Đây được coi là cơ hội để Đại sứ góp phần đẩy mạnh pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nhằm tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc tế, thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển. Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung có cuộc trả lời báo chí chiều 4/11 để nói về ý nghĩa của sự kiện này.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết, Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên ILC xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương. Đồng thời thể hiện lập trường, nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế, cũng như ủng hộ các tiến trình ngoại giao, pháp lý, đề cao quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế tại ILC.
Các thành viên ILC hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho chính phủ. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã hoạt động lâu trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, nên cần thúc đẩy, quan tâm đến lợi ích chung của các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Một trong những tiêu chuẩn mà các nước ủng hộ ứng cử viên là người đó phải có khả năng và cam kết thúc đẩy lợi ích và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế khi công tác tại ILC. Đại sứ đến từ một nước đang phải triển thì cần thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương nên càng phải chú ý đến lợi ích của các nước ở khu vực này. Bên cạnh đó, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã công tác lâu năm trong Chính phủ Việt Nam nên cũng hiểu quan tâm và lợi ích của Việt Nam, nên chắc chắn những quan tâm và lợi ích của Việt Nam phải phù hợp với quan tâm, lợi ích của khu vực và quốc tế mới nhận được sự ủng hộ. Đối với người mình đề cử, Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam có thể trao đổi với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao những vấn đề quan tâm để trong quá trình làm việc Đại sứ sẽ chú ý đến những quan tâm của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.
TS Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị Tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, từng giữ vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, đã xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới.
ILC gồm 34 thành viên, là những người được công nhận về trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ của ILC là thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế. Đến nay, ILC đã góp phần xây dựng được các văn bản quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, Công ước Vienna về Luật Điều ước năm 1969, Công ước Vienna về Thừa kế quốc gia liên quan đến Điều ước năm 1996, Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế năm 1998; Bộ Điều khoản về trách nhiệm quốc gia đối với hành vi sai phạm quốc tế năm 2001…