Có ngày 10 trận động đất
Một ngày cuối tuần tháng 6, chúng tôi ngược gió mây ngàn cheo leo lên Kon Plông (cách trung tâm tỉnh Kon Tum hơn 50 cây số)- nơi chưa đầy 2 năm đã có hơn 200 trận động đất, gấp hơn 5 lần số trận động đất ghi nhận tại khu vực này từ năm 1903 đến 2020. Đường vào vùng tâm chấn động đất ngoằn ngoèo, một bên vách đồi chi chít vết sạt lở lớn nhỏ, bên còn lại là vạt rừng chết đứng chạy dọc theo lòng hồ do thủy điện Thượng Kon Tum tích nước gây ngập úng.
Hơn 2 giờ di chuyển, chúng tôi mới đến khu tái định cư thôn Đắk Tăng (nơi hàng trăm hộ dân dời nhà từ thung lũng lên non nhường đất cho công trình ánh sáng). Bước qua cánh cổng tre có tượng thần tạc bằng gỗ nguyên khối ngự trị, hơn trăm nóc nhà của người Xê Đăng hiện ra trong làn sương mờ ảo buổi chiều tà. Trong thôn, một vài người ngả nghiêng bên ché rượu, có người lên rẫy từ sáng sớm chưa về.
Một góc thôn Đắk Tăng |
Hỏi thăm một lúc, chúng tôi gặp được anh Phạm Văn Hoàng (SN 1986, thôn Đắk Tăng). Kể lại những trận động đất, anh Hoàng hướng đôi mắt xa xăm về phía thượng nguồn lắc đầu: “Tôi không biết diễn tả sao nhưng sợ lắm. Đất trời quay cuồng, đồ đạc rung lắc, tiếng trẻ con khóc thét, người làng bỏ chạy nhưng… chạy đâu cho khỏi, động đất mà. Thời còn ở làng cũ, tôi chưa biết động đất là gì cho đến khi nhường đất xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum lên khu tái định cư này. Số lần xuất hiện động đất với cường độ ngày càng mạnh, có ngày tới 10 trận” anh Hoàng kể lại và cho biết, trận động đất khiến anh khiếp sợ nhất từ trước đến nay xảy ra trưa 18/4/2022.
Tỉnh Kon Tum có 81 công trình thủy điện (riêng huyện Kon Plông có khoảng 21 công trình). Hiện khoảng 27 dự án đã hoàn thành, 10 dự án được thực hiện báo cáo khởi công, 32 dự án đang lập dự án đầu tư, còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư…Trong số công trình đi vào hoạt động có thuỷ điện Thượng Kon Tum (cuối năm 2020) do Công ty Cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư, công suất lắp máy 240MW, tổng mức đầu tư 5.245 tỷ đồng. Tuy nhiên, công trình này có nhiều sai phạm đã được chỉ rõ tại Kết luận số 222 của Thanh tra Chính phủ.
Khi đó, anh Hoàng đang làm sau nhà, bỗng nghe tiếng nổ to như mìn. Lòng đất chao đảo, người chếnh choáng, chân không bước được vì sợ ngã. Trong nhà, đồ đạc bị xô lệch, nhà như muốn đổ. Lòng đất rung lắc vài phút rồi dừng nhưng khiến anh ám ảnh tột cùng, sợ bị vùi lấp. Nói rồi, anh bồi thêm: “Anh chị ở đây thêm tí nữa, kiểu gì cũng có động đất, không biết mạnh hay nhẹ thôi. Ở trong rừng sẽ cảm nhận nhanh và rõ nhất, cây rừng rung chuyển tạo âm thanh ù ù, rất khác với tiếng xe lu, xe tải chạy ngoài đường”. Lời nói của anh khiến những ai chưa nếm trải mùi vị của động đất tái mặt.
