Làm sao ngăn Iran leo thang xung đột với Israel?

TPO - Giữa làn sóng triển khai quân sự của Mỹ và ngoại giao đồng minh, không rõ liệu một Iran đang bị bẽ mặt có leo thang tấn công Israel hay không sau đợt phóng tên lửa quy mô nhất hôm 1-2/10; nếu Iran làm như vậy mà không có hậu quả đáng kể thì sẽ đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, Viện Washington (một đơn vị tư vấn có trụ sở ở Mỹ) nhận định.

Vụ ám sát nhà lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh vào ngày 31/7 tại một nhà khách của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) ở Tehran là một sự sỉ nhục lớn và là một thất bại an ninh và tình báo nghiêm trọng đối với chế độ Iran. Các quan chức Iran ngay lập tức đổ lỗi cuộc tấn công này cho Israel, cho rằng nó được Mỹ hỗ trợ và hứa sẽ trả thù Israel bằng cách sử dụng khả năng tổng hợp của "mặt trận kháng chiến". Sau đó, các lực lượng vũ trang được Iran hậu thuẫn như Hezbollah ở Li-băng, Houthi ở Yemen… bị tấn công dữ dội; một số lãnh đạo cấp cao của Hezbollah thiệt mạng trong các đợt không kích của Israel.

Iran và Israel đã ở trong tình trạng chiến tranh hơn bốn thập kỷ, với những thời kỳ leo thang không thường xuyên và mức độ liên quan của lực lượng ủy nhiệm khác nhau. Chu kỳ leo thang gần đây nhất diễn ra vào tháng 4 sau khi một cuộc tấn công của Israel giết chết các sĩ quan quân đội cấp cao của Iran ở thủ đô Damascus của Syria. Khi đó, giống như bây giờ, Tehran đã đe dọa phản ứng quân sự và không bị ngăn cản thực hiện điều đó mặc dù Mỹ tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Israel và triển khai quân sự.

Ngày 13/4, Iran phóng một loạt máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trực tiếp từ lãnh thổ của mình. Mặc dù cuộc tấn công không kích hoạt một phản ứng mạnh từ Israel, sự kết hợp giữa các biện pháp phòng thủ mạnh mẽ của Israel, Mỹ và các đồng minh có thể đã ngăn chặn một thảm họa.

Đêm 1/10, rạng sáng 2/10, Iran phát động cuộc tấn công lớn nhất từ ​​trước đến nay vào Israel, bắn khoảng 180 tên lửa đạn đạo trong đợt không kích chưa từng có. Dường như phần lớn tên lửa đã bị các hệ thống phòng thủ của Israel với sự giúp đỡ của Mỹ và các đồng minh của nước này chặn lại phần lớn.

Israel đã tuyên bố sẽ trả đũa; Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Iran đã phạm phải "sai lầm lớn" và "sẽ phải trả giá", trong bối cảnh lo ngại về một cuộc chiến tranh toàn diện hơn giữa hai cường quốc khu vực ngày càng gia tăng.

Một người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Iran, nhưng mức độ thiệt hại vẫn chưa rõ ràng. Theo phân tích của CNN, nhiều tên lửa của Iran đã rơi xuống hoặc gần trụ sở của cơ quan tình báo Israel Mossad và hai căn cứ không quân.

Iran tuyên bố, cuộc tấn công chỉ giới hạn ở các mục tiêu an ninh và quân sự của Israel và nhằm đáp trả vụ giết chết thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah và những người khác. Tổng tư lệnh quân đội Iran cũng cảnh báo về các cuộc tấn công rộng hơn nếu Israel đáp trả.

Hiện khu vực đang trên bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn và các nước liên quan đang nỗ lực để ngăn chặn Iran leo thang không kích, hoặc nếu có tấn công, giữ phản ứng ở mức thấp nhất.

