Lận đận vượt “Bão qua làng”

Thêm một phim chính luận về nông thôn. Ảnh: VFC
Thêm một phim chính luận về nông thôn. Ảnh: VFC
TP - Đô thị hóa, nông dân bị thu hồi đất, nông thôn mất dần bản sắc... tiếp tục được đề cập trong phim chính luận Bão qua làng, phát VTV1 giờ vàng.

Phim chính luận của VTV thời gian gần đây khai thác khá nhiều về nông thôn như Bí thư tỉnh ủy, Gió làng Kình, Ma làng... Tuy nhiên mảng đề tài này vẫn là mỏ vàng cho các nhà làm phim.

Câu chuyện đô thị hóa, biến mất dần của nông thôn Việt Nam tiếp tục xuất hiện trong Bão qua làng, nhưng được đặt trong bối cảnh mới: thu hồi đất đai, bỏ phiếu tín nhiệm lãnh đạo, bầu trưởng thôn theo kiểu mới. Phim về đề tài nông thôn những năm gần đây có độ nhàm, không nhiều thay đổi?

“Chúng tôi thấy nông thôn còn nhiều cái phải đề cập. Ảnh hưởng của đô thị hóa, họ thích ứng ra sao và vấn đề nảy sinh ở đó vẫn là đề tài có khán giả. Hơn nữa, những thay đổi ở làng quê đôi khi chỉ ở cơ sở hạ tầng, còn về ý thức cộng đồng, làng xóm vẫn giữ được tương đối nhiều. Nông thôn trong Bão qua làng cho thấy, lẽ ra trong cơ hội đổi mới có thể đầu tư làm ăn, nhưng với tư duy nông cạn, họ lại đầu tư hết vào nhà nghỉ, karaoke, quán internet”, đồng đạo diễn Trần Quốc Trọng nói.

Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) Đỗ Thanh Hải tỏ ra hài lòng: “Cách kể của phim này hơi khác, tôi cho là khá thú vị. Khán giả thấy đâu đó hình ảnh của những nhân vật từng xuất hiện trên báo”.

Trong khi vợ chồng Lận-Đận (Công Lý) thẫn thờ vì có nguy cơ trắng tay vì bị thu hồi đất thuê của xã làm trang trại, phía bên kia là không khí sôi sục vận động bầu cử trưởng thôn-chức được xem là mõ làng bao năm, nay bỗng có giá khi làng giáp ranh Thủ đô sắp tới là thành phố vệ tinh. Tất cả biến thành cơn bão quét qua làng quê bỡ ngỡ trước cám dỗ đô thị hóa.

“Khác với tác phẩm trước đó, tôi vẫn có thể nói đến mặt tiêu cực tác động đến đời sống của bà con hoặc những góc khuất trong tâm hồn. Nhưng điều tâm đắc nhất là thực hiện phim chính luận, có mắt nhìn tương đối mềm mại, dí dỏm khiến khán giả thấy vui vẻ, thoải mái hơn”, đạo diễn Lê Mạnh nói. Đây là phim đầu tay với tư cách đạo diễn của nhà quay phim kỳ cựu này.

Lâu nay thoại phim Việt khuôn sáo, nặng nề. Các trích đoạn của phim cũng lấp lánh sự dí dỏm như đạo diễn hứa hẹn, hi vọng không chỉ nói suông. “Anh bảo sửa ngon rồi, thế mà tôi vợt chả chết con muỗi nào/Bà chỉ cần mở mồm chúng nó chết hàng loạt, cần gì phải vợt”. Hay “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường/ Trăng bây giờ mà ra tiền, chúng nó xẻ làm tư, làm tám đấy”.

Một đạo diễn không sinh ra ở nông thôn, nhưng rất tự tin làm phim về đề tài này. Lê Mạnh nói, anh rất thông thuộc nhờ 19 năm làm phim ở thôn quê, và may mắn sinh trưởng trong gia đình làm nghề. Bố anh là đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích.

“Cha tôi truyền lại cho tôi cảm xúc đối với các hiện tượng cuộc sống, đó là điều quan trọng nhất”, anh nói. Có lẽ thế mà kết phim như cổ tích? Đạo diễn cười thừa nhận bởi “chúng ta thường thấy tiêu cực, nhưng người nông thôn họ sống tình lắm”.

Bão qua làng dài 30 tập, lên sóng VTV1 lúc 20h30 thứ năm, thứ sáu hàng tuần, kể từ 24/7. Quy tụ dàn diễn viên gạo cội: NSƯT Trần Hạnh, Tuyết Liên, Quốc Khánh, Công Lý, Quang Thắng, Hán Văn Tình.

“Ngọc hoàng” Quốc Khánh sẽ vào vai Lộc hâm dở, một nhà báo nửa mùa thích làm thơ, chịu khó sửa chữa đồ điện cho hàng xóm, bất ngờ bị kéo vào vòng xoáy chức quyền khi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Trong khi “cô Đẩu” Công Lý nhận vai anh nông dân Đận, chăm chỉ làm ăn nay vướng bi kịch sắp trắng tay. Anh nói đùa, ngày trước trẻ thì vào vai lấc cấc là đúng, giờ già rồi ra dáng anh nông dân. Vì dàn diễn viên khá tuyển này, nên Bão qua làng làm hơn một năm mới xong.

Phim giờ vàng chưa vàng

Phim truyền hình Việt Nam có một số thay đổi sau khi bị chê là thảm họa mấy năm trước. Tuy nhiên gần đây, một số phim lên sóng VTV trong giờ vàng như Vừa đi vừa khóc, Bếp hát lại khiến khán giả thất vọng vì chất lượng không vàng. Diễn viên Công Lý thừa nhận, “được gọi là giờ vàng, có phim được, phim không”.

Đạo diễn Trần Quốc Trọng phân trần: “Khi chúng tôi làm phim, chỉ biết làm hết sức, chưa biết có phát giờ vàng hay không. Quyết định chiếu phim vào giờ vàng hay không do lãnh đạo đài, ban biên tập”

MỚI - NÓNG