Làm sạch môi trường để hút trí thức Việt kiều

Hội nghị thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Hà Nội ngày 28/12.
Hội nghị thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức tại Hà Nội ngày 28/12.
TP - Môi trường càng “sạch” thì trí thức càng tìm đến. Môi trường càng “bẩn” trí thức càng quay đi. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Vẻ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại hội nghị thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển khoa học - công nghệ, do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức hôm qua, 28/12.

Ông Trần Đắc Hiến, Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, theo số liệu của Bộ Ngoại giao hiện nay có hơn 4.5 triệu người Việt sinh sống và làm việc tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 300.000 trí thức. Lực lượng trí thức khoa học và công nghệ người Việt ở nước ngoài rất tiềm năng và có trong hầu hết các ngành, kể cả ngành kỹ thuật cao như vũ trụ, hàng không... đều có người Việt Nam.

Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cho rằng Việt Nam chưa tận dụng được “nguồn lực” trí thức Việt kiều vô giá này. TS. Tạ Bá Hưng, Ban quản lý dự án FIRST, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng số lượng trí thức Việt kiều nhiều nhưng hàng năm chỉ khoảng 200 chuyên gia về nước tham gia giảng dạy hay nghiên cứu. Nguyên nhân được TS. Tạ Bá Hưng đưa ra là thiếu sự liên kết, giao lưu giữa các chuyên gia trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhau và giữa họ với các đồng nghiệp, đối tác trong nước; Thiếu thông tin về thực trạng, tiềm năng, nhu cầu thực sự của các viện nghiên cứu, trường ĐH, các doanh nghiệp, địa phương trong nước. Thiếu chính sách mạnh mẽ, đồng bộ; sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tổ chức, đoàn thể trong thu hút, sử dụng chất xám còn bất cập.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Vẻ cho rằng, đối với trí thức vấn đề quan trọng nhất là môi trường gồm môi trường kinh tế, môi trường chính trị, môi trường để phát huy... Bởi môi trường càng “sạch”, trí thức càng tìm đến. Không cần cổ vũ tuyên truyền họ cũng sẽ về. Môi trường càng “bẩn” trí thức càng quay đi.

Đồng quan điểm này, TS. Hoàng Văn Kể, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, Chủ tịch hiệp hội khoa học kỹ thuật Hải Phòng đưa ra ví dụ khẳng định, môi trường chính là yếu tố quyết định sự gắn bó hay quay lưng của trí thức nước ngoài tại Việt Nam hay trí thức Việt kiều về Việt Nam. “Tôi được biết, có dự án đầu tư cả triệu đô, đã được duyệt nhưng họ bị “hành” nhiều quá. Thậm chí tận cấp cơ sở cũng “hành”, không chịu được, họ đã phải chấp nhận phá sản, bỏ đi. Nếu sự việc đó tiếp tục tiếp diễn thì nó loang ra ghê gớm” – TS. Hoàng Văn Kể nói.

Cần phải “đặt hàng” trí thức Việt kiều

Theo TS.Tạ Bá Hưng, Nghị định 87 của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học công nghệ tại Việt Nam chính thức có hiệu lực từ năm 2014. Nhưng sau hai năm, chưa chuyên gia nào về Việt Nam, chưa ai được hưởng chính sách này. “Thu hút trí thức về nhưng không giao cho họ nhiệm vụ, không có đất cho họ diễn, mời họ về nhưng không giữ được chân họ” – TS. Hưng nêu thực tế. Ông Nguyễn Phú Bình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, cũng đồng quan điểm với TS.Tạ Bá Hưng khi cho biết mỗi năm chúng ta thu hút được vài trăm trí thức Việt kiều về nước, về rồi đi, không giữ chân họ lại được.

Chính vì vậy, các giải pháp nhằm thu hút, giữ chân trí thức Việt kiều được các đại biểu tham dự hội nghị đưa ra. TS. Hoàng Văn Kể có hai kiến nghị. Thứ nhất là nên tổ chức hội thảo nghiên cứu xem phong cách của Bác Hồ thu hút trí thức nước ngoài về thế nào. Để từ đó, các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước cũng quan tâm thì mới giải quyết được. Thứ hai, các chuyên gia trong nước phải tìm bằng được những trí thức Việt kiều phù hợp với yêu cầu để vào tổ tư vấn của Thủ tướng nhằm tìm cách giải quyết các vấn đề bức xúc của đất nước hiện nay như chạy chức chạy quyền, cải cách hành chính sao cho minh bạch, kẹt xe ở hai thành phố lớn, biến đổi khí hậu.

Một trong những kiến nghị mà Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đề xuất đó là mời trí thức Việt kiều tham dự, nắm giữ những cương vị công tác khoa học tương xứng với nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cùng với quyền được tổ chức và lãnh đạo nhóm nghiên cứu khoa học; tạo cơ chế và điều kiện để các nhà khoa học Việt kiều được đăng ký đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, hướng dẫn nghiên cứu sinh và tham gia các hội đồng khoa học ở Việt Nam.

MỚI - NÓNG