Hezbollah ngày 2/10 tuyên bố đã tấn công một doanh trại quân đội Israel bằng tên lửa gần Shomera, trên biên giới Israel-Li băng, vào sáng sớm cùng ngày. Còi báo động đã vang lên ở miền bắc Israel đêm 1 rạng sáng 2/10. Quân đội Israel trước đó nói rằng "một quả đạn đã được xác định bay qua từ Li-băng, rơi xuống một khu vực trống ở miền trung Israel", CNN đưa tin.
Làm sao ngăn Iran leo thang xung đột với Israel? ảnh 1
Mọi người trú ẩn trong tiếng còi báo động không kích ở miền trung Israel, ngày 1/10/2024. Ảnh: Reuters.

Các lựa chọn phản ứng của Iran

Danh sách các chiến thuật, ý định và biến số tiềm năng có thể hình thành phản ứng của Iran là rất dài:

  • Mục tiêu và đối tượng tấn công: Làm bẽ mặt và răn đe kẻ thù bằng cách phá hủy một tập hợp mục tiêu quân sự hoặc tình báo chủ chốt, một tòa nhà chính phủ nổi bật hoặc cơ sở hạ tầng dân sự, đồng thời thể hiện hiệu quả của hệ thống vũ khí và độ sâu của tình báo trên các mục tiêu đó.
  • Tài sản: Sử dụng các loại và tổ hợp tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, máy bay không người lái tự sát, mồi nhử, đột nhập tấn công thực địa và tấn công mạng.
  • Thời gian và chuỗi hành động: Chọn thời điểm tối ưu để tấn công nhằm tối đa hóa sự bất ngờ và hiệu quả, trong khi đối phương đang theo dõi chặt chẽ và giảm thiểu rủi ro leo thang không kiểm soát được.
  • Quy tắc giao chiến và thiệt hại phụ: Nhắm tới việc gây ra hoặc tránh thương vong, giảm thiểu thiệt hại vật chất, tránh mục tiêu dân sự.
  • Phòng thủ và phản ứng của đối phương: Xem xét rủi ro của một cuộc tấn công phủ đầu từ Israel dưới nhiều hình thức và đối phó với phòng thủ của kẻ thù bằng cách sử dụng hỏa lực bất ngờ, mồi nhử và tấn công đánh lạc hướng.
  • Hậu cần: Chuẩn bị công khai cho cuộc tấn công hoặc giữ bí mật hoạt động và sử dụng tài sản ngầm có khả năng phóng một cách kín đáo và đạt tốc độ siêu thanh.
  • Hậu quả và leo thang: Xem xét các tác động chính trị, xã hội và kinh tế rộng hơn, các phản ứng tiềm tàng từ Israel và nguy cơ leo thang hơn nữa.

Các tác động tích lũy của các biến số này sẽ quyết định sự thành công hay thất bại của cuộc tấn công và liệu nó có xảy ra hay không. Rõ ràng, kết quả tốt nhất cho Mỹ sẽ là Iran quyết định rằng rủi ro leo thang tấn công Israel là không thể chấp nhận được.

Làm sao ngăn Iran leo thang xung đột với Israel? ảnh 2
Tên lửa của Iran dường như đã bắn cách trụ sở Mossad ở Herzliya, Israel chưa đầy 1 km vào ngày 1/10/2024. Nguồn: CNN.

Các chiến thuật tiềm năng của Iran trong một cuộc tấn công giới hạn

Iran có khả năng cố gắng khắc phục những thiếu sót của cuộc tấn công ngày 13/4 bằng cách tìm kiếm sự vượt trội về công nghệ đối với phòng thủ của Israel, sử dụng một tổ hợp khác của các loại tên lửa đạn đạo hiện đại và đáng tin cậy hơn, như Sejjil, Khoramshahr-4 và Fattah. Những hệ thống này được cho là có đầu đạn/thiết bị tái nhập bầu khí quyển có khả năng sống sót hơn; chúng có khả năng cơ động và có thể sử dụng động cơ tên lửa rắn để tăng tốc độ siêu thanh trong giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của quỹ đạo bay, giúp né tránh phòng thủ tên lửa của Israel và Mỹ.