Sống trong vùng tâm chấn động đất, chị Y Vương (SN 1972, Đắk Tăng) luôn thấp thỏm, lo âu. Đôi mắt quầng thâm, chị khẽ dỗ dành đứa cháu 7 tháng tuổi đang địu trên lưng: “Nhà tôi có 2 cháu nhỏ, cứ động đất rung chuyển, chúng lại khóc hét lên chạy tìm người lớn. Tôi chỉ biết ôm chúng chạy ra khỏi nhà. Không biết động đất xảy ra lúc nào nên tôi để điện cả đêm. Cứ nghe tiếng động, rung lắc, cả nhà lại bỏ chạy ra ngoài, đang ngủ cũng tỉnh hẳn. Thời ông bà tôi không có động đất. Nó mới có 2 năm nay thôi. Tôi ám ảnh lắm, không biết bao giờ mới thoát cảnh này”, chị Y Vương thở dài.
Thường trực nỗi lo đói nghèo
Ông A Hương kể lại những trận động đất |
Không chỉ bất an vì động đất, nhiều hộ dân ở thôn tái định cư Đắk Tăng (xã Đắk Tăng) còn thường trực nỗi lo đói ăn. Theo thỏa thuận, khi nhường đất làm thủy điện, ngoài đất ở, hỗ trợ xây nhà, mỗi hộ dân sẽ được cấp 2 sào đất trồng lúa và 1ha đất rẫy. Tuy nhiên, đến nay, người dân mới nhận đất trồng lúa nhưng canh tác không đạt năng suất. Anh Hoàng cho biết, qua 2 vụ trồng nhưng cây lúa không hợp đất, không phát triển, mỗi vụ thu 1-2 bao lúa dù bón phân, cấp nước đầy đủ; còn đất rẫy, chưa được nhận nhưng đang bị thỏa thuận xuống 5 sào/hộ nên chưa ai đồng ý.
Ông A Hương- trưởng thôn Đắk Tăng nói thêm, toàn thôn có 117 hộ với 318 nhân khẩu, đều là người Xê Đăng, sống bằng nghề nông. Họ rất cần quỹ đất để sản xuất, sớm ổn định cuộc sống. Thế nhưng, đã 5 năm kể từ ngày rời làng cũ nhường đất xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, người dân vẫn chưa được nhận đủ quỹ đất như thỏa thuận ban đầu. “Bây giờ họ lấy lý do thiếu đất nên chỉ cấp 5 sào đất rẫy, còn lại quy đổi ra tiền, khoảng 34 triệu đồng. Bà con không chịu vì đất quá ít không đủ canh tác, còn tiền ăn mãi cũng hết. Tôi đang lo tình trạng thiếu đất sản xuất, không có công ăn việc làm ổn định, người dân sẽ đói nghèo”, ông A Hương bày tỏ.
Chị Y Vương thấp thỏm khi sống trong tâm chấn động đất |
Theo trưởng thôn Đắk Tăng, người dân nhiều lần ý kiến về việc cấp đất tái định cư theo thỏa thuận đồng thời bày tỏ nỗi lo sợ động đất. Từ ngày xảy ra động đất, lãnh đạo xã có về giải thích trấn an “bảo không sao” nhưng người dân không tin. Họ cần lãnh đạo cấp cao hơn UBND xã về tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho an tâm hơn. Nếu động đất kéo dài, người dân mong muốn được di dời sang nơi ở mới, ổn định tâm lý, an tâm định cư, sản xuất.
“Những trận động đất chưa gây thiệt hại về người, tài sản nhưng bà con rất bất an. Càng ngày, động đất càng xuất hiện nhiều, cường độ mạnh hơn trước. Một số nhà xuất hiện các vết nứt sâu và càng rộng ra theo đợt động đất như nhà của anh A Thun sát bên”, ông A Hương chỉ những vết nứt dài trên mặt nhà.
Kể từ sau đợt động đất lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum (ngày 18/4/2022), địa phương này tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trận động đất khác như: Sáng 1/6 (2 trận), sáng 4/6 (2 trận) đều xảy ra ở huyện Kon Plông với cường độ mạnh. Trong lúc chờ chính quyền có đối pháp với “kẻ địch không hề tuyên chiến” thì hàng trăm hộ dân ở vùng tâm chấn vẫn sống trong nỗi thấp thỏm, đối mặt với lằn ranh sinh tử.