Thứ nhất, khoảng cách từ lần tăng giá trước (7-3) đến lần tăng giá này là quá gần, nói cách khác là quá nhanh so với một chu kỳ nhập khẩu - dự trữ - bán ra của ngành kinh doanh xăng dầu.
Và, đặc biệt, nhanh hơn rất nhiều so với sự tăng trưởng về thu nhập của người dân. Thứ hai, thời gian từ lúc các doanh nghiệp đề nghị tăng giá đến lúc các Bộ ngành chức năng đưa ra quyết định tăng giá chỉ trong khoảng 1 tuần, cũng là quá nhanh, nếu không muốn nói là quá vội vàng đối với một quyết định có tính nhạy cảm trong một thời điểm hết sức nhạy cảm: lạm phát và nỗ lực kiềm chế lạm phát.
Quyết định có tính vội vàng đó không khỏi gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Một loạt các mặt hàng khác từ cước, phí vận tải đến bó rau, quả trứng... tiêu dùng hàng ngày cũng tăng theo.
Đấy là chưa kể hội chứng “té giá theo xăng” thường xuyên diễn ra. Rất có thể sẽ tiếp tục một làn sóng tăng giá mới trong quý II năm nay, khi mà một số yếu tố khác cũng đang rục rịch tăng và dự kiến tăng lương từ 1-5.
Những biến động trên sẽ tác động đến vấn đề nan giải của kinh tế vĩ mô. Khi giá xăng dầu tăng, ngay lập tức sẽ tăng chi phí đẩy cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tạo lực đẩy cho lạm phát tăng cao.
Một quan chức Bộ Tài chính tính toán, việc tăng giá xăng dầu lần này sẽ tác động trực tiếp và gián tiếp tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khiến chỉ số này tăng thêm khoảng 0,3%. Vị quan chức này cho rằng, mức tăng kể trên chưa gây áp lực lên lạm phát.
Có lẽ vị quan chức của Bộ Tài chính đã quên mất hai điều hệ trọng. Thứ nhất, lạm phát kỳ vọng do việc tăng giá thực lẫn tăng giá kỳ vọng gây ra, và điều này là khó tránh khỏi.
Thứ hai, quan trọng hơn cả: Nếu “kháng sinh” của lạm phát là lòng tin, thì những quyết định điều chỉnh tăng giá cả của Chính phủ mà không chuẩn bị về tâm lý cho người dân đón nhận, sẽ làm cho căn bệnh lạm phát bị lờn thuốc.
Chính phủ đang nỗ lực kiềm chế lạm phát và thực tế thời gian qua lạm phát đang có dấu hiệu suy giảm, dù là nhích từng bước nhỏ.
Dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của những chính sách kiềm chế lạm phát, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và người dân đều chia sẻ, đặt niềm tin vào những nỗ lực của Chính phủ.
Song, quyết định tăng giá xăng khá vội vàng hôm 20-4, một mặt giống như hành động “thả phanh” cho cỗ xe lạm phát rướn mạnh về phía trước, mặt khác làm suy giảm niềm tin vào năng lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ.
Vô hình trung, người dân đang bị lạm phát về niềm tin. Họ không khỏi hoang mang, lo lắng về quyết định tăng giá xăng dầu đột ngột vừa qua.