Trong cuộc tấn công ngày 13/4, Iran tuyên bố rằng họ không sử dụng một số tên lửa đạn đạo hiện đại và có khả năng nhất, có thể vì họ dự đoán cuộc xung đột tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Theo ước tính, một nửa số tên lửa đạn đạo được sử dụng đã không đến được mục tiêu.

Tên lửa đạn đạo của Iran được cho là có chức năng tự hủy khi đi lệch quá xa khỏi quỹ đạo. Hơn nữa, hầu hết các tên lửa Ghadr sử dụng ngày 13/4 dường như mang đầu đạn mồi nhử để làm quá tải phòng thủ Israel, tạo cơ hội cho các tên lửa khác mang đầu đạn đơn đi qua.

Trong tương lai, Iran có thể quyết định chuyển phần cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình hoàn toàn cho các lực lượng ủy nhiệm khu vực của mình, trong khi các lực lượng của họ tập trung vào việc sử dụng một số tên lửa đạn đạo mạnh mẽ nhất. Bằng cách này, Iran có thể phóng ít tên lửa hơn (bao gồm cả mồi nhử) và chứng minh khái niệm hoạt động dựa trên hiệu quả mà họ đã tự hào sau cuộc tấn công tên lửa vào tháng 1/2020 nhằm vào căn cứ không quân al-Asad của Mỹ tại Iraq, tức là đạt được kết quả tương đương hoặc tốt hơn với ít nguồn lực hơn.

Iran sở hữu nhiều căn cứ tên lửa ngầm trong phạm vi tấn công của Israel có khả năng che giấu quá trình chuẩn bị vũ khí của mình. Kết hợp với khả năng cơ động siêu thanh của một số tên lửa, Iran có thể nhắm tới việc rút ngắn thời gian cảnh báo của Israel xuống chỉ còn vài phút bằng cách sử dụng những căn cứ này. Năm 2022, Iran tuyên bố rằng tên lửa Fattah mới của họ có thể đến Israel trong vòng chưa đầy bảy phút.

Một mặt, thời gian cảnh báo ngắn hơn sẽ đặt thêm áp lực lên hệ thống phòng thủ của Israel và Mỹ. Mặt khác, bằng cách sử dụng các căn cứ và quy trình bảo mật nhất của mình, Iran có thể vô tình tiết lộ vị trí và khả năng mà có thể chưa bị tình báo nước ngoài phát hiện.

Để tăng thêm yếu tố bất ngờ, Iran có thể giao cho Hezbollah phóng một loạt máy bay không người lái và tên lửa hành trình vào các căn cứ quân sự, căn cứ không quân và các địa điểm phòng thủ không quân/tên lửa ở miền bắc và miền trung Israel. Hezbollah cũng có thể phóng một số tên lửa đạn đạo có độ chính xác cao do Iran sản xuất vào các mục tiêu chủ chốt ở Israel nhằm gây nhiễu loạn và chia rẽ hệ thống phòng thủ của nước này.

Về lý thuyết, Iran thậm chí có thể xem xét giao phó toàn bộ sự trả đũa quân sự cho các đối tác trong "trục kháng cự" và tự mình sử dụng các chiến thuật khác như xâm nhập, tấn công thực địa, tấn công mạng. Tuy nhiên, làm như vậy sẽ làm tổn hại đến uy tín và khả năng răn đe của Iran.

Làm sao ngăn Iran leo thang xung đột với Israel? ảnh 3
Hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đánh chặn tên lửa sau khi Iran bắn một loạt tên lửa đạn đạo, nhìn từ Ahkelon, Israel, ngày 1/10/2024.Ảnh: Reuters.

