NÓNG: Lại động đất liên tiếp ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay (4/6), hai trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plông, Kon Tum, trong đó trận mạnh nhất có cường độ 3.7, trận thứ hai có cường độ 3.1

Sau một thời gian im ắng, từ đầu tháng 6 đến nay, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum lại liên tiếp xảy ra động đất. Mới nhất là trận động đất lúc 10 giờ 04 phút 35 giây sáng nay (4/6) với độ lớn 3.1 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.832 độ vĩ Bắc, 108.250 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Trước đó, lúc 8 giờ 24 phút 41 giây (giờ Hà Nội) cùng ngày, cũng tại khu vực này ghi nhận một trận động đất có tọa độ (14.837 độ vĩ Bắc, 108.283 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km, độ lớn 3.7.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.

NÓNG: Lại động đất liên tiếp ở Kon Tum ảnh 1

Tâm chấn (dấu sao) trận động đất mới nhất xảy ra ở Kon Tum.

Từ đầu tháng 6 tới nay, khu vực Kon Plông đã ghi nhận tổng cộng 5 trận động đất, nâng tổng số trận động đất ở khu vực này trong năm qua lên con số trên 200 trận, gấp hơn năm lần số trận động đất ghi nhận từ 1903 đến 2020.

Động đất tại Kon Plông, Kon Tum được các chuyên gia Viện Vật lý địa cầu nhận định sơ bộ là động đất kích thích, hình thành do tác động của hồ chứa thủy điện tích nước. Động đất xảy ra liên tiếp tại khu vực này từ tháng 4/2021, ngay sau khi thủy điện Thượng Kon Tum phát điện tổ máy số 1 ngày 24/3/2021.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu trước đây về chế độ kiến tạo và hoạt động động đất tại khu vực Kon Tum và lân cận chưa đủ độ chi tiết, đồng thời, chưa có những nghiên cứu chi tiết về động đất kích thích trong khu vực. Vì vậy, cần có thêm nghiên cứu chi tiết để phục vụ xác định nguyên nhân, mức độ nguy hiểm động đất và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp.

Trước mắt, các nhà khoa học kiến nghị các bên liên quan thiết lập nhanh mạng trạm quan sát động đất địa phương (dự kiến gồm 8 trạm, trong đó có 3 trạm đã triển khai từ tháng 5/2021) tại huyện Kon Plông và lân cận, phục vụ công tác báo tin động đất kịp thời. Bên cạnh đó, thực hiện ngay nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân.

Động đất kích thích xảy ra khi hồ chứa thủy điện hoặc thủy lợi hoạt động tích nước, tạo sức ép lên hệ thống đứt gãy bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với hoạt động tự nhiên. Tại Kon Plông, động đất liên tiếp xảy ra trong thời gian từ tháng 4/2021 đến nay, ngay khi công trình Thủy điện Thượng Kon Tum tích nước và vận hành tổ máy số 1 vào ngày 24/3/2021.

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 đến nay với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.