậm đà bản sắc văn hóa, phản ánh muôn mặt đời sống, xã hội Hàn Quốc. Những tác phẩm này không chỉ thành công về mặt nghệ thuật mà còn rất ăn khách, có sức lan tỏa rộng rãi. Dần dà, Hàn Quốc đã khẳng định vị thế là một “gã khổng lồ” của điện ảnh thế giới sau chiến thắng vang dội của Ký sinh trùng với giải Cành cọ vàng LHP Cannes và Oscar cho Phim hay nhất năm 2019.

Làn sóng mới của điện ảnh Việt ảnh 3

Khoảnh khắc lên bục nhận giải của Phạm Thiên Ân

Nhìn vào nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây có thể thấy dòng phim nhà nước gần như vắng bóng. Phim tư nhân, thương mại chiếm lĩnh thị trường trong nước nhưng chất lượng chưa cao. Trong bối cảnh đó, dòng phim độc lập lại đang đại diện cho “tiếng nói điện ảnh” của nước nhà trên trường quốc tế nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các nhà làm phim độc lập.

Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng từng phát biểu: “Trên thực tế, các quốc gia trên thế giới đều nhận thấy một trong những sức mạnh mềm được đưa ra để cạnh tranh trên trường quốc tế chính là điện ảnh. Nếu nhà nước không có chính sách đột phá, đầu tư cụ thể thì không thể tạo nên sức mạnh mềm đó. Do vậy, nhiều quốc gia đều xây dựng quỹ điện ảnh hoặc xây dựng những cơ chế tài chính, tín dụng, thuế ưu đãi trực tiếp cho phát triển điện ảnh…”.

Những chiến thắng của Phạm Thiên Ân, của Trần Anh Hùng tại LHP Cannes, hay trước đó là Ròm của Trần Thanh Huy tại LHP Busan 2019 đã trở thành nguồn cảm hứng để thế hệ các nhà làm phim trẻ tiếp theo vững bước trên con đường làm phim đầy gian nan, thử thách.

Đến nay, dù chưa thực sự chinh phục được thị trường nội địa nhưng các bộ phim độc lập của Việt Nam vẫn đang làm rất tốt khía cạnh “xuất khẩu văn hóa”, đem hình ảnh, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Để nắm bắt được thời điểm vàng của điện ảnh Việt, nhất thiết phải có sự hiện diện đáng kể hơn nữa Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đồng thời việc điều hành Quỹ cũng cần phải có tư duy đổi mới, hỗ trợ các tài năng trẻ, các kịch bản hay, đóng góp tích cực vào “tiếng nói điện ảnh” của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chưa bao giờ điện ảnh Việt Nam giàu năng lượng như hiện nay. Từ những đội ngũ kĩ xảo người Việt làm nên hình ảnh của hàng loạt bom tấn đến những dự án phim độc lập được khán giả quốc tế mong đợi, cùng giải thưởng lớn cho cả phim truyện và phim tài liệu đến những dự án nội địa thu về trăm tỷ ngay nửa đầu năm.

Có thể coi 2023 là dấu mốc khởi đầu của làn sóng mới trong điện ảnh Việt.