Phản ứng của Mỹ

Để ngăn chặn Iran, Mỹ đã triển khai một loạt khả năng bổ sung tới khu vực:

  • Một phi đội F-22
  • Nhóm Tác chiến Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CSG) đã được tái định vị từ Vịnh Ba Tư đến Biển Ả Rập
  • Nhóm Sẵn sàng Đổ bộ USS Wasp đã được tái triển khai tới Đông Địa Trung Hải gần Israel cùng với các tàu khu trục hải quân hiệu quả cao có khả năng phòng thủ chống lại tên lửa đạn đạo
  • Nhóm Tác chiến Tàu sân bay USS Abraham Lincoln với một cánh không quân hỗn hợp bao gồm các máy bay F/A-18E/F, EA-18G và F-35C đã được tái triển khai từ Thái Bình Dương
  • Khả năng triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân trên mặt đất

Việc có các tàu khu trục thế hệ mới nhất lớp Arleigh Burke trong khu vực mang lại giá trị gia tăng cho Mỹ về mặt linh hoạt nhiệm vụ và tích hợp với các cảm biến bên ngoài, cũng như khả năng sử dụng thế hệ mới nhất của tên lửa đánh chặn. Tương tự, sự hiện diện của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm cho phép chỉ huy tác chiến tiến hành tất cả các nhiệm vụ quan trọng của không lực (ưu thế trên không, hỗ trợ gần trên không, tấn công chiến lược, chiến tranh điện tử, trinh sát, thu thập và phân phối thông tin tình báo, và chế áp/tiêu diệt phòng không của đối phương) cùng một lúc, đồng thời đóng góp to lớn vào việc hiểu rõ bức tranh toàn diện về mối đe dọa.

Để thúc đẩy sự giảm căng thẳng, những biện pháp này đã song hành với những nỗ lực ngoại giao chưa từng có và cảnh báo được gửi qua các kênh song song như Thụy Sĩ, Jordan, Qatar, Ả Rập Xê Út. Tổng thể, những nỗ lực này cho thấy Mỹ sẽ không bỏ rơi các đồng minh của mình.

Tuy nhiên, các biện pháp phòng thủ đơn thuần đã không ngăn cản Tehran phát động một cuộc tấn công lớn vào tháng 4 và tháng 10, do đó Mỹ cần phải suy nghĩ lại về chiến lược răn đe của mình. Nếu bỏ qua cuộc tấn công tên lửa chính xác của Israel vào ngày 19/4 nhằm phá hủy một radar phòng không chủ chốt của Iran, Tehran đã tạo ra một tiền lệ cho việc tiến hành các cuộc tấn công tên lửa trực tiếp mà không phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.

Theo Viện Washington, Tehran cần phải được cảnh báo rõ ràng và đáng tin cậy rằng bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào nhằm vào lợi ích hoặc đồng minh của Mỹ sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là tồn vong, cho chế độ.

Mặc dù việc triển khai các khả năng phòng thủ là rất quan trọng và góp phần vào việc răn đe Iran, nhưng chúng không thể tự mình hoàn thành nhiệm vụ. Để hỗ trợ thông điệp ngoại giao mạnh mẽ của mình, Washington cần một khả năng tấn công đáng tin cậy trong khu vực.

Làm sao ngăn Iran leo thang xung đột với Israel? ảnh 4
Một người lính Iran đứng cạnh tên lửa Shahab-3 của Iran tại Tehran, Iran. Ảnh: AP

Một khả năng mà Bộ Quốc phòng Mỹ có thể tính đến là triển khai hệ thống vũ khí siêu thanh tầm xa mới mang tên Dark Eagle. Đây là một hệ thống tên lửa chiến lược đất-đối-đất được trang bị một thân lượn siêu thanh có khả năng cơ động theo quỹ đạo trầm để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 3.000 km. Hệ thống này đã được thử nghiệm bay thành công và đang được đưa vào hoạt động.

Triển khai Dark Eagle tới khu vực và mời các sĩ quan đồng minh quan sát sẽ cho Tehran thấy rằng Mỹ đã sẵn sàng sử dụng các hệ thống "tấn công nhanh" chính xác mới nhất để răn đe và, nếu cần, sẽ áp chế, Viện Washington nhận định.

Theo Washington Institute, CNN
Tin liên quan